Chữa tủy răng là biện pháp thường được áp dụng để điều trị viêm nhiễm tủy răng. Phương pháp này giúp loại bỏ các cơn đau do tổn thương tủy đồng thời ngăn chặn nguy cơ viêm nhiễm các răng xung quanh hoặc xoang, xương hàm…
Vậy chữa tủy răng có đau không và các bước thực hiện như thế nào? Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
Khi nào bạn cần chữa tủy răng?
Tủy răng là phần sâu bên trong thân răng với cấu tạo gồm các mô mềm, dây thần kinh và mạch máu. Một hàm răng khỏe mạnh có các lớp men và lớp ngà răng bảo vệ tủy răng khỏi bị nhiễm trùng.
Viêm tủy răng xảy ra khi các lớp bảo vệ này bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng gây nhiễm trùng. Nguyên nhân gây viêm tủy răng thường có xuất phát điểm là vi khuẩn gây sâu răng lâu ngày không điều trị.
Có 2 dạng viêm tủy răng: Viêm tủy răng cấp 1 (có thể hồi phục – reversible pulpitis) là các trường hợp viêm nhẹ. Lúc này, răng nhạy cảm hơn với nhiệt độ nóng, lạnh, đồ ăn ngọt và cứng. Tuy nhiên, tủy răng vẫn đủ khỏe mạnh để chữa trị. Cơn đau do viêm tủy nhẹ thường ngắn, nhẹ hơn và chỉ xảy ra khi ăn uống.
Viêm tủy răng cấp 2 (không thể hồi phục – irreversible pulpitis) là tình trạng viêm nặng gây đau nghiêm trọng. Lúc này, vi khuẩn đã xâm lấn sâu làm viêm tủy. Trong những trường hợp này, điều trị lấy tủy răng là cần thiết.
Bất kể bạn bị viêm tủy răng dạng nhẹ hay nặng, việc chữa trị rất cần thiết để “cứu” chiếc răng và để bạn nhanh chóng thoát khỏi những cơn đau.
Cách chữa viêm tủy răng
Phương pháp điều trị tủy răng được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào tình trạng viêm tủy răng của bạn nặng, nhẹ thế nào.
Nếu bạn bị viêm tủy răng nhẹ, việc điều trị nguyên nhân gây viêm sẽ giải quyết được các triệu chứng. Ví dụ, nếu bạn bị sâu răng, loại bỏ khu vực bị sâu và phục hồi bằng trám răng sẽ dễ dàng giúp bạn giảm cơn đau viêm tủy răng.
Nếu bạn bị viêm tủy răng nặng, nghĩa là dây thần kinh trong tủy đã tổn thương trầm trọng và tình trạng viêm trong tủy răng không thể hồi phục, bác sĩ nội nha sẽ áp dụng phương pháp diệt tủy răng. Theo đó, tủy răng được lấy ra, vùng rỗng bên trong răng sẽ được sát trùng và trám bít lại.
Trong một số trường hợp, toàn bộ răng của bạn sẽ cần phải được nhổ. Nhổ răng có thể được khuyến nghị nếu răng của bạn không thể cứu được.
Một số thắc mắc thường gặp về điều trị viêm tủy răng
1. Chữa tủy răng có đau không?
Với sự phát triển của công nghệ nha khoa hiện nay, quá trình chữa tủy răng hoàn toàn không đau mà còn diễn ra hết sức nhẹ nhàng, nhanh chóng.
Viêm tủy răng dạng nhẹ thường được vệ sinh và trám răng nên không gây cảm giác đau. Ngay cả đối với những trường hợp viêm nặng, việc điều trị tủy răng (lấy tủy, diệt tủy) chắc chắn không đau bằng việc chịu đựng các cơn đau do viêm tủy gây ra.
Để kiểm soát cơn đau, trước và sau khi điều trị, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng thuốc tê. Khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ sau điều trị, có thể bạn sẽ cảm thấy đau. Lúc này vật liệu trám còn mới, cần thời gian thích ứng với môi trường răng miệng.
Tuy nhiên, nếu răng lấy tủy rồi mà vẫn còn đau, thậm chí là sưng thì bạn cần quay trở lại nha khoa ngay để bác sĩ kiểm tra vì quá trình điều trị có thể chưa triệt để.
2. Chữa tủy răng mất bao lâu?
Thông thường, thời gian chữa tủy răng cần 2-3 cuộc hẹn, mỗi lần khoảng 45-60 phút. Tuy nhiên, quá trình điều trị tủy răng không có quy chuẩn chung cho mọi trường hợp. Việc điều trị tủy răng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào những yếu tố như: các bệnh lý răng miệng, bệnh lý nền, vị trí răng bị viêm tủy, giải phẫu răng…
3. Điều trị viêm tủy răng hết bao nhiêu tiền?
Chi phí chữa tủy răng giá bao nhiêu tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm nhiễm và chi phí tại cơ sở nha khoa. Tuy nhiên hiện có nhiều chính sách bảo hiểm sức khỏe chi trả cho việc điều trị nội nha.
Hiện nay, chi phí cho mỗi ca chữa tủy thường dao động từ 300.000đ – 954,000đ (sử dụng Bảo hiểm y tế) và từ 500,000 – 3,000,000đ (Điều trị theo yêu cầu).
4. Các bước chữa tủy răng là gì?
Bước 1: Thăm khám và chụp X – Quang
Chụp X-quang cho biết mức độ viêm tủy, chiều dài ống tủy cũng như dấu hiệu nhiễm trùng ở vùng xương xung quanh nếu có.
Bước 2: Gây tê và vệ sinh khoang miệng
Bác sĩ tiến hành gây tê và vệ sinh khoang miệng, loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân có nguy cơ gây nhiễm trùng răng.
Bước 3: Đặt đê cao su
Đê cao su được đặt ôm sát vào răng cho sự an toàn của bệnh nhân nhằm ngăn chặn các hóa chất và dụng cụ khi điều trị tủy răng không rơi vào đường tiêu hóa.
Bước 4: Tiến hành điều trị tủy
Bác sĩ sẽ mở một đường trên bề mặt răng thông đến ống tủy, làm sạch tủy và khử trùng ống tủy.
Bước 5: Trám bít ống tuỷ
Sau khi khử trùng ống tủy, bác sĩ sẽ tạo hình ống tủy và lấp đầy buồng tủy trống bằng vật liệu chuyên dụng.
Răng sau khi chữa tủy cần phục hình bằng phương pháp trám răng thẩm mỹ hoặc bọc răng sứ thẩm mỹ, tùy theo tình trạng răng và nhu cầu của bệnh nhân.
Nhờ kỹ thuật nha khoa hiện đại nên điều trị tủy răng có tỷ lệ thành công cao. Nếu biết cách chăm sóc, bảo vệ răng tốt thì răng được điều trị tủy có thể tồn tại 10-15 năm. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt thì răng chữa tủy sẽ bị gãy, vỡ trong thời gian ngắn.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Root canal treatment
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: