Ma hoàng có thân hình trụ, dẹt. Chia thành đốt rõ, mỗi mấu mang 1 -3 lá vảy nhỏ mọc đối hoặc mọc vòng. Gióng dài 2 -6cm, giòn, dễ bẻ gẫy. Vết bẻ hơi có xơ giữa có màu đỏ nâu, mùi nhẹ, vị hơi đắng. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu ma hoàng hiện nay? Cách dùng dược liệu này như thế nào? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Ma hoàng
Tên khoa học: Ephedra sinica Stapf
Họ: Họ Ephedraceae (Ma hoàng)
Đặc điểm dược liệu
- Thảo ma hoàng-Ephedra sinica-là một cây mọc thẳng đứng cao chừng 30-70cm, thân có nhiều đốt, mỗi đốt dài chừng 3-6cm, trên có rãnh dọc. Lá mọc đối hay mọc vòng từng 3 lá một, thoái hoá thành vẩy nhỏ, phía dưới lá màu hồng nâu, phía trên màu tro trắng, đầu lá nhọn và cong, hoa đực hoa cái khác cành, cành hoa đực nhiều hoa hơn (4-5 đôi), quả thịt, màu đỏ giống như quả nho. Vì cây lại hay mọc ở bờ biển cho nên châu Âu gọi ma hoàng là loại nho biển (Raisin de mer). Hạt hơi thò ra.
- Mộc tặc ma hoàng-Ephedra equisetina-cũng là một cây nhỏ mọc thẳng đứng, cao tới 2m, cành cứng hơn, màu xanh xám hay hơi có phấn trắng, đốt ngắn hơn, thường chỉ dài 1-3cm, lá dài 2mm, màu tía. Hoa đực và hoa cái khác cành, quả hình cầu, hạt không thò ra như thảo ma hoàng.
- Như vậy chỉ căn cứ vào chiều dài của đốt ta cũng có thể phân biệt hai loài ma hoàng: Thảo ma hoàng có đốt dài hơn (3-6cm), hạt thò ra, còn mộc tặc ma hoàng đốt ngắn hơn (1-3cm), hạt không thò ra.
- Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng loài trung ma hoàng Ephedra intermedia cũng có đốt dài như thảo ma hoàng, nhưng đường kính cành trung ma hoàng thường hơn 2mm, còn đường kính thảo ma hoàng chỉ khoảng l,5-2mm.
Bộ phận dùng
Bộ phận sử dụng là thân cây.
Thu hái và chế biến
Thu hái: Thu hái vào cuối mùa thu.
Chế biến: Bỏ lá, chỉ lấy thân, cắt bỏ đốt, sau đó phơi khô.
Phân bố
Ma hoàng có nguồn gốc và phân bố chủ yếu ở Trung Quốc.
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
Thảo dược này có chứa các thành phần hóa học sau: Pseudoephedrine, Methylephedrine, b-Terpineol, Benzoic acid, Vanillic acid, Cinnamic acid, Phytochemistry,…
Tính vị
+Vị hơi ôn (theo Biệt Lục).
+Vị cay, hơi đắng, tính nhiệt (theo Bản Thảo Cương Mục).
+Vị cay, đắng, tính ôn (theo Trung Dược Đại Từ Điển, Đong Dược Học Thiết Yếu).
+Vị đắng, tính ôn (theo Bản Kinh).
+Vị ngọt, tính bình (theo Dược Tính Luận).
+Vị hơi đắng, chua nhẹ, tính ấm (theo Trung Dược Học).
Quy kinh
+Qui vào kinh thủ Thiếu âm và túc Thái âm (theo Thang Dịch Bản Thảo).
+Qui vào kinh Bàng quang, Phế (theo Trung Dược Học Đại Từ Điển và Trung Dược Học).
+Qui vào kinh Thái âm (theo Trân Châu Nang).
+Qui vào kinh Tâm, Phế, Đại Trường và Tâm (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại
- Tăng huyết áp (theo Trung Dược Học).
- Tác dụng giải nhiệt: Sử dụng tinh dầu của dược liệu cho chuột nhắt bình thường nhận thấy có tác dụng hạ thân nhiệt (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Tác dụng lợi tiểu: Alcaloid trong ma hoàng có tác dụng lợi tiểu rõ rệt (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Tác dụng bài tiết dịch vị và nước tiểu: Alcaloid trong thảo dược có khả năng kích thích dịch vị và bài tiết nước tiểu (theo Những Cây Và Vị Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng đến hệ thần kinh: Ephedrine trong dược liệu có tác dụng làm phấn chấn tinh thần, hưng phấn vỏ não, hưng phấn trung khu hô hấp. Đồng thời làm giảm tác dụng của thuốc ngủ (theo Những Cây Và Vị Thuốc Việt Nam).
- Thân và cành có tác dụng ngược lại với rễ ma hoàng (Những Cây Và Vị Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng phát hãn: Có tác dụng tăng bài tiết mồ hôi (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Tác dụng chống co thắt phế quản: Ephedrine trong dược liệu có tác dụng làm giảm cơ trơn khí quản (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Ephedrine gây co thắt mạch máu khiến huyết áp tăng lên (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Dược liệu có khả năng ức chế virus cúm (theo Dược Học Báo).
Theo y học cổ truyền
Tác dụng:
- Khứ phong, bình suyễn, tiêu phù, giải biểu, tuyên phế, lợi tiểu (theo Trung Dược Học).
- Bình suyễn, tán tụ, phát hãn và lợi tiểu (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Xuất hãn, chỉ khái nghịch thượng khí, phá trưng kiên tích tụ, phát biểu, khứ tà nhiệt khí, trừ hàn nhiệt (theo Bản Kinh).
- Lợi thủy, phát hãn và bình suyễn (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
Chủ trị:
- Trị đầu đau, thương hàn, ôn ngược, trúng phong (theo Bản Kinh).
- Trị thủy thủng, sản hậu huyết trệ, mắt đỏ sưng đau và phong thủng (theo Bản Thảo Cương Mục).
- Trị phong thấp (theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
- Trị ôn dịch, ôn ngược và sốt cao (theo Dược Tính Luận).
- Trị phù thủng, suyễn và ngoại cảm phong hàn (theo Trung Dược Học).
Cách dùng và liều lượng
Ma hoàng được dùng bằng cách sắc nước uống, ngâm rượu, tán bột uống, tán bột làm hoàn,… Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 2 – 12g.
3. Bài thuốc chữa bệnh
Chữa viêm khí quản, hen suyễn, cảm mạo
Ma hoàng thang (bài thuốc của Trương Trọng Cảnh), ma hoàng 8g, quế chi 6g, hạnh nhân 8g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Đơn thuốc khác chữa hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, lao
Ma hoàng 5g, tế tân 3g, Bán hạ 2g, Ngũ vị tử 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng ma hoàng cần lưu ý: Không tự ý sử dụng dược liệu khi chưa có sự đồng ý hay hướng dẫn từ thầy thuốc và các y bác sĩ.
5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: