Cà Vú Dê hay cà trời, được người dân ta dùng để chưng vào những ngày Tết. Đây cũng là một cây dược liệu, tuy nhiên quả cây có độc cần phải lưu ý khi sử dụng. Cùng Medplus tìm hiểu về cách dùng loại quả này nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Cà trời, Cà vú, Cà vú dê
Tên khoa học: Solanum mammosum L.
Họ: Solanaceae (Cà)
Đặc điểm cây
- Cây nhỏ, cao 1 – 1,5m. Thân cành cứng, có gai và lông dày.
- Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 10 – 15 cm, rộng 4-8 cm, chia thùy không đều, mép có lông dạng mi, gai dài 1 – 2 cm ở gân, mặt dưới có nhiều lông.
- Cụm hoa mọc ở ngoài kẽ lá, 3 – 4 cái màu lam hoặc tím; đài 5 răng nhọn có lông; tràng 5 cánh hẹp; nhị 5 màu vàng.
- Quả hình con quay, dài 5 – 8 cm, đầu tù hoặc hơi nhọn, gốc có nhiều u lồi bao xung quanh; hạt màu nâu.
- Mùa hoa: tháng 6-8; mùa quả: tháng 9 – 10.
Nơi sống và đặc điểm sinh thái
- Cà trời có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Trung Mỹ, sau được du nhập đi khắp các vùng nhiệt đới khác. Ở Việt Nam, cà vú dê không rõ được nhập trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là một cây cảnh có quả hình thù đặc biệt, khi già màu vàng dặm rất đẹp. Cây được trồng rải rác trong các vườn gia đình ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội và Lâm Đồng.
- Cà trời là cây sống một năm, ưa sáng và ưa ẩm. Ở các tỉnh phía bắc, cây thường được trồng vào mùa xuân, dễ có quả già vào đầu mùa hè. Trong khi đó, ở Đà Lạt, cà vú dê có quả già vào cuối mùa thu. Cây trồng từ hạt sau 2 – 2,5 tháng bắt đầu có hoa quả. Khi quả già, lá thường rụng nhiều, sau đó cây tàn lụi. Theo kinh nghiệm của một số người dân ở Tuyên Quang, Phú Thọ, khi cây tàn lụi, người ta hái quả bày làm cảnh thêm một thời gian nữa, sau đó treo ở gần bếp cho khô, đầu năm sau gỡ lấy hạt đem gieo.
Bộ phận dùng
Toàn cây thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Thành phần hoá học, tác dụng dược lý
Thành phần hoá học
Quả cà vú dê chứa các chất solanine và scopolamine với nồng độ cao nên độc tính rất lớn, ngoài ra còn có các độc chất như atropine và hyoscyamine gây ảo giác và liệt cơ.
Tác dụng dược lý
- Tác dụng lợi niệu: Ở Guatemala, người ta đã điều tra được 250 cây có tác dụng lợi niệu, trong đó 67 cây được chọn để thử tác dụng lợi niệu cho chuột cống trắng, dùng liều tính ra dược liệu khô là 1g/kg. Kết quả 33 loại cho lượng nước tiểu tăng dưới 90%, 20 loại 90 – 189% và 14 loại hơn 189%. Lá cà vú dê làm tăng lượng nước tiểu là 298 ± 106%, so với hyđrochlorothiazid liều 25 mg/kg làm tăng 286%. Như vậy, lá cây có tác dụng lợi niệu khá mạnh.
- Tác dụng diệt côn trùng và động vật thân mềm: Trên thực nghiệm, dịch chiết toàn cây cà trời có tác dụng diệt côn trùng và động vật thân mềm.
Tính vị, công năng
Cà trời có vị đắng, có độc, có tác dụng sát khuẩn diệt côn trùng.
Công dụng
- Cà vú dê có độc ở quả, nên ít được dùng uống. Với liều rất thấp, nó có tác dụng như một chất đắng gây ngủ.
- Ở Hải Nam (Trung Quốc) cả cây cà trời dược dùng chữa tràng nhạc.
- Ở Saint – Dominica, người ta dùng dạng cao toàn cây để trị chứng đau vùng tâm vị.
- Dùng ngoài, toàn cây và quả có tác dụng diệt côn trùng như gián, sâu, bướm và động vật thân mềm.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn