Theo Đông Y ghi chép Địa Long có vị mặn, hơi tanh, tính lạnh, không độc. Quy kinh: Tỳ, vị và thận. Giúp Thanh nhiệt và kiềm phong nội sinh, dịu cơn hen, lợi tiểu. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Địa Long, Khâu dẫn, Giun đất, Khúc đàn, Ca nữ, Phụ dẫn
- Tên khoa học: Pheretima asiatica Michaelsen
- Họ: họ Cự dẫn (Megascolecidae).
2. Mô tả
- Toàn thể đã được cắt phẫu, biểu hiện một phiến dài nhỏ cong nhăn teo, dài chừng 12cm-20cm, rộng chừng 10mm-17mm, toàn thân có nhiều khoang vòng, hai đầu dầy mà cứng còn có sợi thịt mỏng tồn tại, chính giữa rất nhỏ, bán trong suốt, hai bên có màu đen tro, chính giữa màu vàng nâu, chất thu khó bẻ gẫy.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Giun đất phân bố ở nhiểu nước, ở Việt Nam, giun sống phổ biến khắp nơi ở vùng đồng bằng, trong đất ẩm, xốp, có nhiều mùn. Khi trời mưa, do úng ngập, giun bò lên mặt đất rất nhiều. Giun ăn đất, lọc lấy chất mùn rồi thải bã ra ngoài. Giun là loài lưỡng tính, có cả bộ phận đực và cái trên một cá thể. Muốn bắt giun đất, người ta đổ nước bồ kết hoặc nước rau nghể vào những chỗ có nhiều giun.
- Địa Long ưa sống ở những nơi đất ẩm và giàu mùn hữu cơ. Ban ngày chúng lẫn ở dưới đất, đêm khuya khi sương xuống mới ngoi lên. Mật độ của giun đất thay đổi tùy theo đặc điểm lý hóa của đất, và chính hoạt động của giun đất đã đóng góp phần đáng kể trong việc thay đổi đặc điểm lý hóa được. Giun đất thường phân bố hẹp. Loại có khoang trắng tốt nhất.
- Hiện nay, có nơi người ta nuôi giun để lấy thức ăn cho ba ba, gà, vịt…
Thu hoạch
- Đào lấy thứ khoang cổ, loại gìa.
- Hay gặp nơi mô đất ẩm, đền đình chùa, gốc bụi chuối lâu năm. Muốn bắt dễ dàng, lấy nước lá Nghễ răm hay nước Bồ kết, nước Chè, ngâm nước đổ lên đất thì giun bò trườn lên.
Bộ phận dùng
- Vị thuốc là toàn thân bỏ ruột phơi khô của con Giun đất
Chế biến
- Người ta bắt bỏ nó vào thùng có chứa sẵn lá tre, rơm hoặc tro, rồi rửa sạch bằng nước ấm cho sạch chất nhớt, ép đuôi vào gỗ sau đó mổ dọc thân giun, rửa sạch đất trong bụng, phơi hoặc sấy khô cất dùng.
- Không dùng giun tự nhiên lên mặt đất (có bệnh mới lên).
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Trong giun đất có chất lumbrifebrin, lumbritin, teưestrolumbrolysin, chất béo, muối vô cơ, hypoxanthin và nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể như alanin, adenin, tyrosin, cholin, lysin, methionin, valin…, các vitamin A, D, E, chất béo.
B. Tác dụng dược lý
Tác dụng giảm sốt.
- Trong những sách cổ đều nhận rằng giun đất có tác dụng chữa sốt nặng (đại nhiệt). Từ năm 1914 đã có một tác giả người Nhật (Câu Khẩn) chứng minh rằng trong giun đất có chất trị sốt. Năm sau (1915) hai tác giả Nhật Bản khác (Điền Trung và Ngạch Điền) đã thí nghiệm trên súc vật và chứng minh rằng chất chữa sốt trong giun đất là lumbrilebrin. Hai tác giả Nhật Bản khác nữa (Thôn Sơn Và Thanh Sơn) lại dùng chất tan trong rượu của giun đất để thí nghiệm tác dụng giảm sốt, thì thấy chất tan trong rượu có tác dụng giảm sốt.
Tác dụng giãn khí quản.
- Năm 1937 Triệu Thừa Cố, Chu Hoằng Bích và Trường Xương Thiệu đã dùng phổi chuột bạch và thỏ để thí nghiệm đã chứng minh giun đất có tác dụng làm giãn ống phổi (chi khí quản); để nhìn tác dụng giãn ống phối rõ rệt hơn, trước khi thí nghiệm tiêm vào phổi súc vật chất histamin hay pilocacpin.
Tác dụng chống histamin.
- Triệu Thừa Cố và đồng sự đã từng dùng thành phần có nitơ trong giun đất tiêm vào tĩnh mạch những con vật còn sống để xem tác dụng kháng histamin của giun đất thì thấy rằng chất lấy từ giun đất có khả năng bảo vệ không chết 50% số con vật được tiêm liều độc chết của histamin.
Tác dụng hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của ruột non.
- Triệu Thừa Cố và đồng sự đã từng dùng chất có nitơ trong giun đất để thí nghiệm tác dụng hạ huyết áp và ức chế tính co bóp của ruột non và so sánh với chất adenozin thì thấy tác dụng tương tự mặc dầu tính chất hóa học không giống nhau.
Tác dụng phá huyết.
- Theo báo cáo của nhà nghiên cứu Nhật Bản Bát Bộc (1911) thì chất lumbritin có tác dụng phá huyết.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị mặn, hơi tanh, tính lạnh, không độc.
- Quy Kinh: Tỳ, vị và thận
Công Dụng
- Thanh nhiệt và kiềm phong nội sinh, dịu cơn hen, lợi tiểu.
- Dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa sốt rét, sốt, ho hen do tác dụng làm dãn phế quản. Dùng chữa bệnh cao huyết áp, cứng mạch máu, nhức đầu.
- Dùng ngoài, giun đất đốt tồn tính, tán nhỏ, trộn với mỡ lợn, bôi chữa lở vành tai. Hoặc bột giun đất, trộn với lòng trắng trứng gà, đánh cho nhuyễn, phết vào chỗ đau chữa sưng dái ở trẻ em (Nam dược thần hiệu).
- Ngoài ra, phân giun hoà với nước uống cũng có tác dụng chữa sốt nóng phát cuồng; giã nhỏ trộn với mỡ lợn, bôi chữa chốc lở ở trẻ em.
Lưu Ý
- Hư hàn mà không có thực nhiệt thì cấm dùng. Sợ Hành.
Liều dùng
- Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc 2-4g dưới dạng thuốc bột.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa co giật và co thắt do sốt cao: dùng phối hợp địa long với câu đằng, bạch cương tàm và toàn hạt.
- Địa Long (30g), quả trám trắng (l00g). Cả hai thứ phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn đều với hồ hoặc mật làm thành viên chừng 5 g. Mỗi ngày uống 6 vién chia làm hai lần trước bữa ăn.
2. Hội chứng ứ bế thấp nhiệt biểu hiện như các khớp đau, đỏ và sưng và suy yếu vận động:
- dùng phối hợp địa long với tang chi, nhẫn đông đằng và xích thược.
3. Chữa liệt nửa người:
- Lương y Nguyễn An Định đã dùng giun đất phối hợp với dậu đen, đậu xanh và rau ngót trong bài thuốc “Thần dược cứu mệnh” chữa khỏi bệnh nhân đã liệt nửa người. Năm 1959, nhiều gia đình nấu cháo giun cho trẻ em ăn đã đẩy lùi được dịch sốt bại liệt trẻ em, tránh được biến chứng.
4. Chữa sốt rét:
- Địa Long (12g), vỏ thân hoặc rễ cây xoan rừng (12g), hậu phác nam (12g), gừng (8g), trần bì (8g), dây thần thông (8g). Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hồ làm thành viên, uống hết trong một ngày.
5. Chữa cấm khẩu:
- Địa Long, lông nhím và quả bồ kết (lượng bằng nhau) phơi khô, đốt thành than, tán bột. Mỗi lần uống 4- 8g với nước ấm. Ngày hai lần.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam