Ba chạc là loài cây rất phổ biến ở nước ta, lá và cành tươi được dùng để nấu với nước tắm trị ghẻ, rửa các vết loét, vết thương chốc đầu; thân và rễ có tác dụng giúp ăn ngon, dễ tiêu hóa, điều kinh, lợi sữa. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu ba gạc nào hiện nay? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Ba chạc; Chè đắng; Chè cỏ; Cây dầu dầu; Bí bái,…
Tên khoa học: Evodia lepta (Spreng) Merr., Evodia triphylla Guill, non DC., Melicope ptelefolia
Họ: Họ Cam (Rutaceae)
Đặc điểm dược liệu
Cây nhỏ cao từ 1 – 3m, có khi cao đến 4 – 5m. Cành non có lông, sau trưởng thành nhẵn, có màu đỏ xám. Lá kép mọc đối gồm 3 lá chét, mép nguyên có hình trái xoan, lá kép mọc trông giống chạc ba nhánh do đó có tên là Ba chạc, lá dài 4,5 – 13cm, rộng 2,5 – 5,5cm, cuống lá chét không có hoặc rất ngắn. Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá và ngắn hơn lá, lá bắc nhỏ, hoa màu trắng. Lá đài hình trái xoan, có lông ở mép, có 4 – 5 cánh hoa, cánh có có chiều dài gấp 3 lần lá đài, ở đầu cánh hoa hơi khum, nhẵn. Nhị 4, chỉ nhị bằng hoặc dài hơn cánh hoa. Bầu hình trứng, có lông, vòi nhụy nhẵn, đầu nhụy có 4 rãnh. Quả nang hình trái xoan khi chín màu đỏ, vỏ nhẵn, phía ngoài nhăn nheo, mỗi ngăn chứa một hạt hình cầu đường kính 2mm, màu đen xanh, bóng. Mùa hoa quả của ba chạc từ tháng 4 đến tháng 7.
Bộ phận dùng
Bộ phận sử dụng của ba chạc là lá, cành tươi, thân và rễ.
Thu hái và chế biến
Lá Ba chạc được thu hái quanh năm, sau đó thể dùng tươi hoặc phơi khô để dành dùng dần.
Thân và rễ thái lát mỏng, phơi nắng cho khô để dùng làm thuốc.
Phân bố
Cây ba chạc sinh trưởng chủ yếu trên các đồi cây bụi. Ngoài ra, cây cũng được tìm thấy ở rìa rừng, các khu rừng mọc thưa thớt hoặc một số tỉnh miền núi nước ta ( Điện Biên, Sơn La hay Lâm Đồng…)
Một số quốc gia khác cũng có ba chạc như: Trung Quốc, Philippin,…
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
Trong lá, vỏ quả có tinh dầu mùi thơm nhẹ dễ chịu, tinh dầu có α – pinen và furfuraldehyd.
Ngoài ra, lá và rễ ba chạc chứa alkaloid.
Tính vị
Ba chạc tính lạnh, có vị đắng, mùi thơm nhẹ
Quy kinh
Can và tỳ vị
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng kháng khuẩn:
Nghiên cứu ở Trung Quốc thấy nước sắc Ba chạc (1/1) có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella ở nồng độ pha loãng 1:25, không có tác dụng trên trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae. Ở Việt Nam cao lỏng lá và và cành non có tác dụng không đáng kể trên các vi khuẩn Bacillus pyocyaneus, Proteus, Shigella sonnei, Shigella shiga, Salmonella typhi, Sarcina lutea, Escheria coli, Klebsiella, và nấm Candida albicans.
- Tác dụng lợi sữa
Trên mô hình diều chim bồ câu, cao cồn và nước sắc lá và cành non Ba chạc, liều tính theo dược liệu khô là 10g/kg/ngày, sau khi cho uống 10 ngày, tế bào biểu mô diều chim bồ câu chuyển sang màu đăng ten, trong đó có 1/5 con đã hình thành tuyến sữa, có nghĩa là Ba chạc có tác dụng lợi sữa.
Một thử nghiệm khác trên 35 phụ nữ cho con bú uống nước sắc lá và cành khô ngày 12g liền nhiều ngày. Sau 3 ngày, sữa tăng nhiều là 15 (42,8%), tăng vừa là 14 (40%), không có kết quả 6 (17,2%).
Theo y học cổ truyền:
- Lá và cành tươi ba chạc
Dùng ngoài: Được nấu với nước hoặc giã đắp để trị ghẻ, mụn nhọt, lở ngứa, rửa các vết thương, chốc đầu. Ngoài ra, người Trung Quốc còn sử dụng lá và cành tươi ba chạc để chữa vết thương nhiễm khuẩn, viêm mủ da, áp xe, eczema.
Dùng trong: Chữa bệnh viêm họng, viêm amidan, ho mắt mờ, trẻ em sốt cao sinh kinh giật, phụ nữ mới sinh mất sữa, kém ăn hoặc bị chứng nhiệt sinh khát. Ở Trung Quốc còn để phòng bệnh cúm, bệnh truyền nhiễm, viêm não, đột quỵ não, cảm lạnh, viêm gan.
- Thân và rễ
Được sử dụng để làm thuốc bổ đắng (giúp ăn ngon, dễ tiêu), điều kinh. Ngoài ra còn được dùng để chữa phong thấp, đau gân nhức xương, tê bại, bán thân bất toại.
Cách dùng và liều lượng
Dùng ngoài: Lá và cành ba chạc dùng dạng tươi, nấu nước rửa tổn thương và cải thiện các vấn đề ngoài da.
Sắc uống: Mỗi ngày 10 – 15g lá hoặc 9-30g rễ, 4 – 12g thân sắc uống theo hướng dẫn của thầy thuốc.
3. Bài thuốc sử dụng
Thuốc bổ đắng (làm ăn ngon, dễ tiêu) đặc biệt cho phụ nữ sau khi sinh
Dùng 8 – 16g lá hoặc 4 – 12g rễ, sắc uống.
Thuốc lợi sữa
Dùng 8 – 16g lá sắc uống nhiều ngày.
Thuốc điều kinh
Dùng 4 – 12g rễ, vỏ thân sắc uống.
Chữa viêm họng, viêm amidan, viêm loét lưỡi, miệng, viêm gan vàng da, viêm dạ dày
Ngày 12 – 20g lá tươi sắc uống. Trong trường hợp bị viêm ở miệng thì ngậm lá tươi sau khi sắc và nuốt.
Chữa sốt, ngộ độc, háo khát, nước tiểu vàng nâu
Ngày 20g lá khô hoặc 40g lá tươi sắc uống.
Chữa viêm khớp, phong thấp, lưng gối đau nhức, tê bại, đau dây thần kinh hông
Ngày 20 – 40g rễ sắc uống hoặc rễ Ba chạc, Đây đau xương, Câu đằng, Tầm gửi cây dâu, mỗi vị 20 – 30g, sắc uống.
Thuốc phòng cảm cúm, bệnh truyền nhiễm, viêm não
Ba chạc (lá) 15g, Rau má 30g, Đơn buốt 15g, Cúc chỉ thiên 15 , sắc uống.
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng ba chạc cần lưu ý:
- Thăm khám và hỏi ý kiến thấy thuốc trước khi dùng
- Tuân thủ đúng liều lượng cho phép. Tránh sử dụng thuốc trong nhiều tháng liên tục.
- Đối với mỗi chứng bệnh, nên có chế độ kiêng cữ thích hợp để không làm ảnh hưởng đến tác dụng của bá chạc.
- Thông báo cho thầy thuốc biết tất cả các loại tân dược, sản phẩm bổ sung bạn đang sử dụng nhằm tránh hiện tượng tương tác thuốc.
5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: