Hàm hô, hàm móm, sai khớp cắn,… là những vấn đề về răng hàm mặt gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn việc nhai nuốt và ngủ nghỉ. Bên cạnh biện pháp chỉnh nha, phẫu thuật chỉnh hàm như phẫu thuật hàm hô hay hàm móm, cắt xương hàm,… có thể được chỉ định để giải quyết triệt để những tình trạng này.
Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về các bước cần chuẩn bị, quy trình thực hiện và chăm sóc hậu phẫu thuật hàm qua những thông tin sau đây với MedPlus nhé!
Tìm hiểu chung
Phẫu thuật chỉnh hàm là gì?
Phẫu thuật chỉnh hàm là một dạng phẫu thuật chỉnh hình giúp bạn chỉnh sửa những bất thường của xương hàm, sắp xếp lại hàm và răng nhằm cải thiện cách chúng hoạt động. Những chỉnh sửa này cũng có thể giúp cải thiện thẩm mỹ trên khuôn mặt của bạn.
Khi nào cần thực hiện phẫu thuật chỉnh hàm?
Phẫu thuật chỉnh hàm là một lựa chọn thay thế khi bạn gặp vấn đề ở răng hàm mặt không thể điều chỉnh được bằng chỉnh nha (niềng răng). Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bạn cũng được niềng răng trước khi phẫu thuật và trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật. Nha sĩ chỉnh nha và bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt sẽ trao đổi với nhau để đề xuất hướng xử lý phù hợp nhất cho bạn.
Phẫu thuật hàm thích hợp khi cấu trúc hàm đã hoàn thiện, thường là trong độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi ở nữ và từ 17 đến 21 tuổi đối với nam.
Tại sao cần thực hiện phẫu thuật chỉnh hàm?
Phẫu thuật chỉnh hàm sẽ giúp:
- Cải thiện động tác cắn và nhai, khắc phục các vấn đề nhai nói chung.
- Khắc phục vấn đề về nuốt hoặc nói.
- Giảm thiểu sự mài mòn quá mức và gãy răng.
- Cải thiện các vấn đề về khớp cắn điển hình như khớp cắn hở.
- Chỉnh sửa sự mất cân đối trên khuôn mặt chẳng hạn hàm lệch, cằm nhỏ, cằm lẹm…
- Giúp môi có thể khép lại hoàn toàn một cách thoải mái.
- Giảm đau do rối loạn khớp thái dương hàm và các vấn đề về hàm khác.
- Sửa chữa vết thương hoặc dị tật bẩm sinh trên khuôn mặt.
- Giảm hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Thận trọng
Phẫu thuật chỉnh hàm có những rủi ro/tác dụng phụ nào?
Phẫu thuật chỉnh hàm nói chung là an toàn khi được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt có kinh nghiệm phối hợp với bác sĩ chỉnh nha.
Một số rủi ro có thể xảy ra bao gồm:
- Mất máu
- Nhiễm trùng
- Tổn thương dây thần kinh
- Gãy xương hàm
- Các vấn đề ở khớp cắn và đau khớp hàm
- Chỉnh hàm thất bại, đưa xương hàm trở lại vị trí như cũ
- Cần phải phẫu thuật thêm
- Cần điều trị tủy răng trên răng đã chọn
- Mất một phần hàm.
Quy trình
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật chỉnh hàm
Trong hầu hết các trường hợp bác sĩ sẽ gắn mắc cài vào răng của bạn. Quá trình niềng răng này có thể kéo dài từ 12-18 tháng để sắp xếp răng lại trước khi phẫu thuật hàm.
Trước phẫu thuật, bác sĩ chỉnh nha và bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt sẽ phối hợp với nhau để lên kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho bạn. Bác sĩ sẽ chỉ định:
- Chụp X-quang, hình ảnh và mô hình răng. Đôi khi, bạn cần tạo hình lại răng, bọc mão răng hoặc cả hai.
- Chụp CT ba chiều nhằm lập kế hoạch điều trị. Bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị neo chỉnh nha tạm thời để giúp di chuyển răng và giảm thời gian niềng răng. Có những người sau quá trình này không cần phải phẫu thuật hàm nữa.
- Lập kế hoạch phẫu thuật ảo (VSP) nhằm hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật điều chỉnh, sửa chữa vị trí hàm trong suốt quá trình điều trị để có kết quả tối ưu nhất.
Quá trình phẫu thuật chỉnh hàm như thế nào?
Trước khi tiến hành, bác sĩ có thể tiến hành gây mê toàn thân để bệnh nhân không thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Phẫu thuật chỉnh hàm thường được thực hiện bên trong khoang miệng nên không để lại sẹo trên cằm, hàm hoặc xung quanh khoang miệng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bác sĩ sẽ cần rạch một đường nhỏ bên ngoài miệng.
Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt xương hàm và điều chỉnh chúng lại vào đúng vị trí cho đến khi hoàn thành cử động hàm. Các đĩa xương nhỏ, đinh vít và dây chun có thể được sử dụng để cố định xương vào vị trí mới. Các vật liệu cố định này sẽ dần tích hợp vào cấu trúc xương theo thời gian.
Trong một số trường hợp thay vì cắt xương hàm, bạn có thể cần thêm xương vào xương hàm. Bác sĩ sẽ chuyển xương từ hông, chân hoặc xương sườn của bạn lên và cố định chúng bằng đĩa và vít. Một số khác, bạn cần định hình lại xương hàm để vừa vặn, cân đối hơn.
Bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành phẫu thuật chỉnh hàm ở hàm trên, hàm dưới, cằm hoặc bất kỳ kết hợp nào ở xương hàm.
Phẫu thuật chỉnh hàm trên thường được được thực hiện để điều chỉnh:
- Hàm bị thụt vào hoặc nhô ra đáng kể.
- Răng bị lộ ra quá nhiều hoặc quá ít
- Răng cắn chéo
- Hở khớp cắn
- Dị dạng phát triển vùng giữa mặt.
Phẫu thuật chỉnh hàm dưới được thực hiện để điều chỉnh:
- Hàm dưới bị tụt vào trong.
- Hàm nhô ra ngoài.
Phẫu thuật cằm cũng được thực hiện để chỉnh sửa cằm nhỏ (cằm lệch). Cằm nhỏ thường đi kèm với hàm dưới bị thụt vào bên trong.
Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật chỉnh hàm
Sau khi thực hiện phẫu thuật hàm, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều dưỡng và tự chăm sóc trong thời gian hồi phục hậu phẫu bao gồm:
- Ăn gì
- Cách vệ sinh răng miệng
- Tránh hút thuốc lá
- Tránh hoạt động gắng sức
- Các loại thuốc có thể dùng giảm đau
- Chườm đá lạnh để giảm sưng, viêm
- Khi nào có thể quay trở lại trường học hay công việc.
Quá trình làm lành xương hàm bước đầu sau phẫu thuật thường mất khoảng 6 tuần và cần khoảng 12 tuần để xương có thể lành lại hoàn toàn. Sau thời gian này, bạn có thể cần niềng răng để điều chỉnh răng cho đúng vị trí. Toàn bộ quá trình bao gồm từ phẫu thuật cho đến chỉnh nha đôi khi mất khoảng vài năm.
Kết quả
Kết quả sau khi phẫu thuật chỉnh hàm
Việc điều chỉnh hàm và răng thẳng hàng bằng phẫu thuật có thể mang đến cho bạn những lợi ích như:
- Hình dáng cân đối cho khuôn mặt của bạn.
- Cải thiện chức năng của răng.
- Cải thiện sức khỏe khi nhận được lợi ích từ việc cải thiện nhai, nuốt, ăn uống và giấc ngủ.
- Cải thiện khiếm khuyết về giọng nói.
Từ đó, bạn cũng có thể tự tin hơn khi được cải thiện ngoại hình và nâng cao sự tự tin của mình.
Trong một số trường hợp sau phẫu thuật chỉnh hàm, bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu phát hiện các dấu hiệu như:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Sưng hoặc đau bất thường và không thuyên giảm
- Vị mặn, kim loại hoặc khó chịu trong khoang miệng kéo dài.
- Tiết ra nhiều mủ hoặc máu.
Hy vọng các thông tin trên đây có thể mang đến lời giải đáp cho bạn về phẫu thuật chỉnh hàm. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Jaw Surgery
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: