Cây Bách Hợp còn gọi là Tỏi Trời thuộc họ nhà hành tỏi. Ngoài được trồng làm cây cảnh, cây có chức năng như một dược liệu. Có công dụng giảm ho, ho ra máu, ho khan hoặc có đờm,… Cùng Medplus tìm hiểu để hiểu rõ hơn về dược liệu này nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Bách hợp, Tỏi trời, Tỏi rừng, Sluốn phạ, Khẻo ma (Tày), Kíp pá (Thái), Cà ngái dòi (Dao)
Tên khoa học: Lilium brownii F. E. Brown ex Mill. var. viridulum Baker
Tên đồng nghĩa: L. brownii var. colchesteri Wils. ex Stapf.
Họ: Liliaceae
Đặc điểm cây
Bách hợp là một loại cỏ nhỏ cao độ 60-90cm, mọc hoang ở rừng và sống lâu năm, có dò.
- Lá mọc so le hình mác, nhẵn, dài 2-15cm, rộng 0,5- 3,5cm.
- Hoa đầu cành gồm 2-6 hoa lớn, hình loa kèn dài 14-16cm, miệng có 6 cánh màu trắng hay hơi hồng, cuống dài 3-4cm.
- Quả nang dài 5-6cm, mở theo 3 van.
- Hạt rất nhiều, xếp thành chồng, hình trái xoan, đường kính 1cm hay hơn.
Phân bố, thu hái và chế biến
Phát hiện ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Bắc, mọc hoang trên các đồi cọ Sapa (Lào Cai). Tại Trung Quốc mọc hoang ở nhiều tỉnh (Hồ Nam, Tứ Xuyên, Triết Giang, Hồ Bắc, Giang Tô, Quảng Đông).
Trồng bằng dò như trồng hành, tỏi. Sau một năm thu hoạch. Muốn dò to cần ngắt hết hoa. Cuối hạ đầu thu sau khi hoa nở. Cây bắt đầu khô héo thì đào lấy dò, rửa sạch đất, cắt bóc ra từng phiến, đồ nước sôi 5-10 phút (lâu quá sẽ bị nhũn), sau đó phơi hay sấy thật khô.
Bộ phận dùng
Phần củ của cây bách hợp
Bảo quản
Dược liệu rất dễ hút ẩm và biến thành màu đỏ nâu hoặc giảm chất lượng do bị mốc mọt. Vì thế người dùng cần bảo quản dược liệu tại những nơi khô ráo. Bạn không được sấy dược liệu hơi diêm sinh, màu sẽ trắng, biến chất và vị.
Thành phần hoá học, tính vị
Thành phần hoá học
Trong bách hợp có tinh bột (30%) chất protit (4%) chất béo (0,1%) và một ít vitamin C. Có tác giả tìm thấy trong bách hợp chất colchixein C21G23O6N.1/2H2O.
Tính vị, qui kinh
Tính hơi hàn, vị đắng. Qui vào kinh Tâm, Phế.
Công dụng và những bài thuốc về cây Bách Hợp
Công dụng
Vị thuốc mới được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc bổ, thuốc chữa ho, ho có đờm, các chứng viêm khí quản, thổ huyết. Còn có tác dụng chữa sốt, thần kinh suy nhược. Ngày dùng 1-30g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.
theo tài liệu cổ, cây có tính hơi hàn, vị đắng, qui vào kinh Tâm, Phế. Còn có tác dụng nhuận phế, trừ ho, định tâm, an thần, thanh nhiệt lợi tiểu. Dùng chữa ho lao thổ huyết, hư phiền hồi hộp, tim đập mạnh, phù, thũng.
Những người trúng hàn không dùng được.
Những bài thuốc về cây Bách Hợp
1. Chữa các triệu trứng đau ngực, thổ huyết
Bách hợp giã tươi lấy nước uống.
2. Chữa viêm phế quản, các chứng ho
Bách hợp 30g, mạch môn đông 10g, bách bộ 8g, thiên môn đông 10g tang bạch bì 12g, ý dĩ nhân 15g, nước 1000ml. sắc còn 400ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
3. Bài thuốc từ cây bách hợp điều trị đại tiện ra máu
Sau khi rửa sạch, để dược liệu ráo nước, tẩm rượu, cho vào chảo sao sơ. Tán nhỏ dược liệu. Khi cần lấy 6 -12 gram thuốc uống cùng với nước lọc.
4. Bài thuốc từ cây bách hợp điều trị mất ngủ
Dùng 30 gram dược liệu, 40 gram ngải cứu tươi, 30 gram hạt sen. Rửa sạch tất cả vị thuốc và hấp với thịt lợn ăn trong ngày.
5. Bài thuốc từ cây bách hợp điều trị thỉnh thoảng đau bụng, đau dạ dày mãn tính
- Dùng 30 gram dược liệu, 10 gram ô dược rửa sạch với nước. Cho cả hai vị thuốc vào nồi cùng với 800 lít nước lọc.
- Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia nước thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
6. Bài thuốc từ cây bách hợp điều trị tai đau, điếc tai (theo Thiên Kim Phương)
Dùng dược liệu khô tán thành bột mịn. Khi cần lấy 2 chỉ uống với nước ấm. Uống 2 lần/ngày trong 5 – 7 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.
- Chú ý: Đừng nhầm cây bách hợp với cây tỏi voi hay loa kèn đỏ Amaryllis belladona Sw, họ Thuỷ tiên Amaryilidaceae có tép to, mỏng uống vào dễ bị nôn.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu