Cốc nguyệt san (cách gọi dân dã là cốc kinh nguyệt hay cốc đựng kinh nguyệt) là sản phẩm vệ sinh phụ nữ thay thế cho băng vệ sinh hay tampon với nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, cốc kinh nguyệt lại là một sản phẩm còn khá mới mẻ với nhiều bạn gái Việt Nam.
Đã từ lâu, băng vệ sinh và tampon là trợ thủ đắc lực của chị em phụ nữ để tránh quần áo bị vấy bẩn trong những ngày “đèn đỏ”. Nhưng hiện nay, cốc nguyệt san đã và đang thay thế dần 2 sản phẩm trên.
Vậy cụ thể cốc nguyệt san là gì? Cách sử dụng cốc nguyệt san là gì? Có nên dùng cốc nguyệt san thay băng vệ sinh không? Hãy tham khảo bài viết sau của MedPlus để hiểu hơn về sản phẩm này nhé.
Cốc nguyệt san là gì?
Cốc nguyệt san là một sản phẩm vệ sinh phụ nữ được thiết kế để đặt vào âm đạo trong suốt thời kỳ hành kinh và được tái sử dụng nhiều lần. Mỗi chiếc cốc có thể dùng từ 5 – 10 năm tùy thuộc vào thương hiệu của nhà sản xuất. Cốc nguyệt san dùng để làm gì? Nó được dùng để hứng máu kinh trong lòng cốc thay vì thấm hút máu kinh như băng vệ sinh hay tampon nên không gây mùi khó chịu.
Cốc đựng kinh nguyệt thường được làm bằng cao su hoặc silicone, có dạng giống như một chiếc phễu. Cốc đựng kinh nguyệt có nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua sử dụng.
Có nên dùng cốc nguyệt san thay băng vệ sinh? Công dụng của cốc nguyệt san là gì?
Những ưu điểm và công dụng của cốc nguyệt san bao gồm:
- Giảm chi phí và hạn chế rác thải: cốc đựng kinh nguyệt có thể tái sử dụng trong nhiều năm giúp tiết kiệm chi phí so với sản phẩm băng vệ sinh, tampon làm từ giấy, bông hoặc hạt siêu thấm. Nếu không muốn tái sử dụng nhiều lần, bạn vẫn có thể mua loại sử dụng một lần. Hãy chắc chắn rằng bạn đọc thông tin sản phẩm cẩn thận trước khi mua loại sử dụng nhiều lần.
- Có thể để trong cơ thể đến 12 giờ: Băng vệ sinh cần phải được thay cái mới sau mỗi 3 – 8 giờ tùy thuộc vào lượng máu kinh nhiều hay ít nhưng cốc kinh nguyệt thì lâu hơn. Bạn có thể để cốc qua đêm rất an toàn mà không cần phải dùng thêm băng vệ sinh, không sợ tràn ra ngoài do cử động trong lúc ngủ.
- Dung tích chứa nhiều hơn: Một chiếc cốc kinh nguyệt có thể chứa gấp đôi lượng máu kinh so với băng vệ sinh siêu thấm hoặc tampon, giúp bạn thoải mái hơn trong những ngày máu kinh ra nhiều.
- Giữ vệ sinh khi quan hệ tình dục: Với loại cốc làm bằng silicone hay nhựa y tế, bạn cần phải lấy ra khỏi âm đạo trước khi quan hệ. Thế nhưng, bạn không phải làm điều đó khi sử dụng loại cốc dùng một lần có tên là softcup. Nó sẽ giúp bạn tận hưởng khoái cảm mà không lo vấy bẩn. Softcup trông giống như một màng ngăn, có hình mái vòm thay vì hình phễu thông thường.
- Hạn chế mùi hôi: Máu kinh sẽ có mùi khi tiếp xúc với không khí trong khi cốc đựng kinh nguyệt giúp bạn tránh được tình trạng trên.
- An toàn: Các chuyên gia cho rằng cốc đựng kinh nguyệt an toàn hơn so với băng vệ sinh, tampon vì nó giúp phụ nữ tránh các nguy cơ mắc hội chứng sốc nhiễm độc, nhiễm khuẩn, phát ban, phồng rộp.
- Cân bằng pH âm đạo và giữ lại vi khuẩn có lợi: Băng vệ sinh, tampon hấp thụ tất cả các dịch âm đạo của bạn cùng với máu kinh nên có thể làm ảnh hưởng đến độ pH và các vi khuẩn tốt trong âm đạo.
- Không tốn thời gian đi mua: Việc sử dụng cốc khiến bạn không mất nhiều thời gian đi mua mỗi tháng như dùng băng vệ sinh hay tampon.
- Thoải mái hơn so với dùng băng vệ sinh hay tampon: Nếu được đặt đúng cách, bạn không cảm thấy sự hiện diện của cốc đựng kinh nguyệt trong âm đạo. Cốc không gây hiện tượng rát, ẩm ướt như khi bạn dùng băng vệ sinh hay tampon.
Với những ưu điểm và tác dụng của cốc nguyệt san vừa nêu, bạn có thể mạnh dạn quyết định mình có nên dùng cốc nguyệt san thay băng vệ sinh hoặc tampon. Để củng cố quyết định của mình, bạn có thể cân nhắc tiếp những nhược điểm của cốc đựng kinh nguyệt dưới đây.
Nhược điểm của cốc nguyệt san so với băng vệ sinh, tampon
- Chi phí mua cốc nguyệt san khá cao: Việc chi một khoản tiền từ 450 – 1 triệu đồng để mua một cái cốc khiến nhiều bạn e dè.
- Có thể gây kích ứng: Người dùng cốc có nguy cơ bị kích ứng vùng kín hơn những người mang băng vệ sinh do tay không sạch hoặc cốc không được rửa sạch. Vì vậy, điều quan trọng là phải bạn rửa tay kỹ, làm sạch cốc trước khi sử dụng và đổ cốc ít nhất từ 2 – 3 lần/ngày.
- Khó khăn trong việc lựa chọn kích cỡ phù hợp: Cốc có nhiều kích thước khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, lượng máu kinh và tình trạng đã sinh con hay chưa nên việc tìm ra loại có kích thước phù hợp với âm đạo là một thách thức. Nếu không thích ứng với cơ thể, cốc có thể làm rò rỉ máu kinh. Cách duy nhất để biết bạn có phù hợp với cốc hay không là phải thử mua và trải nghiệm.
- Rút ra có thể gây tràn: Bạn sẽ thấy dễ dàng lúc đặt cốc nhưng việc rút ra đôi khi lại khiến bạn gặp “tai nạn bất ngờ” như làm đổ dịch.
- Gây ra một vài bất tiện nhỏ: Nếu bạn đang ở trong một nhà vệ sinh công cộng, việc đổ cốc và dùng lại có thể khiến bạn gặp khó khăn.
- Gây tác động tới vòng tránh thai: Một số nhà sản xuất khuyên bạn không sử dụng cốc kinh nguyệt nếu đang đặt vòng tránh thai vì cốc có thể làm xê dịch hoặc làm rớt nó. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi kết hợp cả hai.
- Tẩy rửa và bảo quản: Sau mỗi kỳ kinh, bạn phải rửa sạch cốc và khử trùng bằng nước sôi để đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, các bạn gái chưa lập gia đình hay chưa quan hệ tình dục cần cân nhắc việc sử dụng cốc kỳ kinh nguyệt hoặc chọn size phù hợp để tránh ảnh hưởng đến màng trinh.
Như vậy, việc có nên dùng cốc nguyệt san thay băng vệ sinh hay không tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của từng người. Điều quan trọng là bạn phải được an toàn khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào nên hãy cân nhắc kỹ nhé!
Những câu hỏi thường gặp khi sử dụng cốc nguyệt san
1. Tại sao tôi không thể nhét cốc kinh nguyệt vào được?
Việc bạn nhét cốc không vào có thể do các nguyên nhân sau:
- Do quá căng thẳng: Việc nhét cốc kinh nguyệt vào âm đạo đôi khi khiến bạn cảm thấy không thoải mái, nhất là lần đầu tiên bạn sử dụng. Tình trạng quá căng thẳng khiến các cơ co lại làm cho việc nhét cốc vào bị cản trở.
- Cách gấp cốc sai hoặc chưa phù hợp: Bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cốc nhằm tránh tình trạng gấp cốc sai hay chưa phù hợp khiến không thể nhét cốc vào âm đạo được. Có nhiều cách gấp cốc và mỗi người phù hợp với một cách khác nhau, bạn nên thử gấp cốc theo nhiều cách để biết mình phù hợp với cách nào nhất.
- Bạn đứng hoặc ngồi sai tư thế.
2. Tại sao tôi bị viêm nhiễm, kích ứng vùng kín khi sử dụng cốc chứa kinh nguyệt?
So với băng vệ sinh hoặc tampon, việc dùng cốc được bảo đảm và giảm thiểu viêm nhiễm vùng kín hơn rất nhiều. Song nếu bạn bị viêm nhiễm, kích ứng vùng kín khi sử dụng sản phẩm vệ sinh này rất có thể tay bạn không được sạch khi sử dụng cốc, cốc không được vệ sinh đúng hoặc bạn mua phải loại kém chất lượng.
3. Nguyên nhân do dâu mà tôi bị tràn dịch khi sử dụng cốc nguyệt san?
Việc bạn bị tràn dịch khi sử dụng cốc kinh nguyệt nguyên nhân có thể là:
- Bạn đặt cốc chưa đúng cách: Sau khi nhét cốc vào âm đạo, bạn hãy nắm cuống cốc, xoay nhẹ để miệng cốc bung đều vừa khít với âm đạo.
- Bạn chọn sai kích thước: Việc chọn kích thước cốc không phù hợp với cơ thể là một trong những nguyên nhân khiến máu kinh bị rò rỉ.
- Bạn để cốc quá lâu trong cơ thể khiến lượng máu kinh quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến hiện tượng rò rỉ mấu kinh xảy ra.
4. Bao lâu thì cần phải đổ cốc kinh nguyệt?
Đa phần các nhà sản xuất đều khuyên nên đổ cốc 2 – 3 lần/ngày. Luu ý là vào những ngày máu kinh chảy ra nhiều, bạn nên thường xuyên đổ cốc để tránh hiện tượng rò rỉ.
5. Tôi phải làm gì khi cốc kinh nguyệt của tôi bị đổi màu sau hơn 1 năm sử dụng?
Đây là một điều hết sức bình thường và không ảnh hưởng gì đến chất lượng của cốc nếu bạn vệ sinh, tiệt trùng và bảo quản cốc đúng cách.
Qua bài viết này, MedPlus tin rằng bạn đã biết rõ cốc nguyệt san là gì cũng như cách sử dụng sản phẩm vệ sinh này. Sử dụng cốc kinh nguyệt là cách tốt để bạn hạn chế rác thải và bảo vệ môi trường. Vì vậy, bạn hãy thử sử dụng nhé, biết đâu, bạn lại “ghiền” thì sao.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: What is a Menstrual Cup?
[Acceptability and safety of the menstrual cup: A systematic review of the literature]
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: