Bồng bồng là dược liệu có vị chua và tính mát, để chữa hen phế quản, hen suyễn, cảm sốt, ho, viêm đường hô hấp. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu bồng bồng nào hiện nay? Cách dùng dược liệu này như thế nào? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Cây lá hen; Nam tỳ bà; Bàng biển,…
Tên khoa học: Calotropis gigantea (L.) Dryand
Họ: Thiên lý (Asclepiadaceae)
Đặc điểm dược liệu
Cây Bồng Bồng là cây nhỏ, cao 2 – 3m. Thân đứng, phân nhiều cành. Vỏ thân lúc non khía rãnh, màu vàng nhạt, vỏ già màu xám trắng. Cành phủ lông dạng phấn, trắng như bông.
Lá mọc đối có phiến dày, mép nguyên, cuống rất ngắn hoặc gần như không cuống, gốc hình tim, đầu tù hơi nhọn. Ở gốc lá, mặt trên có tuyến và một hàng lông màu vàng nâu.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành xim gồm nhiều tán, hoa màu trắng.
Quả hình giáo, thuôn nhọn dần về phía đầu, chứa nhiều hạt có mào lông. Toàn cây có nhựa mủ.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.
Bộ phận dùng
Lá của cây là bộ phận được sử dụng nhiều nhất để làm vị thuốc.
Thu hái và chế biến
Dược liệu bồng bồng có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Lá sau khi hái về sẽ tiến hành làm sạch lớp lông phía bên ngoài và thái nhỏ dùng ở dạng tươi hay phơi hoặc sấy khô đều được.
Với dạng đã sơ chế khô cần để trong túi kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt. Nếu dùng chưa hết nên thỉnh thoảng đem ra phơi lại để tránh ẩm mốc và mối mọt.
Phân bố
Chi Calotropis R. Br có 4 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi.
Ở Việt Nam có 2 loài. Bồng bồng là loài cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao, thường mọc thành bụi lớn ở ven đồi, hai bên đường đi, nhất là các truông gai, bãi cát ven biển. Cây có khả năng tái sinh mạnh từ phần gốc sau khi bị chặt, cũng như từ các đoạn thân và cành được vùi xuống đất.
Cây có khả năng tái sinh mạnh nên chủ yếu được nhân giống bằng giâm cành.
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
Nhựa mủ có ở các bộ phận của dược liệu chứa 2 resinol đồng phân. Nhựa mủ còn chứa glutathion và một enzym tương tự papain.
Tính vị
Dược liệu được ghi nhận là có vị chua và tính mát
Quy kinh
Quy vào kinh Phế
Tác dụng dược lý
Dược liệu được cho là hội tụ những tác dụng điển hình của 1 glucozit chữa tim. Có thể làm tăng trương lực tâm thu đồng thời giảm nhịp tim rất rõ rệt. Dùng quá liều có thể khiến cho hệ thần kinh phó giao cảm bị kích thích và gây ra các triệu chứng ngộ độc như nôn ói, hạ huyết áp.
Bồng bồng thường dùng để chữa hen phế quản, hen suyễn, cảm sốt, ho, viêm đường hô hấp. Đồng thời còn được sử dụng trong trường hợp bị đau nhức răng, giúp ức chế các triệu chứng sưng viêm.
Cách dùng và liều lượng
Dược liệu được dùng phổ biến nhất dưới dạng nước sắc với liều được khuyến cáo là 6 – 12g/ngày. Có thể dùng cả ở dạng tươi hay khô hoặc linh hoạt kết hợp với những vị thuốc khác nhằm nâng cao tính công hiệu.
3. Bài thuốc sử dụng
Bài thuốc chữa ho
- Bài thuốc 1: Cần có10g lá bồng bồng, 15g cam thảo đất cùng với 15g vỏ rễ cây dâu. Các vị thuốc này đem rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ thêm 1 thăng nước. Sắc trên lửa nhỏ để thu lấy khoảng 300ml. Chia đều ra thành 3 lần uống trong ngày khi nước thuốc còn ấm. Dùng với liều lượng chỉ 1 thang mỗi ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 20g lá bồng bồng, 20g kim ngân hoa, 50g lá và thân cây rau dền gai cùng với 16g cam thảo đất. Cho tất cả vị thuốc vào ấm sắc lấy nước uống. Có thể chia đều làm nhiều lần uống trong ngày nhưng mỗi ngày chỉ dùng đúng 1 thang.
Bài thuốc chữa bệnh hen suyễn
- Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 20g lá bồng bồng, 30g rau khúc cùng với khoảng 16g cam thảo đất. Các vị thuốc này rửa sạch rồi cho hết vào ấm sắc cùng 600ml nước để thu lấy 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Duy trì đều đặn mỗi ngày 1 thang đến khi triệu chứng của bệnh hết hẳn.
- Bài thuốc 2: Cần 12g lá bồng bồng, 12g lá cỏ sữa to cùng với 20g lá dâu. Các vị thuốc cho vào ấm, đổ thêm 1 thăng nước đun trên lửa nhỏ đến khi còn phân nửa. Chia đều làm 3 lần uống khi nước thuốc còn ấm nóng, dùng mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị 30g lá nhót khô cùng với 5 lá bồng bồng lau sạch lông. Các dược liệu đem thái nhỏ rồi cho vào ấm sắc lấy nước uống thay trà. Dùng 1 thang/ngày và duy trì đến khi hết hẳn triệu chứng.
Bài thuốc chữa viêm đường hô hấp
- Chuẩn bị: 12g lá bồng bồng, 16g cam thảo đất cùng với 20g cây cứt lợn.
- Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc rồi cho vào ấm sắc chung với nửa lít nước trong khoảng 20 phút. Chia đều lượng thuốc thu được thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Chỉ dùng đúng 1 thang mỗi ngày.
Bài thuốc diệt chấy
- Chuẩn bị: Nhựa cây bồng bồng cùng dầu dừa với lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Cho 2 nguyên liệu trên vào nồi rồi đun nóng trên lửa nhỏ cho tan vào nhau. Chờ thuốc ấm rồi thoa lên tóc và ủ trong khoảng 1 giờ. Cuối cùng gội lại đầu với nước sạch.
Bài thuốc trị đua răng
- Chuẩn bị: 1 ít nhựa từ cây bồng bồng.
- Thực hiện: Bôi trực tiếp lên vị trí răng đau nhức sẽ giúp giảm sưng đau và giảm viêm rất nhanh.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh phế quản
- Chuẩn bị: 7 – 10 lá bồng bồng.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào nồi nấu trên lửa nhỏ với 1 lít nước. Thu lấy 500ml và chia làm 3 – 4 lần uống trong ngày. Dùng duy trì 1 thang/ngày đến khi triệu chứng bệnh hết hẳn.
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng cây bồng bồng cần lưu ý: Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang trong thời kỳ cho bé bú, trẻ em dưới 1 tuổi.
5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: