Theo tài liệu cổ: Dâm dương hoắc có vị cay đắng, tính ấm. Quy Kinh: Can và Thận. Có công năng: Bổ thận dương, mạnh gân xương. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản

1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Cương tiền, Tiên linh tỳ, Tam chi cửu diệp thảo, Phỏng trượng thảo, Khí trượng thảo
- Tên khoa học: Epimedium grandiflorum C.Morren
- Họ: họ Hoàng liên (Berberidaceae).
2. Mô tả Cây
- Thân hình trụ tròn nhỏ, dài chừng 20 cm, mặt ngoài màu lục hơi vàng hoặc màu vàng nhạt, sáng bóng. Lá kép mọc đối hai lần ba lá chét. Lá chét hình trứng, dài 3 – 8 cm, rộng 2 – 6 cm, đầu lá hơi nhọn.
- Lá chét tận cùng có đáy hình tim, hai lá chét bên nhỏ hơn, hình tim lệch, tai phía ngoài to hơn, mép có răng cưa nhỏ như gai, màu vàng; mặt trên màu lục hơi vàng, mặt dưới màu lục hơi xám, có 7 – 9 gân nổi lên, các gân nhỏ dạng mắt lưới trông thấy rõ; cuống nhỏ, lá chét dài 1 – 5 cm.
- Phiến lá dai gần như da; không mùi, vị hơi đắng.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Trên thế giới cây có ở Trung Quốc, ở Việt Nam cây có thấy xuất hiệ tại các vùng núi cao vùng Tây Bắc như Hòa Bình, Sapa Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.
Thu hoạch
- Cây được thu hái vào hai mùa hè và thu, khi cây mọc xum xuê, thu hái về, loại bỏ thân to và các tạp chất, phơi ngoài trời hoặc phơi khô trong bóng râm.
Bộ phận dùng
- Là thân mang lá (Herba Epimedic) phơi khô của cây Dâm dương hoắc.
Chế biến
- Dâm dương hoắc khô, loại bỏ tạp chất, tách riêng lấy lá, phun nước cho hơi mềm, thái thành sợi nhỏ, phơi khô.Chích Dâm dương hoắc: Lấy mỡ dê đun chảy thành mỡ nước, cho Dâm dương hoắc đã thái sợi vào, dùng lửa nhỏ sao đều đến khi sợi sáng bóng, lấy ra để nguội, cứ 100 kg Dâm dương hoắc dùng 20 kg nước mỡ dê.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Flavonoid: Quercetin, quercetin-3-O-D-glucosid, saponin, alcaloid và sagittatosid, epimedin A, B, C, icariin, icarisid, icaritin-3-O-α-rhamnosid, anhydroicaritin-3-O-α-rhamnosid.
- Glycosid, icarisides A2-A4, B5-B7, E3, F1-F2 và G1. Phenethyl glucosid: (Z)-3-hexenyl glucosid và blumenol C glucosid.
B. Tác dụng dược lý
- Trị suy nhược thần kinh.
- Trị viêm phế quản mãn tính ở trẻ em, hạ ho, trừ đờm.
- Tác dụng tốt với các đối tượng thiểu năng sinh dục (do bẩm sinh).
- Hạ huyết áp và bảo hộ tế bào cơ tim.
- Tác dụng ức chế vi khuẩn lao.
- Dâm dương có tác dụng tương tự như nội tiết tố sinh dục, làm tăng trọng lượng của thùy trước tuyến yên, tinh hoàn, buồng trứng và tử cung.
- Kích thích quá trình bài tiết tinh dịch, nâng cao năng lực hoạt động của tinh hoàn, qua đó gián tiếp làm hưng phấn và tăng cường khả năng tình dục.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị cay đắng, tính ấm.
- Qui kinh: Can và Thận.
Công năng
- Bổ thận dương, mạnh gân xương.
Công Dụng
- Chữa nam giới không có khả năng sinh hoạt tình dục, lưng gối mỏi đau, gân xương co quắp, chân tay tê bại, bán thân bất toại.
Lưu Ý
- Bệnh sung huyết não và mất ngủ không nên dùng.
Liều dùng
- Ngày 4 – 12g, dạng thuốc sắc, hoàn tán, ngâm rượu.
Tác dụng phụ:
- Khi người bệnh lạm dụng thuốc quá liều trong thời gian dài. Thuốc có thể gây các phản ứng phụ như: Co thắt, khó thở nặng, chảy máu mũi, miệng khô, váng đầu, nôn.
- Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng. Đặc biệt, đối với phụ nữ đang mang thai, không nên sử dụng Dâm dương hoắc để điều trị bệnh.
- Bởi thuốc có tính kích dục có thể gây các tác dụng phụ như: Choáng váng, buồn nôn, động thai, sảy thai, lưu thai
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa liệt dương, bán thân bất toại:
- Dùng 1 kg Dâm dương hoắc ngâm với 2 lít rượu ngon. Ngâm trong 1 tháng. Mỗi lần dùng 20 ml, ngày dùng 2 lần.
2. Chữa liệt dương: dùng 40 g dâm dương hoắc, 20 g Tiên mao, sắc uống:
- Nếu liệt dương kèm tiểu nhiều lần: lấy 20 g dâm dương hoắc, 40 g Thục địa, 20 g Cửu thái tử, 20 g, Lộc giác sương, đem sắc để dùng ngày 3 lần.
3. Chữa thận hư, dương nuy (bao gồm liệt dương, di tinh, tảo tiết), phụ nữ vô sinh:
- Cách dùng 40 g Dâm dương hoắc ngâm với nửa lít rượu gạo hoặc rượu nếp ngon. Ngâm 20 ngày sau đem ra dùng, mỗi lần 10-20 ml, ngày dùng 2-3 lần trước mỗi bữa ăn.
4. Chữa xuất tinh sớm, tiểu tiện rắt và lưng gối đau mỏi:
- Bài thuốc gồm Dâm dương hoắc, Hoài sơn, Thỏ ty tử, Ích trí nhân, Sơn thù nhục, Phá cố chỉ, Ngưu tất, Ba kích thiên, Phục linh, Phá cố chỉ, Thục địa, Hồ lô ba, mỗi vị 500 g cùng với lộc hươu 500 g, Trầm hương 60 g và Nhục thung dung 250 g.
- Tất cả các vị thuốc đem phơi khô và nghiền nhỏ, rây bột mịn. Sau đó, trộn với mật và vo thành viên bằng hạt đậu. Mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần uống 10 g.
5. Chữa bệnh phong đau nhức, đau không cố định:
- Bài thuốc gồm Dâm dương hoắc, Uy linh tiên, Xuyên khung, Quế tâm, Thương nhĩ tử (mỗi vị 40 g) đem tất cả tán nhuyễn; mỗi lần dùng 4 g, dùng với rượu ấm.
6. Chữa đau răng:
- Lấy một lượng lá Dâm dương hoắc vừa đủ dùng, đem sắc lấy nước ngậm.
7. Chữa ho do đầy bụng, không ăn được, khí nghịch gây ra:
- Bài thuốc gồm hai vị Dâm dương hoắc và Ngũ vị tử với lượng bằng nhau, đem tán bột, luyện viên (vò thành viên) với mật to bằng hạt bắp, mỗi lần dùng 20-30 viên với nước gừng, ngày 2 lần.
8. Chữa chứng giảm bạch cầu:
- Dùng lá Dâm dương hoắc làm thành dạng bột, pha uống như trà, mỗi ngày dùng từ 15-20 g.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam