Trị cảm cúm bằng gừng là bài thuốc dân gian được truyền tai nhau như một cách chữa bệnh đơn giản, hiệu quả ngay tại nhà. Cảm cúm là vấn đề sức khỏe xảy ra rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Chỉ với một vài lát gừng tươi, bạn sẽ có thể cải thiện được triệu chứng cảm cúm thông thường một cách nhanh chóng.
Cách trị cảm cúm bằng gừng có thực sự hiệu quả như lời đồn? Cách thực hiện và những lưu ý ra sao? Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu ngay nhé!
Tác dụng trị cảm cúm bằng gừng
Gừng (Tên khoa học: Zingiber officinale) là một loại thực vật được trồng chủ yếu ở châu Á và các khu vực nhiệt đới. Phần được sử dụng nhiều nhất của cây gừng là thân rễ, hay dân gian gọi là củ gừng. Đây là một loại thảo dược có vị cay, tính ấm, mùi thơm nồng nên thường được sử dụng như một gia vị rất đặc trưng trong ẩm thực.
Hương thơm và mùi vị độc đáo của gừng đến từ các loại dầu tự nhiên của nó, trong đó quan trọng nhất là gingerol. Đây cũng là hợp chất có hoạt tính sinh học chính trong củ gừng. Theo nhiều nghiên cứu, gingerol có hoạt tính chống oxy hóa mạnh mẽ, chống viêm, giảm đau, tiêu sưng. Từ ngàn xưa, gừng là vị thuốc dân gian rất quen thuộc, được sử dụng rộng rãi để hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, ngăn tình trạng đầy hơi hay khó tiêu, kích thích sự thèm ăn và giúp giải cảm, chống lại bệnh cảm lạnh và cúm thông thường một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng minh tác dụng của gừng trong việc giảm buồn nôn trong thai kỳ hoặc sau phẫu thuật; giảm triệu chứng viêm xương khớp ở giai đoạn đầu, đau nửa đầu, tăng huyết áp, phòng ngừa biến chứng tiểu đường, giảm nguy cơ ung thư.
Cách trị cảm cúm bằng gừng đơn giản
Uống trà gừng mật ong
Cách trị cảm cúm bằng gừng đơn giản nhất là uống trà gừng ấm. Trà gừng ấm pha với mật ong ấm có tác dụng làm dịu cổ họng và giảm nghẹt mũi nhanh chóng.
Cách pha trà gừng giải cảm đơn giản như sau: Sử dụng 1 củ gừng tươi, cạo sạch vỏ rồi thái thành từng lát mỏng. Cho vài lát gừng vào ly nước, đổ thêm nước sôi vào và chờ khoảng 5 phút. Sau đó, cho thêm 1 thìa cà phê mật ong vào khuấy đều và thưởng thức. Bạn có thể sử dụng 250mg đến 1g bột gừng khô nếu không có sẵn gừng tươi trong nhà.
Trà sả gừng
Sả cũng có đặc tính chống viêm tốt, có thể giúp hỗ trợ điều trị cảm cúm, cảm lạnh và ho. Vì vậy, rất nhiều người kết hợp trị cảm cúm bằng gừng và sả ngay tại nhà.
Bạn chỉ cần cho gừng đã nạo vỏ và sả vào nước đang sôi, tắt lửa và đậy nắp trong 3 – 4 phút cho ngấm, thêm mật ong rồi thưởng thức.
Trà sả chanh
Chanh kết hợp với gừng tăng cường tác dụng điều trị cảm cúm, cảm lạnh vì chanh giúp tống đờm ra ngoài. Vitamin C có trong chanh cũng tăng cường đề kháng cho cơ thể. Bạn nấu nước trà gừng như bình thường, sau đó thêm một ít nước cốt chanh và uống.
Ăn cháo gừng
Khi bị cảm cúm, bạn cần bổ sung thêm chất lỏng bằng cách uống nhiều nước và ăn các món ăn lỏng, dễ tiêu. Cháo gừng chính là sự lựa chọn phù hợp. Đây là món ăn thanh đạm, dễ ăn, dễ tiêu, giúp kích thích vị giác, hỗ trợ giải cảm một cách hiệu quả.
Bạn tiến hành vo gạo, nấu cháo. Sau khi cháo chín, cho thêm vài lát gừng tươi và một ít hành lá, tía tô vào để tăng cường tác dụng giải cảm.
Bên cạnh đó, bạn có thể xoa dầu gừng hoặc thêm gừng vào nồi nước xông để giải cảm.
Những lưu ý khi trị cảm cúm bằng gừng
- Gừng có tính cay, nóng nên khi sử dụng quá nhiều có thể gây nóng trong người
- Khi bôi gừng ngoài da, không nên bôi nhiều một chỗ có thể khiến da bị kích ứng
- Dù hiếm gặp nhưng gừng có thể gây ợ chua, tiêu chảy và kích ứng miệng
- Phụ nữ có thai nên thận trọng, không sử dụng quá nhiều gừng
- Cách chữa bệnh cảm cúm bằng gừng chỉ thường có hiệu quả trong những trường hợp bệnh nhẹ hoặc mới khởi phát. Hiệu quả trị cảm cúm bằng gừng sẽ còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người.
- Gừng liều cao có thể ảnh hưởng đến hoạt động đông máu, vì vậy phải thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc chống đông warfarin.
Gừng được xem là một vị thuốc rẻ tiền, hiệu quả xuất hiện ngay trong nhà. Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã biết cách trị cảm cúm bằng gừng đơn giản. Tuy nhiên, nếu tình trạng cảm cúm kéo dài mà không được cải thiện khi chữa trị tại nhà, bạn vẫn nên đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời nhé!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: The Effect of Ginger (Zingiber officinale) on Platelet Aggregation: A Systematic Literature Review
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: