Cây cổ bình hay còn gọi là cây hồ lô trà, mọc hoang dại, phổ biến trên các đồi cỏ và đồi sim. Cây được nhân dân sử dụng nhiều trong việc chữa một số loại bệnh phổ biến như: giúp thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, hóa đờm, tiêu tích, sát trùng… Hãy cùng Medplus tìm hiểu những thông tin thú vị về loại dược liệu này nhé!
A. Thông tin về cây cổ bình
Tên gọi khác: Hồ lô trà, Cây mũi mác, Cây cổ cò, Thóc lép.
Tên khoa học: Desmodium triquetrum (L.) DC.
Họ: Fabaceae (Đậu).
1. Đặc điểm về cây
- Cây cổ bình thuộc loại cây nhỡ, hóa gỗ ở gốc, cao tầm 0,50-2m. Thân cành ba cạnh, có vài lông cứng trên các cạnh.
- Lá do một lá chét, có hai mũi nhọn cong thành hình kim ở gốc của lá chét, lá chét hình ba cạnh, dài, cụt, hình tim ở gốc, lá kèm hình ba cạnh nhọn, dạng vẩy.
- Cụm hoa ở nách hay ở ngọn tạo thành chùm, làm thành một chùy ở ngọn.
- Hoa có màu hồng, thường xếp gồm 1 đến 2 cái một chỗ. Cánh cờ có hình mắt chim, cánh bên hình trái xoan ngược, cánh thìa nhỏ hình mỏ cong. Nhị một bó, bầu có lông mềm.
- Quả thẳng, có lông màu tro mềm hơi cong ở các mép, chia 6-8 đốt.
- Mùa hoa: Tháng 6-9.

2. Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây cổ bình mọc hoang dại, phổ biến trên các đồi cỏ và đồi sim ở nước ta. Bên cạnh đó, cây còn xuất hiện ở một số nơi tại Trung Quốc và Ấn Độ.
- Thu hái toàn cây vào mùa hạ và thu.
- Tùy theo công dụng mà dùng tươi, phơi hoặc mang sấy khô.
3. Thành phần hóa học
Trong cây cổ bình có cumarin, hợp chất phenol axit hữu cơ và tanin (Quảng Châu thị dược phẩm kiểm nghiệm sở, Nông thôn trung thảo dược chế tế kỹ thuật, 1971, 250).
B. Công dụng và cách sử dụng
- Tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, hóa đờm, tiêu tích, sát trùng: Nhân dân dùng cây này với tính chất một vị thuốc có vị đắng, tính hơi mát. Toàn thân bỏ rễ 30-60g hoặc 15-30g lá. Sắc lấy nước uống, chia 2-3 lần uống trong ngày.
- Trẻ con tiêu hóa kém, cam tích: Dùng riêng hay phối hợp với bạch mao căn, cam thảo, tất cả tán bột cho uống. Ngày dùng 10-20 g dưới dạng thuốc sắc.
- Chữa phế ung (ho có đờm xanh (mủ)): Ngày dùng 10-15g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với xạ can, qua lâu.
- Chữa viêm gan viêm thận, thủy thũng, viêm ruột, đi ỉa lỏng.
C. Một số bài thuốc từ cây cổ bình
- Chữa phong thấp, đau nhức xương khớp: Móng giò lợn hầm với 30 lá cây cổ bình tươi, ăn lúc còn nóng. Chia ra ăn trong ngày.
- Viêm thận cấp, phù thũng: Dùng 60g cây cổ bình sắc lấy nước uống, uống trong ngày.
- Nôn mửa khi có mang: Dùng 30g cây cổ bình sắc lấy nước uống. Sắc nước, ngày uống 3 lần, uống trong ngày.
- Trị bệnh trĩ: Lấy lá dùng chiết nước hay làm viên uống. Dùng thường xuyên có thể thay thế trà. Dùng mỗi lần 15-60g, đun sôi lấy nước uống.
- Chữa cảm mạo, sốt cao: Cây cổ bình, lá tre tươi, lá cúc tần mỗi thứ lấy 30g. Sắc cùng 500ml nước uống trong ngày. Dùng thuốc thường xuyên cho đến khi khỏi hẳn.
- Chữa ho, viêm họng: Dùng cây cổ bình 50g, húng chanh 30g, trần bì 15g, gừng 5g. Sắc cùng với nước, dùng thuốc thường xuyên uống đến khi bệnh dứt điểm.
- Chữa viêm gan, vàng da, viêm đường tiết niệu cấp tính: Cây mũi mác 100g, sắc cùng với 1 lít nước. Chia ra mỗi lần 100ml uống trong ngày. Có thể dùng kết hợp với một số vị thuốc khác như cây diệp hạ châu, cây móp gai, dứa dại.
- Chữa mề đay, dị ứng: Lấy cành và lá cây mũi mác tươi 30g sắc nước uống. Ngoài ra nên kết hợp dùng nước đun từ cây cổ bình để xông và tắm sẽ có tác dụng nhanh chóng hơn.
- Chữa nôn ra máu: Dùng cây cổ bình thái nhỏ, xao vàng 12g. Sắc cùng với 200ml nước. Nên hòa cùng với mật ong uống.
Một số bài viết về các dược liệu khác có cùng công dụng chữa cảm mạo như:
Cúc Bạc Đầu: “Tạm biệt” nỗi sầu Cảm Mạo
Ké hoa đào | “Đánh bay” cảm mạo, viêm họng với “thần dược” này
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cây Cổ bình cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý:
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.