Phương pháp dạy con 3C của người Mỹ đang là xu hướng giáo dục con hiện nay được nhiều cha mẹ áp dụng. Phương pháp 3C chỉ đơn giản là chữ viết tắt của Commitment (trách nhiệm), Control (Kiểm soát) và Challenge (Thử thách). Đối với người Mỹ, việc dạy dỗ trẻ không theo chủ trương quát mắng, đánh đòn mà vẫn giúp trẻ có ý thức tự giác, biết tự lập và tự tin hơn. Cách giáo dục đơn giản mà mang tính tự lập này của người Mỹ sẽ giúp trẻ rèn luyện được đức tính mạnh mẽ, biết nhìn nhận lỗi sai của mình, có trách nhiệm với lựa chọn của bản thân và phát triển khả năng tư duy, sáng tạo.
1. Trách nhiệm (Commitment)
Cha mẹ người Mỹ được đánh giá rất cao về việc tôn trọng độc lập của con cái. Họ trao cho con cái sự tự do, và ngược lại, trẻ sẽ học cách có trách nhiệm với lựa chọn cá nhân của chính mình.
Nếu con làm đổ vỡ vật gì khi đến chốn công cộng, trẻ không chỉ xin lỗi là xong. Thay vì đứng ra giải quyết, cha mẹ sẽ yêu cầu con dùng tiền tiết kiệm đền cho người ta. Cách này sẽ làm trẻ… đau lòng, nhưng con sẽ học có trách nhiệm với việc làm của mình, có ý thức phòng ngừa đổ vỡ sau đó.
Ngoài việc phân công làm việc nhà, trẻ em Mỹ từ nhỏ được khuyến khích tham gia các hoạt động tạo thu nhập. Vào ngày nghỉ, trẻ có thể bán nước chanh gây quỹ trong các hội chợ, làm vườn, trông em bé, giao báo… Khoản tiền nho nhỏ này con hoàn toàn tự mình quyết định.
Cha mẹ người Mỹ khích lệ trẻ làm việc tới nơi tới chốn, giao công việc cho trẻ mỗi ngày, chú ý quan sát và đưa cho trẻ những nhận xét, đánh giá. Như vậy, trẻ sẽ được dưỡng thành đức tính kiên trì nhẫn nại và thói quen nghiêm túc, tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm.
2. Kiểm soát (Control)
Trẻ con dễ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài, tác động từ bạn bè. Trẻ chưa có khả năng kiểm soát bản thân trước nhiều vấn đề. Cha mẹ người Mỹ thường không quát nạt, đánh đòn để buộc con làm theo yêu cầu của mình. Họ dạy con cách kiểm soát cảm xúc và thời gian.
Dần dà, trẻ học được cách tự ra quyết định riêng một cách chín chắn. Trẻ không dùng khóc lóc, giận dỗi, bỏ ăn làm vũ khí của mình. Con sẽ học cách kiểm soát cảm xúc, hành vi và lời nói. Con nhìn nhận vấn đề bản thân, tập kiểm soát bản thân cũng như rèn luyện được đức tính tự lập, dũng cảm và mạnh mẽ.
Đối mặt với một vấn đề của trẻ, cha mẹ người Mỹ không xoa dịu, nuông chìu, thỏa hiệp với con. Thay vào đó, họ dành thời gian nói chuyện với con, tìm hiểu cảm xúc và nguyện vọng của con. Sau đó, cha mẹ gợi ý để trẻ tự tìm cách giải quyết vấn đề của riêng mình.
Con trẻ cũng phải học cách kiểm soát thời gian trong ngày và chủ động thực hiện lộ trình hàng ngày của mình, thay vì cần cha mẹ đôn đốc, thúc giục. Con sẽ có thời gian để vui chơi, xem tivi nhưng phải đảm bảo thời gian học tập, chơi thể thao, làm việc nhà,…
Kỹ năng quản lý dần được nâng cấp thành thói quen. Con sẽ dần chủ động và tôn trọng thời gian. Sử dụng thời gian không hợp lý, con sẽ không đủ thời gian làm bài, phải thức khuya hoàn thành kế hoạch,… Con không có quyền phớt lờ trách nhiệm. Cha mẹ sẽ có biện pháp trừng phạt nếu con ham chơi hơn ham học, sa đà vào chuyện chơi. Các biện pháp đó là cắt tiền tiêu vặt, phạt cắt cỏ, cấm ra ngoài chơi,…
3. Thử thách (Challenge)
Cha mẹ Việt Nam ngăn con đến hồ bơi vì sợ con chết đuối. Cha mẹ Mỹ dạy con tập bơi để trẻ tự cứu mình nếu rớt xuống nước. Chính điều đó tạo sự khác biệt trong cách giáo dục con trẻ.
Người Mỹ thường không bao giờ bó buộc bản thân vào khuôn mẫu chung. Họ thích thay đổi, thích đột phá, đó là kết quả của lối giáo dục khai phóng. Cha mẹ Mỹ đứng bên cạnh và khuyến khích con đối mặt với điều là chúng sợ hãi, không thích.
Cha mẹ Mỹ khuyến khích con cái của họ dám đón nhận thử thách thay vì trốn tránh. Họ không hề dè bỉu, bỡn cợt nếu con trẻ làm sai hoặc thất bại. Mọi trải nghiệm đều quý giá. Họ chấp nhận và trân trọng trải nghiệm thất bại của con hơn là việc con thụ động không dám làm gì.
Chính nhờ vậy, trẻ em học cách đối mặt, dễ hòa hợp với môi trường mới hơn. Trẻ cũng lột bỏ được sự rụt rè nhút nhát, trở nên bạo dạn và chủ động. Càng trưởng thành, người Mỹ càng tự chủ về mặt tài chính lẫn cuộc sống, bước qua các định kiến bó buộc mình dễ dàng.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily