Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn được xếp vào nhóm bệnh lý của cơ tim. Nó không phải là sự phì đại cơ tim một cách sinh lý hay phì đại thứ phát như ở người tăng huyết áp lâu năm. Trong bệnh cơ tim phì đại, các thành thất trái dày một cách bất thường, đặc biệt là vách liên thất, có thể làm suy chức năng tâm trương, tắc nghẽn đường ra thất trái và có các rối loạn nhịp nguy hiểm. Chúng ta nên tìm hiểu dấu hiệu và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Dấu hiệu của bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn
Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người. Người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất ít. Có trường hợp người bệnh vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường. Cũng bởi lý do này mà bệnh thường được phát hiện và điều trị muộn. Dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh.
Đây cũng được biết đến là nguyên nhân chính gây đột tử ở những vận động viên và người trẻ tuổi.
Khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm đáng kể, người bệnh có thể xuất hiện nhiều triệu chứng:
- Khó thở, đặc biệt khi gắng sức.
- Đau ngực, đặc biệt khi hoạt động thể lực.
- Ngất xỉu, đặc biệt là trong hoặc ngay sau khi hoạt động thể lực, gắng sức.
- Cảm giác rung ở ngực hoặc nhịp tim nhanh (đánh trống ngực).

Biến chứng của bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn
Khi cấu trúc tim bị thay đổi có thể làm
- Suy giảm chức năng tim.
- Rối loạn hoạt động của hệ thống điện tim.
Điều này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng 1: Rối loạn nhịp tim
Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn có thể
- Gây ra rung tâm nhĩ.
- Nhịp nhanh thất.
- Rung thất.
Trong đó, rung tâm nhĩ có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông di chuyển đến mạch vành tim và não. Gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nhịp nhanh thất và rung thất là những rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có nguy cơ cao gây ngừng tim, đột tử.

Biến chứng 2: Thiếu máu cơ tim
Sự dày lên của cơ tim làm giảm lưu lượng máu qua các động mạch vành, gây thiếu máu tới nuôi dưỡng cơ tim và dẫn đến các biểu hiện đau thắt ngực, mệt mỏi, đặc biệt là khi gắng sức.
Biến chứng 3: Cơ tim phì đại tắc nghẽn gây bệnh cơ tim giãn
Theo thời gian, tâm thất có thể bị giãn ra (mở rộng hơn) để tăng thể tích chứa máu, lâu dần làm giảm sức co bóp của cơ tim.
Biến chứng 4: Cơ tim phì đại tắc nghẽn gây hở van hai lá
Van hai lá là van ngăn cách giữa tâm tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Khi cơ tim dày lên, khoảng không gian cho máu lưu thông trong tim sẽ bị giảm đi, điều này khiến máu chảy qua van tim một cách nhanh chóng và dồn dập, làm tăng áp lực của dòng máu lên van tim, ảnh hưởng đến hoạt động của van hai lá và gây hở van tim.
Biến chứng 5: Suy tim
Cơ tim dày lên khiến tim giảm dần khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, cuối cùng dẫn tới suy tim.
Xem thêm Phương pháp điều trị và phòng bệnh cơ tim phì đại
Đừng quên ghé Medplus hằng ngày để cập nhật nhiều tin tức tổng hợp nhé!
Nguồn tham khảo NHS