Theo tài liệu cổ: Cỏ roi ngựa có Vị đắng, tính hàn. Quy kinh: Can và Tỳ. Công năng: Thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu phù, hoạt huyết tán ứ, trừ sốt rét. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Cỏ roi ngựa, Mã tiên thảo, Mã tiên thảo
- Tên khoa học: Verbena officinalis L.
- Họ: họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
2. Mô tả Cây
- Cây thảo sống dai, mọc thành bụi cao 30-70cm. Thân vuông. Lá mọc đối, dài 2-8cm, rộng 1-4cm, chia thùy hình lông chim, có răng, cuống lá rất ngắn hoặc không có.
- Hoa mọc thành chùy ở ngọn, gồm nhiều bông hình sợi, lá bắc có mũi nhọn; hoa nhỏ không cuống, màu lam; đài 5 răng, có lông; tràng có ống hình trụ, uốn cong, có lông ở họng, có 5 thùy nhỏ trải ra; nhị 4, bầu 4 ô. Quả nang có 4 nhân. Hạt không có nội nhũ.
- Ra hoa từ mùa xuân tới mùa thu.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Trên thế giới, loài này phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây mọc ven đường ở gần rừng hay làng bản vùng núi từ Lạng Sơn, Bắc Thái vào tới Lâm Ðồng
Thu hoạch
- Toàn cây lúc đang có hoa, rửa sạch, phơi khô.
Bộ phận dùng
- Toàn cây (Herba Verbenae) bỏ rễ của cây Cỏ roi ngựa (Verbena officinalis L.)
Chế biến
- phơi khô.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Có glucosid là verbenalin và verbenin. Thân và rễ chứa stachyose. Cây có hoa chứa acid ascorbic với tỷ lệ 20mg% trọng lượng tươi.
B. Tác dụng dược lý
1. Tác dụng chống viêm:
- Nhóm nghiên cứu người Tây Ban Nha tiến hành nghiên cứu và phát hiện hoạt động chống viêm và giảm đau của chế phẩm từ cây cỏ roi ngựa-Verbena officinalis L (Một loại thảo dược bản địa truyền thống được người Tây Ban Nha sử dụng làm thuốc giảm viêm nhiễm).
- Nhóm nghiên cứu người Thụy Sĩ cũng đá phát hiện khả năng chống viêm của chiết xuất methanol 50% từ lá của cây cỏ roi ngựa.
2. Tác dụng bảo vệ hệ thần kinh:
- Nhóm nghiên cứu người Hồng Kông, Trung Quốc tìm thất khả năng bảo vệ hệ thần kinh của chiết xuất dạng dung dịch từ lá cỏ roi ngựa Verbena officinalis L.
3. Thúc đẩy quá trình đông máu.
4. Tác dụng sát khuẩn, tác dụng đối với trực khuẩn lỵ và tụ cầu khuẩn vàng.
5. Tác dụng giảm đau, tiêu viêm và tăng tiết sữa ở động vật đang cho con bú.
6. Tác dụng ức chế ký sinh trùng gây sốt rét.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị đắng, tính hàn.
- Qui kinh: Can và Tỳ.
Công năng
- Thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu phù, hoạt huyết tán ứ, trừ sốt rét.
Công Dụng
1. Sốt rét, giun chỉ, bệnh sán máng;
2. Cảm lạnh và sốt, viêm họng, ho gà;
3. Viêm dạ dày ruột cấp, lỵ amíp;
4. Viêm gan, vàng da, cổ trướng;
5. Viêm thận, phù thũng, viêm nhiễm đường tiết niệu, loét bìu;
6. Bế kinh, kinh nguyệt khó khăn, làm cho mau đẻ.
Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương và viêm mủ da; lấy cây tươi giã đắp và nấu nước rửa, tắm.
Lưu Ý
- Phụ nữ mang thai phải thận trọng khi sử dụng. Sách Bản thảo kinh sơ viết: người mắc chứng thấp nhiệt và huyết nhiệt, nhưng tỳ âm hư mà vị khí suy nhược không nên dùng.
Liều dùng
- 6-12g khô (25-50g tươi) mỗi ngày, dùng dạng thuốc sắc, thường kết hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa cảm cúm phát sốt:
- Cỏ roi ngựa 50g, Khương hoạt 25g, Thanh cao 25g; cho vào nồi đổ ngập nước, sắc lấy 2 bát con, chia thành 2 lần uống trong ngày (cũng có thể đem các vị thuốc tán nhỏ, hãm nước sôi như pha trà uống trong ngày)
- Nếu kèm theo đau họng, thêm Cát cánh 15g cùng sắc uống. (Giang Tô nghiệm phương thảo dược tuyển biên).
2. Chữa họng sưng đau:
- Cành và lá Cỏ roi ngựa tươi một nắm to, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm một lượng sữa người vào, ngậm và nuốt dần từng ít một (Giang Tây Trung thảo dược học).
3. Chữa bệnh bạch hầu:
- Dùng Cỏ roi ngựa khô 30-50g, sắc lấy khoảng 300ml nước thuốc. Người lớn mỗi lần uống 150ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày, trẻ em 8-14 tuổi mỗi lần uống 100ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày; trẻ nhỏ dưới 8 tuổi mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày (Thảo mộc liệu pháp).
4. Chữa sốt rét:
- Cỏ roi ngựa khô 30-60g, sắc nước uống. Trước và sau lúc lên cơn sốt 1-2 giờ uống 1 lần(Thảo mộc liệu pháp).
5. Chữa bệnh gan cổ trướng, cổ trướng do ăn phải cá độc:
- Dùng 70-80g cây khô sắc với 1,5 lít nước. Sắc đặc còn 300ml chia 2 lần uống trong ngày Tuệ Tĩnh – Nam dược thần hiệu).
6. Phòng viêm gan truyền nhiễm:
- Dùng Cỏ roi ngựa 25g, cam thảo 5g, sắc với 150ml nước, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 40 ml – đó là liều lượng 1 lần uống đối với người lớn, mỗi ngày uống 3 lần vào trước bữa cơm, liên tục trong 4 ngày (Thảo mộc liệu pháp).
7. Chữa chứng vàng da do gan (Hoàng đản):
- rễ Cỏ roi ngựa tươi hoặc toàn cây tươi 50g, sắc lấy nước, bỏ bã, pha thêm đường, chia thành 3 phần uống trong ngày; nếu vùng gan trướng đau thêm sơn tra 15g vào cùng sắc uống (Giang Tây Thảo dược thủ sách).
8. Chữa tiểu tiện ra máu và dưỡng chấp, kèm theo bí đái:
- Dùng Cỏ roi ngựa 60g, sắc nước, chia thành 2 phần uống trong ngày (Thảo mộc liệu pháp).
9. Chữa trĩ nội:
- Cỏ roi ngựa, rau dền gai, mỗi thứ 20g, sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục trong nhiều ngày (Thảo mộc liệu pháp).
10. Chữa viêm khoang miệng:
- Dùng Cỏ roi ngựa tươi 30g, sắc nước, uống thay trà trong ngày. Sách Thảo mộc liệu pháp cho biết trường hợp 1 bé gái 4 tuổi, khoang miệng bị viêm đã 4 tháng, nhiều điểm bị mưng mủ, chân răng hay chảy máu, miệng hôi, lưỡi đỏ; đã điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp với vitamin B2 và vitamin C nhưng không có kết quả.
- Dùng phương thuốc này trong 5 ngày bệnh đã khỏi, theo dõi một năm sau không thấy tái phát.
11. Chữa kinh nguyệt không đều:
- Cỏ roi ngựa khô 25g, ích mẫu khô 20g, ngải cứu khô 15g đun với 1 lít nước uống trong ngày. Dùng 1 tuần là có hiệu quả.
12. Chữa da lở ngứa:
- 50 – 80g cỏ roi ngựa tươi. Rửa sạch và nấu lấy nước tắm. Thực hiện 1 lần/ ngày cho đến khi khỏi.
13. Trị mụn nhọt:
- Một nắm nhỏ mã tiền thảo tươi. Rửa sạch, giã nhuyễn và vắt lấy nước uống. Bã đem đắp trực tiếp lên chỗ nhọt. Thực hiện cho đến khi khỏi hẳn.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam