Bảng ml sữa theo độ tuổi chuẩn là công cụ cần thiết để giúp mẹ mới sinh bớt bỡ ngỡ trong việc trẻ bé bú và hiểu hơn về nhu cầu bú của con.
Đối với những bà mẹ mới lần đầu tiên trong đời đảm nhận thiên chức, ắt hẳn sẽ rất bỡ ngỡ và đắn đo rất nhiều khi bàn về vấn đề cho con bú. Đặc biệt là không phải mẹ nào cũng có lượng sữa dồi dào cho con, và phải sử dụng song song với sữa công thức. Vậy lượng sữa cần thiết cho mỗi lần ăn của con là bao nhiêu? Một ngày nên cho con bú bao nhiêu cữ? Tất cả những băn khoăn này đều có thể được đơn giản hóa khi mẹ có trong tay bảng ml sữa chuẩn cho bé. Nhờ đó mà mẹ có thể bớt lo lắng và stress mỗi khi cho con bú.
Bảng ml sữa theo độ tuổi cho trẻ sơ sinh trong 1 ngày
Theo lý thuyết thì lượng sữa trung bình 1 ngày mà bé tiếp nạp có thể tính theo công thức: 120ml/150ml x số cân nặng của con (kg), theo bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Thành tại Vụ Sức Khỏe Bà Mẹ Trẻ Em – Bộ Y Tế. Tuy nhiên, đây là sự tính toán dựa trên công thức, còn trong thực tế, cảm giác thèm ăn của bé có thể thay đổi theo mỗi cữ bú. Bản thân bé sẽ tự biết nên bú bao nhiêu là đủ. Chính vì vậy, mẹ không nên ép buộc bé bú thêm nếu bé cảm thấy đã no.
Vậy bé nên bú bao nhiêu là đủ? Mẹ có thể tham khảo công thức tính lượng sữa trong cách tính bảng ml sữa theo độ tuổi cho trẻ sơ sinh dưới đây:
Thuở mới lọt lòng
Đối với những em bé mới chào đời, dạ dày của bé lúc này còn rất nhỏ và chỉ chứa được dung tích khoảng 5-7ml mỗi lần bú. Một ngày mẹ có thể cho bé bú khoảng 6-7 cữ, với tổng lượng sữa trong 1 ngày là 30-50ml.
Dần dần, khi bé bắt đầu quen với việc hấp thu dinh dưỡng thông qua đường uống trực tiếp, dạ dày của bé cũng dần phát triển lớn hơn. Vào 3 ngày tuổi, bé có thể bú được lượng sữa là khoảng 30ml/cữ. Sau 1 tuần, bé có thể ăn được 60ml/cữ.
Bé 1-2 tháng tuổi
Vào giai đoạn này, mẹ có thể cho bé bú mỗi lần từ 80ml đến 150ml. Một ngày, mẹ nên chia khẩu phần thành 4 đến 5 bữa cho bé ăn.
Bé 2-6 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, mẹ nên cho bé ăn 5 bữa/ngày, mỗi lần cách nhau 4 tiếng, và lượng sữa trong mỗi bữa ăn từ 120ml đến 180 ml.
Bé 6 -12 tháng tuổi
Ở giai đoạn 6 đến 12 tháng tuổi, mẹ nên cho bé uống sữa với lượng từ 180ml đến 240ml/bữa và chia ra khoảng 3-4 lần/ngày tùy theo nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, lúc này bé cũng cần được bổ sung thêm dinh dưỡng từ thức ăn dặm cũng như những thức uống khác ngoài sữa mẹ và sữa công thức.
Biểu hiện cho thấy bé bú mẹ đã đủ sữa
Sữa công thức có thể cân đo đong đếm qua bảng ml sữa chuẩn cho bé còn sữa mẹ thì không, thế nên khi cho con bú trực tiếp các mẹ thường khó ước lượng được liệu con đã no hay chưa. Mẹ hãy tham khảo một số biểu hiện của bé dưới đây để có thể nhận biết được bé đã no “căng bụng” chưa nhé!
Tính chất của phân khi bé đi ngoài
Sau khi bé đi nặng vài lần và mẹ đã thay vài chiếc bỉm cho bé mỗi ngày, thấy phân có màu vàng mù tạt thì mẹ có thể yên tâm rằng bé đã bú đủ. Khoảng 2-3 tháng tuổi, mỗi ngày bé có thể đi tiêu đều đặn hoặc cách ngày bé mới đi một lần. Bên cạnh đó, nếu phân trông mềm, có màu vàng và hơi lỏng thì cũng là dấu hiệu bé đã bú đủ.
Khi bé đi tiểu
Nếu bỉm của bé đều ướt mỗi khi mẹ thay (khoảng 8 đến 10 lần/ngày trong những tháng đầu đời) nghĩa là bé đã nhận đủ lượng sữa mẹ mà bé cần.
Nước tiểu của bé có màu nhạt và không có mùi. Nếu nước tiểu có màu sẫm thì khả năng cao là bé vẫn còn đói.
Phản ứng của bé sau khi bú ti mẹ
Bé sẽ sẵn sàng ngủ khi đã no. Còn nếu bé khóc quấy sau khi vừa bú ti mẹ thì có thể là do bé vẫn còn đói (hoặc do mẹ ít sữa). Nhìn chung, khi đã bú no bụng, bé sẽ năng động hơn, khỏe mạnh và vui vẻ.
Dấu hiệu tăng cân tốt
Khi mẹ tham khảo bảng ml sữa cho bé và cho bé bú, mẹ có thể thấy bé sẽ tăng cân đều đều. Dựa vào khả năng tăng cân là biểu hiện quan trọng và dễ nhận thấy nhất để biết được bé bú mẹ đã đủ hay chưa. Vì vậy, mẹ hãy thường xuyên theo dõi chỉ số cơ thể của con qua bảng chiều cao cân nặng của trẻ nữa nhé!
Bí quyết giúp bé tránh bị sặc sữa
Thật chẳng dễ dàng cho mẹ mỗi khi cho bé bú. Không chỉ việc định lượng ml sữa chuẩn cho bé mà mẹ còn rất lo lắng mỗi khi con bú và bị sặc sữa nữa.
Hiện tượng trẻ bị sặc sữa khi bú thực ra khá phổ biến, vì vậy mẹ không nên lo lắng quá nhiều. Tình trạng này có thể sẽ giảm dần nhờ việc thay đổi cách cho bé bú của mẹ.
Mẹ nên làm gì để bé ít bị sặc sữa?
- Hệ tiêu hóa còn non nớt của bé sơ sinh có dung tích vô cùng nhỏ. Do đó, mẹ nên chú ý bảng ml sữa chuẩn cho bé và chia ra nhiều cữ để cho bé bú. Tuyệt đối nên tránh việc bắt ép bắt bé phải bú nhiều trong 1 lần.
- Không đặt bé nằm ngay sau khi bé vừa bú xong, mà mẹ nên tìm cách vỗ cho bé ở hơi để giảm bớt lượng khí thừa có thể áp lực lên dạ dày và thành ruột của trẻ. Đồng thời, mẹ cũng không nên cho bé vừa nằm vừa bú.
- Nếu bé bú sữa mẹ thì mẹ nên cho bé bú thật từ từ. Còn nếu trẻ bú bình thì mẹ nên giữ bình sữa nghiêng khoảng 45 độ, để cho sữa luôn ngập cổ bình, để ngăn không cho khí có cơ hội “len lỏi” vào dạ dày của bé.
- Cho bé ngủ đúng tư thế cũng là điều rất quan trọng. Mẹ có thể nâng đầu khi nằm của bé lên một góc khoảng 30 độ. Mức độ nghiêng này sẽ giúp cho thực phẩm trong dạ dày của bé không bị trào ngược lên trong lúc bé say ngủ.
Bảng ml sữa chuẩn cho bé chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, mẹ nên dựa vào nhiều yếu tố và tình trạng thực tế của bé để có thể nắm bắt chính xác hơn. Để chuẩn xác nhất, mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ hay y tá nữa nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily