Cây xà sàng điều trị các bệnh lý như trĩ, lạnh tử cung, viêm da, liệt dương… . Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Giần sàng
Tên khoa học: Cnidium monieri (L.) Cuss.
Tên đồng nghĩa: Selinum monieri L.
Họ: Apiaceae (Hoa tán)
1. đặc điểm dược liệu
Cây xà sàng tên khoa học là Cnidium monnieri, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1782. Đây là một loại thực vật có hoa được xếp vào họ nhà Hoa tán. Cây có chiều cao khoảng 400 cm – 1 mét. Thân cỏ mềm, có vạch dọc.
Lá cây xẻ lông chim 2 lần, có bẹ ngắn ôm vào thân, cuống lá có chiều dài trung bình từ 4 – 8 cm. Các thùy lá có chiều rộng cỡ 1,5mm.
Hoa cây xà sàng mọc thành tán chứa nhiều hoa nhỏ li ti. Lúc mới ra nụ hoa có màu xanh, khi nở bung có màu trắng. Cuống hoa có chiều dài cỡ 7 – 12 cm. Quan sát từ trên cao xuống, cụm hoa trông rất giống với hình dáng cái giần mà người nông dân hay dùng để sàng gạo. Chính vì vậỵ mà trong dân gian, xà sàng còn được gọi với cái tên khác là cây giần sàng.
Quả nhỏ, dài khoảng 2 – 5mm, chia thành nhiều múi có dìa mỏng. Vỏ ngoài cứng có màu nâu nhạt.
2. Khu vực phân bố
Cây xà sàng có khả năng sinh trưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt là vào mùa xuân khi tiết trời ẩm mát. Ở nước ta, cây mọc hoang trong các vườn trồng cây nông nghiệp giống như cỏ dại. Loại cây này được tìm thấy nhiều ở miền Bắc, bắt đầu từ Nghệ An hay Hà Tĩnh trở ra.
3. Bộ phận dùng
Quả cây xà sàng khô chính là bộ phận được sử dụng làm thuốc trị bệnh trong y học cổ truyền. Dược liệu này được đặt tên là xà sàng tử (Fructus Cnidii)
4. Thu hái – Sơ chế
Quả xà sàng được thu hoạch lúc chín, thường là từ tháng 6 – tháng 8 trong năm. Toàn thân cây được cắt về rải ra chỗ có nắng cho khô. Sau đó đập lấy quả.
Tiếp theo, nhặt bỏ sạch tạp chất lẫn trong quả xà sàng, đem phơi thêm vài nắng nữa cho đến khi quả khô hoàn toàn ta thu được dược liệu xà sàng tử.
5. Bảo quản
Bảo quản xà sàng tử ở nơi khô ráo. Tránh để dính nước hoặc để ở nơi có không khí ẩm khiến dược liệu bị ẩm và phát triển nấm mốc gây hại cho sức khỏe khi sử dụng.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
- Vị cay đắng
- Tính bình
2. Thành phần hóa học
Phân tích thành phần của quả xà sàng thu được 1,3% là tinh dầu. Chất này có mùi hắc, bao gồm nhiều hoạt chất như:
- L.pinen
- Bocnylisovalerianat
- Camphen
- Ostala (công thức C15H16O3)
- Axit béo không no
- Glyxerin
3. Tác dụng dược lý của xà sàng tử
Theo nghiên cứu hiện đại:
- Trên hệ hô hấp: Thử nghiệm chiết xuất từ xà sàng tử ghi nhận tác dụng cắt cơn hen, tiêu đờm, làm giãn nở các cơ trong phế quản.
- Công dụng trên hệ tuần hoàn: Sử dụng dược liệu giúp ổn định nhịp tim và hạ huyết áp ở những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp.
- Trên hệ miễn dịch: Dùng xà sàng tử có khả năng cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch, ngăn chặn sự hình thành của các phản ứng dị ứng trong cơ thể.
- Công dụng kháng khuẩn: Chất chiết xuất từ xà sàng tử thể hiện rõ khả năng ức chế sự sinh trưởng của tụ cầu khuẩn vàng trực khuẩn mủ xanh, các chủng nấm microsporum hay epidermophyton – thủ phạm gây lở ngứa ngoài da, và cả trùng roi.
- Tác động trên hệ thần kinh trung ương: Xà sàng tử giúp tăng cường trí nhớ, tăng cường khả năng hoạt động của não bộ, giảm đau thần kinh nhờ tác dụng gây tê cục bộ.
- Đối với cơ quan sinh dục: Dược liệu xà sàng tử hoạt động tương tự như nội tiết tố nam testosteron. Trong phòng thí nghiệm, sau một thời gian cho chuột cái uống nước sắc xà sàng tử các nhà khoa học nhận thấy trong lượng của buồng trứng và tử cung chuột đã tăng cao hơn so với lúc chưa dùng thuốc.
- Trên hệ xương khớp: Ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh
Theo Đông y
Y học cổ truyền ghi nhận, xà sàng tử công dụng bổ thận, cường dương, làm mạnh gân xương, tử phong táo thấp.
4. Liều dùng:
Mỗi ngày 4 – 12g
5. Cách sử dụng xà sàng tử:
- Sắc uống độc vị
- Phối hợp với các dược liệu khác tán bột làm hoàn
- Ngâm rượu uống
- Nấu nước dùng ngoài da
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Điều trị bệnh chàm da cho trẻ em có biểu hiện viêm loét, chảy mủ
- Tán xà sàng tử thành bột mịn
- Thêm lượng vaseline vừa đủ vào, trộn đều lên sẽ được một loại thuốc dạng cao mềm
- Khi sử dụng, làm sạch vùng da bị bệnh của bé, thấm khô rồi lấy thuốc bôi một lớp mỏng lên da
- Bôi thuốc lặp lại 2 – 3 lần mỗi ngày để tổn thương nhanh chóng được tái tạo
2. Bài thuốc điều trị ngứa tai, ướt tai
- Dùng xà sàng tử và hoàng liên mỗi vị 4g, thủy ngân phấn 1g. Có thể thay thế hoàng liên bằng hoàng đằng.
- Tán nhỏ thuốc, trộn chung với nhau cho đều
- Thổi cho bột bay vào trong lỗ tai để tiếp xúc được với khu vực cần điều trị
3. Chữa ra nhiều khí hư bạch đới ở phụ nữ
- Kết hợp 2 vị xà sàng tử và phèn chua với liều lượng bằng nhau
- Cả hai tán nhỏ, trộn chung với hồ rồi vo thành viên hoàn. Kích thước mỗi viên to cỡ quả táo.
- Dùng gạc bọc thuốc lại nhét vào sâu bên trong âm hộ. Nếu có cảm giác nóng rát thì kéo thuốc ra.
- Kết hợp sắc hai vị trên lấy nước xông rửa bên ngoài âm đạo để nhanh khỏi bệnh.
4. Điều trị bệnh viêm âm đạo do nhiễm trùng roi
- Chuẩn bị: 30g xà sàng tử và 9g nghiệt bì
- Bỏ thuốc vào cốt giã thành bột
- Trộn chung với một ít glycerogelatin làm thành những viên thuốc đặt có trong lượng khoảng 2g.
- Mỗi ngày lấy 1 viên đặt vào trong âm đạo. Nên dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ để thuốc không bị rơi ra ngoài.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Độc tính
Xà sàng tử hơi độc. Vì vậy cần bào chế dược liệu đúng cách, sử dụng đúng mục đích, liều lượng và có sự giám sát của bác sĩ , thầy thuốc đông y trong suốt quá trình điều trị nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam