Rong kinh (hay còn gọi là đau bụng kinh kéo dài) là vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải hiện nay. Để tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị rong kinh, cùng Songkhoe.medplus.vn đọc chi tiết bài viết sau đây:
Rong kinh là gì ?

Rong kinh là tình trạng xuất huyết quá nhiều trong chu kì kinh nguyệt hoặc kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường (thường là trên 7 ngày). Phụ nữ tiền mãn kinh cũng xuất huyết nhiều hơn bình thường trong kỳ kinh nguyệt của mình nhưng phần lớn không nghiêm trọng đến mức được chẩn đoán rong kinh. Rong kinh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và vấn đề sinh hoạt thường ngày của bạn. Về ban đêm, kinh nguyệt vẫn ra nhiều. Máu kinh thường đóng thành cục lớn và phụ nữ hay bị đau bụng dưới.
Nguyên nhân tại sao lại bị rong kinh

Bệnh lý tại cơ quan sinh sản
- Mất cân bằng hoocmon. Những tình trạng có thể gây mất cân bằng hoocmon bao gồm: hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn chức năng buồng trứng, béo phì, đề kháng insulin như bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp.
- U xơ cơ tử cung và polyp tử cung. Những loại u lành tính của tử cung có thể gây rong kinh hay cường kinh.
- Bệnh tuyến cơ tử cung – Adenomyosis. Thường gây chảy máu tử cung bất thường, đau bụng kinh và nặng hơn là vô sinh.
- Các bệnh lý ác tính. Ung thư cổ tử cung hay ung thư nội mạc tử cung có thể gây rong kinh, cường kinh hay rong huyết.
Liên quan đến tránh thai hay thai kỳ
- Dụng cụ tránh thai. Vòng tránh thai chứa đồng có thể gây rong kinh. Triệu chứng này thường sẽ ổn sau vài chu kỳ. Nếu kéo dài hơn, hãy trao đổi với bác sĩ.
- Thuốc tránh thai khẩn cấp. Sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể có chảy máu âm đạo bất thường. Đây có thể là tác dụng phụ của thuốc nhưng cũng có thể là báo hiệu sớm của thai kỳ.
- Biến cố liên quan đến thai kỳ. Bất kỳ chảy máu nào trong thai kỳ đều cần được thăm khám bởi bác sĩ.
Nguyên nhân khác
- Bệnh lý đông cầm máu.
- Do thuốc. Những thuốc như kháng viêm, thuốc nội tiết, thuốc chống đông máu khi điều trị bệnh lý tim mạch.
- Các bệnh lý khác. Những bệnh xơ gan, suy gan hay suy chức năng thận có thể gây ảnh hưởng toàn thân, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt.
Các dấu hiệu thường gặp của tình trạng rong kinh
Dấu hiệu của rong kinh là xuất huyết nặng trong kỳ kinh nguyệt, cụ thể là bạn phải thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần do xuất huyết và tiếp diễn liên tục trong nhiều giờ.
Các dấu hiệu khác của rong kinh bao gồm:
- Xuất huyết nặng liên tục trên 7 ngày;
- Kinh nguyệt thường xuyên kéo dài trên 10 ngày;
- Xuất huyết nặng bất thường trong 2 kỳ kinh nguyệt liên tiếp;
- Đau lưng hoặc đau bụng khi hành kinh;
- Cảm thấy mệt mỏi, khó thở. Đó là dấu hiệu cho thấy chảy máu quá nhiều đã làm giảm lượng sắt trong máu của bạn, dẫn đến thiếu máu.
Nguy cơ mắc chứng rong kinh ở phụ nữ
Khoảng 9% đến 14% phụ nữ bị rong kinh. Trong đó, có 90% trường hợp rong kinh rơi vào những bé gái mới bắt đầu dậy thì (mới có kinh trong vòng 1 năm) và phụ nữ trung niên tiền mãn kinh (từ 40 đến 50 tuổi).
Một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh rong kinh bao gồm:
- Vừa mới bắt đầu có kinh;
- Gần đến tuổi mãn kinh;
- Có polyp tử cung;
- Bị u xơ tử cung;
- Ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư buồng;
- Bị rối loạn đông máu hoặc rối loạn xuất huyết di truyền;
- Đang điều trị bệnh bằng thuốc kháng viêm chứa steroid.
Chẩn đoán nguyên nhân bị rong kinh
Sau khi hỏi các câu liên quan về tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn, bác sĩ sẽ khám phụ khoa và làm xét nghiệm:
- Thử thai. Các triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường đều có thể là dấu hiệu của một thai kỳ.
- Xét nghiệm máu. Tình trạng thiếu máu thiếu sắt (nếu có) do mất máu kinh quá nhiều. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn phát hiện các bệnh lý khác như bệnh lý tuyến giáp hay rối loạn đông máu.
- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung(Pap). Một que nhỏ sẽ đưa qua âm đạo để lấy các tế bào cổ tử cung. Các tế bào này sẽ được kiểm tra sự viêm nhiễm, các tổn thương ung thư hay các tổn thương có thể dẫn đến ung thư.
- Sinh thiết nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung là lớp tế bào lót mặt trong tử cung. Lớp tế bào này liên quan đến kinh nguyệt mỗi tháng và là nơi phôi làm tổ trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô tế bào này để tìm các bệnh viêm nhiễm hay ung thư tử cung.
- Siêu âm. Phương tiện hình ảnh này dùng sóng siêu âm để quan sát hình dạng, những bất thường của tử cung, vòi trứng và vùng chậu.
- Siêu âm bơm nước lòng tử cung. Bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ qua âm đạo vào tử cung. Qua ống này, nước muối được bơm vào tử cung để làm căng giãn các lớp thành tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để quan sát các lớp thành tử cung.
- Nội soi buồng tử cung. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ dài nhỏ, có camera qua âm đạo vào buồng tử cung. Qua camera này, bác sĩ có thể quan sát bên trong buồng tử cung.
Cách điều trị rong kinh hiệu quả

Thuốc
Các loại thuốc có khả năng điều trị rong kinh bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Giúp giảm mất máu kinh nguyệt. NSAID có thêm lợi ích là làm giảm đau bụng kinh.
- Axit tranexamic. Giúp giảm mất máu kinh nguyệt.
- Thuốc tránh thai. Bên cạnh việc cung cấp kiểm soát sinh sản, thuốc tránh thai có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giảm các đợt chảy máu kinh nguyệt quá nhiều hoặc kéo dài.
- Progesterone. Giúp điều chỉnh sự mất cân bằng hormone và giảm chứng rong kinh.
Phẫu thuật
Nếu dùng thuốc không có hiệu quả, bạn có thể cần được phẫu thuật. Những thủ thuật có thể được dùng bao gồm nong nạo tử cung và soi tử cung. Ngoài ra phương pháp như cắt đốt nội mạc tử cung, nạo nội mạc tử cung và cắt bỏ tử cung (gồm cả tử cung và cổ tử cung) cũng có thể áp dụng cho điều trị rong kinh. Tuy nhiên đó là những phương pháp có nguy cơ vô sinh cao. Bạn nên áp dụng nó khi bạn đã lớn tuổi và không có nhu cầu sinh con.
Bạn nên làm gì khi rong kinh
Khi bị rong kinh, phụ nữ nên thực hiện như sau:
- Nằm nghỉ nếu bị ra máu quá nhiều.
- Giữ sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Duy trì chế độ ăn uống ít thịt và chất béo, bổ sung thêm thực phẩm giàu magie, kẽm, sắt, vitamin B1, B6 và vitamin E. Phụ nữ nên kiêng các chất kích thích như cà phê, rượu và một số gia vị cay trong kỳ kinh nguyệt.
- Ăn ngải cứu hằng ngày vì theo Đông y, ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu xấu trong chu kỳ kinh.
- Đi khám phụ khoa để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh nặng, nhẹ.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ
Bạn nên đến thăm khám bác sĩ ngay nếu:
- Chảy máu quá nhiều trong thời kì kinh nguyệt.
- Chảy máu giữa chu kỳ hoặc chảy máu âm đạo bất thường.
- Xuất huyết sau khi mãn kinh.
Một số phòng khám rong kinh uy tín:
Các bài viết tham khảo: Vinmec.com, Mayoclinic.org, Healthline.com