Bướu sợi tuyến là bệnh gì?
Bướu sợi tuyến là khối u lành tính ở vú. Không phải tất cả khối u xuất hiện trong vú là bướu sợi tuyến. Mọi người thường nhầm lẫn bướu này với ung thư vú. Bướu sợi tuyến khác ung thư vú là tế bào bướu tăng sinh lành tính có giới hạn và không xâm lấn đến các cơ quan khác như ung thư vú, chúng chỉ giới hạn trong các mô vú. Thành phần bướu gồm có mô tuyến vú, mô sợi và mô liên kết.
Đây là bệnh vú lành tính khá phổ biến, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 18 – 40 do các tiểu thùy ở tuyến vú tự nhiên phì đại. U sợi tuyến vú thường không cần phẫu thuật nếu có kích thước nhỏ.
Có 2 loại bướu sợi tuyến vú: bướu đơn giản và phức tạp.
Bướu đơn giản không làm tăng nguy cơ ung thư vú, quan sát dưới kính hiển vi thấy các thành phần trong bướu khá đồng nhất.
Bướu phức tạp có thể có các thành phần khác nhau và lắng đọng canxi, bướu này làm tăng nhẹ 1,5 lần nguy cơ ung thư vú so với phụ nữ không mang bướu.
Nguyên nhân gây ra bướu sợi tuyến
Nguyên nhân gây ra bệnh hiện vẫn chưa được làm rõ, nhưng chúng liên quan đến các hormone sinh dục. Bệnh thường xảy ra trong độ tuổi sinh sản, bướu có thể phát triển to lên trong thời gian mang thai hoặc sử dụng liệu pháp hormone, và có thể co lại sau khi mãn kinh, khi lượng nội tiết tố giảm.
Khối u đặc, nhạy cảm với nội tiết tố, nhất là estrogen, có nguồn gốc từ các cấu trúc cơ thượng mô nằm lân cận các ống sữa bên ngoài các tiểu thùy. Khối u này xâm lấn vào các mô xung quanh, đẩy những mô này sang một bên mà không xâm lấn chúng.
Các khối u có thể to hơn trong khi mang thai hoặc khi sử dụng liệu pháp hormone. Sau khi mãn kinh, cùng với sự sụt giảm của lượng hormone, các khối u có thể thu nhỏ. Một số trường hợp uống thuốc tránh thai trước tuổi 20 có thể làm cho u sợi phát triển và tăng trưởng.
Dấu hiệu và triệu chứng của bướu sợi tuyến
Ở những phụ nữ bình thường, mô vú thường có cảm giác sần. Cần đi khám bác sĩ ngay nếu:
- Phát hiện ra một khối u mới.
- Nhận thấy có sự thay đổi nào đó trong vú của bạn.
- Khối u vú mà bạn đã được kiểm tra trước đó phát triển hoặc có những thay đổi khác và xuất hiện tách biệt với những mô vú xung quanh.
Bướu sợi tuyến là những khối u vú rắn chắc và thường:
- Bờ trơn láng, giới hạn rõ
- Dễ di động
- Cứng hoặc chắc
- Không đau.
Nguy cơ mắc phải bướu sợi tuyến
Tình trạng này khá phổ biến ở phụ nữ trẻ, thường ở những bé gái vị thành niên và phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bướu bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Cách chẩn đoán bệnh bướu sợi tuyến
Khi đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra cả hai vú để phát hiện khối u và các vấn đề khác. Một số bướu quá nhỏ để cảm nhận, vì vậy chúng chỉ có thể được phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh.
Trong trường hợp bị bướu sợi tuyến vú khổng lồ, bác sĩ sẽ đưa ra các đề nghị về các xét nghiệm hoặc thủ thuật, tùy thuộc vào độ tuổi của bạn và đặc tính của khối u như chụp nhũ ảnh, siêu âm, sinh thiết kim nhỏ (FNA), sinh thiết kim lõi (CNB).
Phương pháp dùng để điều trị bướu sợi tuyến
Nếu u sợi tuyến có kích thước < 2cm và không đau thì bác sĩ chỉ cần theo dõi bằng khám lâm sàng, siêu âm và nhũ ảnh khi đã xác định chính xác bằng sinh thiết nhờ kim nhỏ (FNA) chứ không nhất thiết phải phẫu thuật.
Khi u sợi >3 cm thì có thể tiểu phẫu, mổ theo đường quầng vú để giữ độ thẩm mỹ, cũng có thể điều trị bằng nội khoa trong một số trường hợp.
Trường hợp là bướu sợi tuyến vú khổng lồ, bệnh nhân cần được điều trị bằng phẫu thuật. Các thủ thuật để loại bỏ bướu sợi tuyến bao gồm:
- Thủ thuật chỉ cắt bỏ khối u hoặc sinh thiết cắt bỏ. Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u và gửi mô vú tới phòng xét nghiệm để kiểm tra ung thư.
- Kỹ thuật nhiệt động: Bác sĩ sẽ đưa một thiết bị mỏng, dạng que qua da đến chỗ bướu sợi tuyến. Khí nitơ lạnh sẽ được bơm vào để đóng băng và tiêu hủy mô.
- Đốt bằng nhiệt lạnh hay đốt bằng sóng cao tần: Bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò siêu âm để xác định chính xác vị trí của khối u rồi đưa nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao trực tiếp vào khối u làm phá hủy tế bào khối u.
Chế độ sinh hoạt phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh
Bạn sẽ có thể kiểm soát bướu sợi tuyến nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Tái khám và chụp nhũ ảnh định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn có bướu sợi tuyến.
- Tự khám vú thường xuyên để kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hay không.
- Chú ý tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Lưu ý bài viết trên chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chuẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Bên cạnh đó, các bạn có thể truy cập finizz.com để được tư vấn, tìm và đặt lịch hẹn một cách nhanh và đơn giản nhất. Cũng như đọc thêm các bài viết khác tại songkhoe.medplus.vn nhé.
Các bài viết có thể bạn quan tâm:
- Bỏ túi 5 cách trị rụng tóc tại nhà đơn giản
- 5 cách trị nám da được tin dùng nhiều nhất 2020
- 8 cách điều trị dị ứng thời tiết tại nhà hiệu quả bạn nên thử
Nguồn: Tổng hợp