U tế bào mầm là gì?
U tế bào mầm – khối u xuất phát từ các tế bào mầm nằm trong phôi thai, đó có thể là khối u lành tính hoặc là khối u ác tính. Dù là bệnh lý hiếm gặp nhưng nếu phát hiện sớm u tế bào mầm ở trẻ em cũng như điều trị đúng phác đồ sẽ cho kết quả tốt, tỷ lệ khỏi bệnh tương đối cao.
Cho đến nay, vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra u tế bào mầm ở trẻ em. Vì tế bào mầm là các tế bào sản sinh và phát triển tạo thành trứng ở nữ, và tinh trùng ở nam, vì vậy những khối u tế bào mầm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan sinh sản ở nam (tinh hoàn) và nữ (buồng trứng).
Ở một số trường hợp đặc biệt, các tế bào mầm sẽ di chuyển tới các bộ phận ở trên cơ thể và tiếp tục phát triển gây ra khối u tại bộ phận đó.
Có các loại u tế bào mầm ở trẻ em:
- Trên cơ quan sinh dục
- Ngoài cơ quan sinh dục
- Ngoại sọ
- Nội sọ
Những triệu chứng và dấu hiệu khi bị bệnh u tế bào mầm ở trẻ em
1.Dấu hiệu nhận biết u tế bào mầm nội sọ
Bất thường cử động mắt (khó nhìn) hoặc bị tăng áp lực nội sọ (triệu chứng: nhức đầu, nôn, mất thăng bằng và lờ đờ) do tràn dịch não làm tắc nghẽn.
Các khối u nằm ở trong vùng trên hố yên có thể bị rối loạn chức năng tuyến yên bao gồm đi tiểu và khát nước, suy tăng trưởng và dậy thì sớm hoặc chậm phát triển.
2. U tế bào mầm sinh dục
U tế bào mầm sinh dục nằm ở buồng trứng bé gái và tinh hoàn bé trai không khó để phát hiện. Ví dụ như: tại buồng trứng, dấu hiệu nhận biết nổi trội:
- Trẻ có cảm giác nặng bụng, đau quặn ở dưới rốn, biếng ăn, mất ngủ, táo bón hoặc tiểu nhiều lần…
- Vì u tế bào mầm buồng trứng thường xuất hiện khi bé gái bước vào tuổi dậy thì (10-15 tuổi), gia đình thường nghĩ rằng đó là đau bụng kinh hoặc do rối loạn kinh nguyệt của tuổi dậy thì nên không đưa con đi khám.
- Thường u tế bào mầm buồng trứng được phát hiện tình cờ thông qua siêu âm bụng – khi trẻ được khám một bệnh lý khác.
- Dù 75% là lành tính, nhưng nếu chẳng may rơi vào ác tính, thì sức tàn phá của nó rất lớn. Nếu phát hiện quá trễ, trẻ có thể bị cắt bỏ một hoặc hai buồng trứng và nguy cơ vô sinh là không tránh khỏi.
Đối với bé trai, u tế bào mầm sẽ dẫn đến ung thư tinh hoàn (95% các ung thư tinh hoàn xuất phát từ tế bào mầm). Triệu chứng sớm là:
- Tinh hoàn sưng to, cứng, không đau.
- Tuy nhiên, khi người bệnh thấy đau lưng, bụng to với nhiều hạch ở bụng, có hạch cổ hay nữ hóa tuyến vú thì bệnh đã tiến xa.
3. U tế bào mầm ngoài sinh dục
Đây là những u nằm cạnh đường giữa của cơ thể, có thể là ở: tuyến yên, cạnh cột sống hay nằm trong ổ bụng, vùng chậu, trung thất, cổ, vùng cùng cụt…
- U tế bào mầm lồng ngực (trung thất, tim, phổi): Phần lớn là ác tính tuy nhiên cũng có một vài rất ít lành tính. Thông thường khi bị khối u chèn ở đường thở, trẻ sẽ bị khó thở, ho khan; khối u chèn thực quản gây nuốt nghẹn. Cha mẹ lầm tưởng trẻ bị bệnh hô hấp thông thường.
- U tế bào mầm ở ổ bụng: Thường ở vùng phúc mạc cạnh hai bên cột sống, biểu hiện bằng một khối u nhỏ sờ tay thấy, không gây đau nên rất dễ được cho qua. Khi khối u vỡ gây xuất huyết trong hoặc chèn ép thận, niệu quản gây ứ nước ở thận, khiến trẻ bị chướng bụng, khó chịu… nhập viện thì bệnh đã trở nặng.
- U tế bào mầm vùng cổ: nằm cạnh cột sống cổ mà không hề có triệu chứng đau, mỏi… nhưng có thể sờ thấy một khối u khoảng 3cm nằm ngay cạnh đốt sống cổ và khi đi khám, thầy thuốc rất dễ nhầm lẫn với hạch cổ. Việc điều trị không đúng sẽ khiến bệnh nặng hơn.
- U tế bào mầm vùng tuyến yên: Nằm ngay đường giữa của cơ thể, từ cột sống cổ đi lên. Thường phát hiện khi có rối loạn thị giác, khứu giác hoặc tăng áp lực hộp sọ. Trẻ càng nhỏ thì càng khó phát hiện vì không nói được. Còn trẻ lớn hơn, khi than nhìn mờ, đau đầu, người nhà thường nhầm lẫn với tật khúc xạ nên đưa con đi khám mắt.
- U tế bào mầm vùng chậu: Triệu chứng giống u tế bào mầm buồng trứng nhưng diễn tiến xấu hơn, thường gặp ở trẻ từ 0-3 tuổi. Trong chẩn đoán, thầy thuốc thiếu kinh nghiệm cũng có thể bị nhầm lẫn.
- U quái vùng cùng cụt: Dị tật này thường được phát hiện trước sinh, qua thăm khám tiền sản.
4. U tế bào mầm ngoại sọ
Thường gặp những triệu chứng này hoặc đôi khi có những trường hợp không có triệu chứng hay triệu chứng từ nguyên nhân khác không phải do ung thư.
- Đau khu trú
- Khó thở hoặc ho
- Bí tiểu hoặc không thể tự tiểu được
- Táo bón, đi tiêu khó, không thường xuyên
Theo dõi sau điều trị bệnh u tế bào mầm ở trẻ như thế nào?
Sau quá trình điều trị tích cực kết thúc, bệnh nhi cần phải tiếp tục kiểm tra để đảm bảo khối u không quay trở lại, kiểm soát mọi tác dụng phụ và theo dõi sức khỏe toàn diện của trẻ. Và tất cả trẻ em được điều trị khối u tế bào mầm nên được chăm sóc theo dõi suốt đời, công việc này bao gồm:
- Kiểm tra thể chất thường quy
- Xét nghiệm cận lâm sàng
- Cả hai
1.Theo dõi tái phát
- Mục tiêu là kiểm tra sự tái phát của bệnh
- Trong quá trình theo dõi chăm sóc, bác sĩ đã hiểu rõ về tiền sử bệnh tật của trẻ nên có thể cung cấp cho bạn những thông tin về nguy cơ tái phát của trẻ.
- Một số trẻ sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm máu hoặc các kỹ thuật hình ảnh, đây được xem như một phần của chăm sóc theo dõi thường quy, nhưng sé dựa theo một vài yếu tố.
2.Kiểm soát các tác dụng phụ dài hạn và tác dụng phụ xuất hiện muộn
- Do tác dụng của các loại thuốc sử dụng trong điều trị u tế bào mầm, nên cần thực hiện các xét nghiệm thường quy giúp kiểm tra chức năng thận, phổi, khả năng sinh sản (khả năng có con), sản xuất tế bào máu, vấn đề tăng trưởng, phát triển và khả năng mắc ung thư thứ phát.
- Chăm sóc theo dõi nên nhắm đến chất lượng cuộc sống của trẻ, bao gồm mọi vấn đề về phát triển hoặc cảm xúc.
- Tác dụng phụ dài hạn – tác dụng phụ đôi khi có thể kéo dài một khoảng thời gian sau khi đã xong điều trị tích cực.
- Tác dụng phụ xuất hiện muộn – tác dụng phụ xuất hiện nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau điều trị tích cực, nó có thể xảy ra ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể.
3. Giữ hồ sơ y tế của trẻ
- Bạn được khuyến khích sắp xếp và lưu giữ hồ sơ y tế của trẻ và bác sĩ sẽ giúp bạn thực hiện điều này.
- Nếu bác sĩ không trực tiếp tham gia chăm sóc cho con bạn sẽ hướng dẫn chăm sóc theo dõi.
U tế bào mầm bắt nguồn từ các tế bào sản sinh ra trứng hoặc tinh trùng. Kết quả hầu hết các u tế bào mầm sẽ ảnh hưởng tới buồng trứng hoặc tinh hoàn. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở các phần khác của cơ thể, khi được phát hiện sớm sẽ cho kết quả điều trị cao.
Xem thêm: