Ngày nay, dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân là một trong những việc cần thiết mà mỗi bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ ngay từ khi con còn nhỏ. Kỹ năng tự bảo vệ bản thân sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống, hạn chế tối đa những rủi ro trẻ có thể gặp phải khi rơi vào tình huống nguy hiểm.
Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân?
Khi học được kỹ năng tự bảo vệ bản thân, trẻ sẽ nhận thức được các tình huống có hại, từ đó biết cách tránh xa những điều nguy hiểm và tự tin khám phá thế giới xung quanh mình trong phạm vi an toàn.
12 năm đầu đời là giai đoạn trẻ nhỏ dễ phải đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm. Đó là bởi vì đây là khoảng thời gian trẻ rất thích tìm tòi về những điều xung quanh mình, nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cơ bản cần thiết nhất.
Nên dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân trong những tình huống nào?
1. Khi vui chơi
Trong quá trình vui chơi, trẻ có thể gặp phải bất kỳ mối nguy hiểm nào, ngay từ những vật quen thuộc nhất như cầu thang, ổ điện, phích nước, máy rửa bát…, hay thậm chí cả những đồ vật nhỏ.
Không phải bố mẹ nào cũng có thể để mắt tới trẻ từng giây từng phút. Do đó, bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ hiểu và biết cách phân biệt đâu là đồ chơi của con, đâu là những đồ dùng không an toàn trong nhà. Từ đó, con mới có thể tự chơi một mình nhưng vẫn đảm bảo an toàn và hạn chế những rủi ro xảy đến.
2. Khi bị xâm hại
Ngày nay, tình trạng trẻ em bị xâm hại đang là một trong những vấn đề nhức nhối được nhiều bố mẹ quan tâm nhất. Để hạn chế tối đa thiệt hại trong những tình huống trẻ bị xâm hại, bố mẹ nên trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng cần thiết.
Hãy hướng dẫn cho trẻ phân biệt được những hành động xâm hại đến cơ thể, giúp trẻ nhận thức được đâu là những bộ phận “bất khả xâm phạm” trên cơ thể mình. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dạy cho trẻ cách phản ứng trong các tình huống xấu để được hỗ trợ kịp thời.
3. Khi bị lạc ở nơi công cộng
Khi đến những nơi công cộng (như công viên, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí…), trẻ thường rất dễ bị lạc nếu bố mẹ lơ là. Vì vậy, bố mẹ nên hướng dẫn cho trẻ cách ứng xử phù hợp khi bị lạc như tìm đến các bác bảo vệ, không đi theo người lạ…
Đặc biệt, bố mẹ hãy dạy trẻ ghi nhớ những thông tin cá nhân cần thiết như họ và tên của bố mẹ, số điện thoại bố mẹ hay địa chỉ nhà. Nếu cẩn thận hơn, bố mẹ cũng có thể cho trẻ mang theo tấm thẻ hoặc giấy ghi lại thông tin liên lạc của người thân.
4. Khi tham gia giao thông
Trẻ nhỏ nên biết cách phân biệt các loại biển báo giao thông cơ bản cũng như cách sang đường (ví dụ như khi nào đèn cho người đi bộ chuyển xanh thì mới được sang đường, nên đi vào các vạch kẻ dành cho người đi bộ…).
Làm thế nào để dạy trẻ hiệu quả?
1. Thường xuyên trò chuyện, tâm sự và tạo sự tin tưởng cho trẻ
Trò chuyện và tâm sự với trẻ nhỏ là cách đơn giản nhất giúp bố mẹ và trẻ gần gũi với nhau hơn, đồng thời là cách hiệu quả để dạy trẻ các kỹ năng cần thiết. Bố mẹ có thể tận dụng những khoảng thời gian trong cuộc sống thường nhật để gần gũi hơn với trẻ, chẳng hạn như gấp quần áo, chuẩn bị bữa ăn…
Thông qua các cuộc trò chuyện vui vẻ và nhẹ nhàng như vậy, bố mẹ có thể lồng ghép các bài học dạy trẻ kỹ năng sống. Việc bố mẹ thường xuyên trò chuyện với trẻ sẽ giúp tạo dựng và củng cố niềm tin của trẻ với bố mẹ. Khi đã tin tưởng bố mẹ, trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc chia sẻ những vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống.
2. Khi con làm gì không đúng, hãy giải thích thay vì quát mắng
Khi trẻ mắc lỗi, thay vì quát mắng trẻ ngay lập tức, bố mẹ hãy bình tĩnh đặt mình vào tình huống của con. Sau đó, bố mẹ tìm ra nguyên nhân và giải thích cho trẻ hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai.
3. Dạy cho trẻ hiểu về nguyên nhân và kết quả
Tư duy của trẻ trong giai đoạn này phát triển rất nhanh, vậy nên bố mẹ hãy dạy cho con hiểu về nguyên nhân và kết quả để con biết cách cư xử hợp lý hơn trong từng tình huống.
Để trẻ hiểu rõ hơn, bố mẹ có thể cho con chơi trò nhập vai. Theo các nhà nghiên cứu, trò chơi nhập vai là một trong những cách hiệu quả nhất để trẻ hiểu hơn về thế giới cũng như cách ứng xử trong từng tình huống của cuộc sống.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily