A. Thông tin về Dong Riềng
Dong riềng còn có tên gọi khác là chuối củ, khoai riềng, khoai đao, khương vu. Tên khoa học: Canna edulis Ker Gawl, thuộc Họ: Chuối hoa – Cannaceae.
1. Đặc điểm của cây
- Cây Dong riềng cao khoảng 1,2-1,5m, có thể tới 2m.
- Thân rễ phình to thành củ, chứa nhiều tinh bột.
- Lá có phiến thuôn dài, thường có màu tía, bẹ tía, gân giữa to, gân phụ song song.
- Hoa xếp thành cụm ở ngọn thân; đài 3, cánh hoa 3, vàng vàng; nhị lép màu đỏ son, rộng 1cm; nhị vàng, môi vàng. Quả nang.
- Ra hoa quả quanh năm.

2. Phân bố, thu hái và chế biến
- Dong riềng có gốc ở Châu Mỹ. Ở nước ta, cây phân bố nhiều các tỉnh thành trong cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Cạn và Sơn La.
- Thu hái: Thu hái quanh năm.
- Chế biến: Rễ dùng tươi hay phơi khô. Hoa phơi khô.
3. Thành phần hóa học
Củ dong riềng đỏ có chứa nhiều tinh bột (khoảng 70%), chất khoáng 2%, chất xơ 5%, chất đạm 3%, chất béo 2% và một số hoạt chất khác.
4. Bộ phận dùng
Dong riềng có thể dùng được các bộ phận: Thân rễ, hoa – Rhizoma et Flos Cannae Edulis.
B. Công dụng và Liều Dùng
1. Vị thuốc và công dụng
Tính vị: Dong riềng có vị ngọt, nhạt, tính mát.
Công dụng: Thanh nhiệt, lợi thấp, an thần, giáng áp. Lá có tác dụng làm dịu và kích thích.
2. Liều dùng:
Lấy rễ 15-20g, sắc uống
Hoa: 10-15g, hãm sôi trong nước và dùng ngay.
C. Các bài thuốc trị bệnh từ Dong riềng
1. Viêm gan cấp
Rễ tươi 60-90g đun sôi uống. Có hiệu quả sau một tuần lễ điều trị.
2. Đòn ngã chấn thương
Giã rễ tươi và đắp tại chỗ.
3. Trị rong kinh
Củ dong riềng và hoa đỗ quyên (ánh sơn hồng) lượng vừa đủ hầm gà ăn; để chữa đau răng và khí hư dùng củ dong riềng và gạo nếp hầm gà ăn
4. Chữa trẻ em chướng bụng
Lá, hoa dong riềng và kim tiền thảo lượng bằng nhau, giã nát, sao nóng rồi đắp lên bụng
5. Cầm máu vết thương do kim khí
Hoa dong riềng: 20g sắc uống
6. Chữa viêm gan vàng da
Dùng rễ sắc uống
7. Chữa viêm tai chảy mủ
Hạt sấy khô tán bột rắc vào trong tai…
8. Viêm gan truyền nhiễm cấp tính
Mỗi ngày lấy 100 – 150g rễ dong riềng tươi, thái vụn, sắc kỹ lấy nước, chia uống 2 lần sáng và chiều, 20 ngày là 1 liệu trình, trong thời gian dùng thuốc kiêng tôm cá và các thức ăn cay.
9. Hỗ trợ điều trị chứng bệnh tắc nghẽn động mạch vành
- Theo kết quả của cuộc khảo sát từ các nhà khoa học đã cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân mắc động mạch vành sử dụng dong riềng đỏ khỏi bệnh là rất cao.
- Bên cạnh đó, cuộc khả sát do chính bệnh viện cổ truyền tỉnh Bắc Cạn tiến hành đã sử dụng củ dong riềng, trong việc điều trị chứng bệnh động mạch vành với tỷ lệ khỏi bệnh 90%. Bởi vậy có lúc dong riềng đỏ còn được đặt tên là “Thần dược cho người mắc bệnh tim mạch”.
Lưu ý: Đây là kinh nghiệm điều trị bệnh bằng cây thuốc nam của đồng bào người Dao ở miền Tây Bắc, sử dụng dong riềng đỏ làm thuốc điều trị chứng tức ngực, khó thở và bệnh tim mạch.
Cách dùng để điều trị chứng bệnh tim mạch vành với củ dong riềng như sau:
- Dùng 60g cả lá, thân và củ rong riềng khô sắc nước uống hàng ngày.
- Hoặc chế biến thành món ăn bổ dưỡng để trị bệnh tim mạch vành: dùng 60g củ khô đem rửa sạch, hầm với 1 quả tim lợn ăn cả nước lẫn cái. Mỗi ngày làm 1 lần, ăn liên tục trong thời gian 10 ngày là có kết quả.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cây Dong riềng cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.