Cây tre là một loại cây gắn liền từ lời văn đến hoạt động hằng ngày của người dân Việt Nam. Từ thời chưa có nhựa và thép thì tre là nguồn nguyên vật liệu chính phục vụ người dân trong rất nhiều hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Hiện tại, một số sản phẩm tre nứa vẫn còn sử dụng: phên tre, cót tre, mê bồ.
Măng Tre trong ẩm thực với nhiều món ăn không chỉ mang đến hương vị ngon tuyệt vời mà còn hỗ trợ tốt về mặt sức khỏe mà ít ai để ý đến. (Măng và ruột tre non nấu vịt cùng tương đậu mèo, được gọi là món “Vịt chưng tương truyền chủng”, ăn vào tăng khả năng có con ở người hiếm muộn.)
Bên cạnh đó, các bộ phận trên cây tre còn có tác dụng điều trị và hỗ trợ điều trị được nhiều bệnh tật khác nhau.
1/ Tre
Tên tiếng Việt: Tre gai, Tre nhà, Tre
Tên khoa học: Bambusa arundinacea (Retz.) Willd.
Họ: Poaceae
Công dụng: Chữa cảm sốt, khát nước, ra nhiều mồ hôi, ho, suyễn, thổ thuyết, trẻ con kinh phong.
2/ Bộ phận dùng
- Nhiều bộ phận của cây tre được dùng làm thuốc như tinh tre (trúc nhự) nước tre non (trúc lịch) lá tre (trúc diệp). Để lấy tinh tre người ta cạo bỏ lớp vỏ xanh, sau đó chẻ phần thân thành từng phơi mỏng còn phơn phớt xanh, rồi phơi khô. Khi dùng tẩm nước gừng, sắc lấy nước.
- Để có nước tre non, lấy tre non tươi về nướng, rồi vắt lấy nước.
- Lá tre thường được dùng tươi.
3/ Tính vị, công năng
- Lá tre có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lạnh, vào các kinh : tâm, phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm sốt.
- Nước ép từ cây tre non để tươi, đem nướng, có vị ngọt, tính lạnh, vào các kinh : tâm, vị, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, giảm sốt.
- Tinh tre có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, vào các kinh : phế, can, vị, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, cầm nôn.
- Cặn silic đọng ở trong gióng cây tre già có vị ngọt, hơi mặn, tính lạnh, có tác dụng giảm sốt. Măng tre có vị ngọt, mát, hơi đắng, có tác dụng thanh nhiệt.
25 Bài thuốc Đông y từ cây tre
1. Chữa cảm sốt, miệng khô khát: Lá tre 30g, thạch cao 12g, mạch môn 8g, gạo tẻ 7g, bán hạ 4g, nhân sâm (hoặc đảng sâm) 2g, cam thảo 2g. Sắc uống trong ngày.
2. Chữa cảm sốt và cúm có sốt cao:
a) Lá tre, kim ngân, mỗi vị 16g; cam thảo đất 12g; kinh giói, bạc hà, mỗi vị 8g. sắc uống ngày một thang.
b) Lá tre 20g, bạc hà 40g; kinh giới, tía tô, cối xay, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang.
3. Chữa say nắng, cảm nắng: Nước măng tre chua 300 ml; gừng gió, muối ăn mỗi vị 20g; hành tươi, tỏi tươi, mỗi vị 10g; gừng tươi 5g, trứng gà 1 quả. Đun sôi nước măng chua; những vị khác giã nát, trộn lẫn, bỏ vào nước măng sôi, đập trứng vào, khuấy đều cho chín, uống lúc còn nóng. Sau khi uống thuốc, ủ ấm người cho ra mồ hôi.
4. Chữa viêm đại tràng mạn tính thể táo: Trúc nhự 8g; sài hồ, đương quy, nhân trần, chi tử (sao), vỏ cây khế, đảng sâm, chỉ thực, thương truật, bạch thược, táo nhân (sao đen), mỗi vị 12g; cúc hoa 8g, bạc hà 6g. sắc uống ngày một thang.
5. Chữa vết thương chảy máu: Lá tre non, gạo tẻ, mỗi vị 40g; thuốc lào 20g. Phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn, rắc vào vết thương và băng lại.
6. Chữa đái buốt, đái nhắt: Búp tre, rau má, mỗi vị 20g (tươi). Giã nát vói vài hạt muối, thêm nước, gạn uống. Mỗi ngày dùng một thang.
7. Chữa lỵ mạn tính: Búp tre 4g, chè tươi 10g, hạt cau già 2g. Sao vàng, sắc uống ngày một thang.
8. Chữa tăng huyết áp: Búp tre non 10g, lá diễn tươi 100g, lá dâu tươi 50g, hoa cúc vàng 15g. Sắc uống thay nước trà, mỗi ngày một thang.
9. Chữa lỗ rò lao hạch hay tràng nhạc ở cổ: Tinh tre 10g; lá chanh, lá tầm xoọng, mỗi vị 20g. Các vị phơi khô, tán nhỏ. Rửa sạch vết loét, rắc thuốc rồi băng lại.
Bài thuốc Đông Y từ Cây Tre
10. Chữa viêm phế quản cấp tính: Lá tre 12g, thạch cao 16g; tang bạch bì, mạch môn, sa sâm, thiên môn, hoài sơn, mỗi vị 12g; lá hẹ 8g. Sắc uống ngày một thang.
11. Chữa hen phế quản khi đang có cơn hen: Trúc lịch 20 ml, tang bạch bì 20g; hạnh nhân, hoàng cầm, mỗi vị 12g; bán hạ chế 8g, ma hoàng 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
12. Chữa viêm phổi ở giai đoạn khởi phát Trúc nhự 8g; kim ngân, sài đất, bồ công anh, mỗi vị 20g; kinh giới, cỏ mần trầu, mỗi vị 16g; tang bạch bì 12g, hạnh nhân 8g. Sắc uống ngày một thang.
13. Chữa viêm phổi ở giai đoạn chưa có biến chứng: Trúc nhự 8g; thạch cao, cỏ mần trầu, mỗi vị 20g; hoàng liên, hoàng bá, kim ngân hoa, bồ công anh, sài đất, mỗi vị 16g; tang bạch bì, hạnh nhân, mỗi vị 12g; bối mẫu, cam thảo, mỗi vị 6g. sắc uống ngày một thang.
14. Chữa viêm thanh quản nói không ra tiếng: Trúc nhự, lá tre, tang bạch bì, mỗi vị 12g; thổ bối mẫu 10g; thanh bì, cát cánh, mỗi vị 8g; nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc Đông y từ Cây Tre
15. Chữa viêm màng phổi do lao, tràn dịch màng phổi: Lá tre 10g, phục linh 12g, thương truật 10g; hồng hoa, đào nhân, mỗi vị 8g; cam thảo 6g; nguyên hoa, cam toại, đại kích, mỗi vị 4g; đại táo 10 quả. Sắc uống ngày một thang. Cần theo dõi mạch và huyết áp người bệnh vì bài thuốc gây tiêu chảy nhiều.
16. Chữa viêm cầu thận cấp tính: Lá tre 16g; bồ công anh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g; sinh địa, mộc thông, hoàng bá, hoàng cầm, mỗi vị 12g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
17. Chữa viêm bàng quang cấp tính: Lá tre 16g; sinh địa, mộc thông, hoàng cầm, mỗi vị 12g; cam thảo, đăng tâm, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
18. Chữa đái ra dưỡng trấp: Lá tre, kim tiền thảo, mía dò, mỗi vị 20g; giá đỗ xanh, tỳ giải, mỗi vị 16g; ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống ngày một thang.
19. Chữa trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác:
a) Trúc nhự 8g, cam thảo dây 12g; bán hạ chế, trần bì, đởm nam tinh, chỉ thực, củ gấu, ô dược, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
b) Trúc nhự 6g, phục linh 12g; bán hạ, trần bì, chỉ thực, mỗi vị 8g; cam thảo 6g, gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc hay
20. Chữa giai đoạn sau cơn kịch phất của bệnh tâm thẩn thể hưng phấn (chứng cuồng):
a) Lá tre 16g; sinh địa, mạch môn, huyền sâm, mộc thông, mỗi vị 12g; tâm sen, cam thảo nam, mỗi vị 8g; đăng tâm 6g. sắc uống ngày một thang.
b) Trúc lịch 12 ml; tiểu mạch, đại táo, mạch môn, mỗi vị 12g; sơn thù, bạch thược, bán hạ chế, mỗi vị 8g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
21. Chữa co giật trẻ em: Lá tre 16g; sinh địa, mạch môn, câu đằng, lá vông, mỗi vị 12g; chi tử 10g; cương tàm, bạc hà, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
22. Chữa sởi ở thời kỳ đang mọc: Lá tre 20g; sài đất, ngân hoa, mỗi vị 16g; mạch môn, sa sâm, sắn dây, cam thảo đất, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
23. Chữa thủy đậu: Lá tre, liên kiều, mỗi vị 8g; cát cánh, đạm đậu sị, mỗi vị 4g; bạc hà, sơn chi, cam thảo, mỗi vị 2g; hành tăm 2 củ. Sắc uống ngày một thang.
24. Chữa nôn mửa khi mang thai:
a) Trúc nhự 6g, đảng sâm 16g; bạch truật, ý dĩ, mỗi vị 12g; trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 8g; gừng tươi 2g. Sắc uống trong ngày.
b) Trúc nhự 8g, đảng sâm 16g; trần bì, bán hạ chế, bạch linh, mạch môn, tỳ bà diệp, đại táo, mỗi vị 8g; gừng tươi 2g. Sắc uống.
c) Trúc nhự 8g; trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 6g; tô diệp, hoàng liên, mỗi vị 4g. sắc uống.
d) Trúc nhự 6g; hoàng liên, bán hạ chế, phục linh, mỗi vị 8g; trần bì, chỉ xác, mỗi vị 6g; cam thảo 4g. Sắc uống trong ngày.
25. Chữa loét miệng: Lá tre 16g, thạch cao 20g; sinh địa, chut chít, cam thảo nam, mỗi vị 16g; huyền sâm, ngọc trúc, mộc thông, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
Xin lưu ý:
- Nước lá tre có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, càng uống nhiều càng tiểu nhiều; nên những người bị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, đái tháo đường, bệnh thận không nên áp dụng các bài thuốc.
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Không tự ý áp dụng mà chưa tìm hiểu kỹ về bài thuốc cũng như nguyên nhân gây bệnh.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Đừng quên ghé thăm Medplus hàng ngày để cập nhật những tin tức mới nhất về sức khỏe bạn nhé!
Nguồn tham khảo: