Nướu (lợi) là mô thịt mềm có vai trò nâng đỡ và bảo vệ răng. Do đó, những vấn đề xảy ra với nướu như đau nướu răng, sưng viêm hoặc chảy máu đều có thể tác động đến toàn bộ sức khỏe răng miệng. Hơn nữa, mặc dù đau nướu có thể là tình trạng tạm thời nhưng đôi khi lại là triệu chứng của một bệnh lý răng miệng nào đó. Vì vậy, bạn không nên quá chủ quan với các vấn đề về nướu mà cần có sự chăm sóc cẩn thận.
Bài viết sau của MedPlus sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về vấn đề đau nướu răng và giải pháp giảm đau tại nhà hữu ích. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn vẫn nên đi khám với bác sĩ nha khoa nếu không thể tự xử lý vấn đề này tại nhà.
Nguyên nhân gây đau nướu răng
Đau nướu răng thường gây ra cảm giác rất khó chịu. Hơn nữa, tùy thuộc vào nguyên nhân mà bạn có thể bị đau nhức nướu răng từ nhẹ đến nặng. Những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm:
Nhiệt miệng
Nhiệt miệng là tình trạng mà bên trong miệng bạn nổi lên những vết loét nhỏ gây đau đớn. Vì vậy, nếu các vết loét này nổi trên phần nướu của bạn thì cũng có thể là nguyên nhân gây đau nướu răng. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và bạn có thể dùng thuốc bôi nhiệt miệng để giúp vết loét nhanh lành.
Các bệnh về nướu răng
Nếu bị đau nướu răng kèm theo tình trạng nướu dễ bị chảy máu, viêm nhiễm thì bạn nên cẩn trọng với các bệnh về nướu như viêm nướu, viêm nha chu… Nếu không sớm điều trị, các bệnh lý này về sau sẽ khiến răng bị lung lay và rụng đi. Mặt khác, những người hút thuốc thường có nguy cơ mắc bệnh nướu răng hơn người không hút thuốc. Do đó, lời khuyên là bạn nên tập cai thuốc nếu nướu răng thường xuyên bị sưng đau và chảy máu.
Đau nướu răng do vết cắt hoặc có vết thương nhỏ trên nướu
Thức ăn hoặc bất cứ vật thể nào bạn đưa vào miệng cũng có thể vô tình gây ra vết cắt hoặc vết thương nhỏ cho nướu răng. Trường hợp thường gặp nhất đó là việc đánh răng quá mạnh hoặc dùng chỉ nha khoa sai cách có thể khiến nướu bị chảy máu và gây đau.
Thay đổi nội tiết tố
Sự biến động của nội tiết tố có thể khiến nướu răng bị sưng, đau và dễ chảy máu. Tình trạng này thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ mang thai, phụ nữ đang trong ngày “đèn đỏ” hoặc bước sang thời kỳ mãn kinh. Đối với chị em đang trong thai kỳ, bạn không nên xem nhẹ nguy cơ và các vấn đề sức khỏe răng miệng. Thay vào đó, bạn nên đến nha sĩ định kỳ để được thăm khám và ngăn ngừa các bệnh về răng nướu tốt hơn.
Các nguyên nhân khác
Nếu đã loại trừ nguyên nhân gây đau nướu của bạn không thuộc vào các trường hợp kể trên, bạn có thể kiểm tra một vài nguyên nhân khác gây chảy máu và sưng đau nướu răng dưới đây:
- Cơ thể bạn thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin C hoặc vitamin K đều có thể khiến nướu răng dễ bị chảy máu và gây đau.
- Bạn đang dùng răng giả, niềng răng hoặc hàm duy trì cũng có thể gây kích ứng nướu.
- Dùng thuốc chẹn canxi hoặc thuốc Dilantin (phenytoin), thuốc làm loãng máu… cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nướu răng.
- Đôi khi đau nước răng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng quanh chân răng và gây áp xe răng. Các triệu chứng thường bao gồm nướu răng sưng đỏ, đau và có mủ. Đối với trường hợp này, bạn nên đến nha sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt.
Bạn nên làm gì để giảm đau nướu răng hiệu quả?
Nếu tình trạng đau nướu răng không quá nghiêm trọng và không kèm theo các triệu chứng bất thường khác, bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng một vài cách sau:
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối là cách đơn giản để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng và làm giảm viêm nhiễm. Vì vậy, bạn có thể súc miệng bằng nước muối ít nhất 2 lần mỗi ngày cho đến khi nướu đỡ sưng đau.
Chườm nóng hoặc lạnh
Dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm (không quá nóng) rồi ấn nhẹ lên vùng mặt ngay vị trí mà nướu bị đau cũng là cách giảm đau nướu hữu ích. Đối với chườm lạnh bạn cũng làm tương tự, dùng khăn sạch bọc đá và chườm nhẹ nhàng trên mặt cho đến khi nướu đỡ sưng đau. Lưu ý là không chườm nóng hoặc chườm lạnh trực tiếp trên nướu để tránh kích ứng và đau hơn.
Đắp thảo dược để giảm đau nướu răng
Một số loại thảo mộc có công dụng như thuốc giảm viêm và giảm đau nướu hiệu quả, trong đó phổ biến nhất chính là bột đinh hương và rau mùi. Khi thực hiện phương pháp này, bạn trộn bột thảo mộc với một ít nước ấm cho đến khi có được hỗn hợp sền sệt. Sau đó, dùng hỗn hợp đắp lên vùng nướu bị sưng đau một lúc rồi súc miệng lại bằng nước. Bạn có thể áp dụng cách này nhiều lần cho đến khi khỏi hẳn nhé!
Chăm sóc răng miệng cẩn thận
Nướu là bộ phận mềm và nhạy cảm. Vì vậy, bạn nên chăm sóc răng miệng nhẹ nhàng và cẩn thận để tránh gây tổn thương. Chẳng hạn như nên dùng bàn chải lông mềm để đánh răng và chú ý hơn khi dùng chỉ nha khoa. Trong thời gian bị đau nướu răng, bạn cũng nên:
- Tránh ăn thực phẩm có tính axit như cam, chanh, cà chua…
- Tránh ăn các món cay nhiều ớt hoặc bột ớt.
- Tránh ăn thực phẩm cứng giòn, có góc cạnh như bánh quy, khoai tây chiên, cơm cháy, hải sản có vỏ cứng (tôm, cua, ghẹ)… để hạn chế nguy cơ tổn thương nướu đang sưng đau.
- Bạn nên bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết chẳng hạn như vitamin C, K, B12, sắt…
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu cơn đau dai dẳng và các biện pháp giảm đau nướu tự nhiên không hiệu quả thì bạn sẽ cần dùng đến thuốc. Thông thường, bạn có thể dùng được một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil). Lưu ý là đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai bị đau nướu răng, cách tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau để hạn chế rủi ro về sức khỏe.
Thông thường, đau nướu răng không phải là vấn đề đáng lo ngại và bạn có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nướu răng kéo dài, kèm theo các triệu chứng bất thường và gây cản trở cuộc sống của bạn thì nên sớm đi nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: What can cause gum pain?
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: