Hệ quả sẽ giúp trẻ phân biệt được đúng – sai trong cách cư xử. Vì vậy, bố mẹ hãy cùng tìm hiểu về phương pháp sử dụng hệ quả để điều chỉnh hành vi của trẻ nhé!
Hệ quả là điều xảy ra sau khi trẻ cư xử theo một cách nhất định nào đó. Nó có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Tức là, khi trẻ cư xử tốt thì sẽ nhận được điều gì đó tốt đẹp. Còn khi trẻ cư xử không đúng mực thì bố mẹ sẽ để trẻ nhận được những hậu quả nhất định.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần suy nghĩ kỹ khi áp dụng các hệ quả. Bởi nếu bố mẹ dùng các hệ quả tiêu cực quá nhiều, hoặc áp dụng không thống nhất, thì có thể tạo ra những kết quả không mong muốn. Tốt nhất là bố mẹ nên tập trung nhiều hơn vào những cách hành xử hợp lý của trẻ, tức là ít dùng các hệ quả tiêu cực thôi.
Mối liên quan giữa hành vi của trẻ và hệ quả
Mỗi hành động của trẻ đều có thể dẫn tới 3 kiểu hệ quả sau:
- Trẻ cư xử tốt và nhận được kết quả tích cực. Điều này sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục cư xử tốt như thế trong các tình huống tương tự. Ví dụ: khi trẻ ngồi ăn tại bàn ăn thay vì vừa ăn vừa chạy nhảy, trẻ sẽ được bố mẹ khen ngợi.
- Trẻ cư xử theo cách vừa đủ để tránh được kết quả tiêu cực. Điều này cũng khiến trẻ tiếp tục cư xử như vậy trong tương lai. Ví dụ: trẻ về nhà và cởi giày từ trước cửa chứ không bước hẳn vào nhà, để sau đó khỏi phải tự lau sàn nhà.
- Hành động của trẻ dẫn đến kết quả tiêu cực. Điều này sẽ giảm khả năng trẻ lặp lại hành động đó trong tương lai. Ví dụ: khi trẻ ném đồ chơi, bố mẹ sẽ cất đồ chơi đi trong suốt cả ngày hôm đó.
3 kiểu dùng hệ quả để điều chỉnh hành vi của trẻ
Để định hướng hành vi của trẻ, bố mẹ nên áp dụng những hệ quả phù hợp trong từng hoàn cảnh. Bố mẹ nên chú ý tới 3 nhóm hệ quả sau:
- Hệ quả tự nhiên: Việc bố mẹ để cho trẻ nhận những hệ quả tự nhiên chính là cách hiệu quả để trẻ hiểu được rằng, hành động nào cũng dẫn tới kết quả nhất định. Từ đó, trẻ sẽ học được cách chịu trách nhiệm với mỗi việc mình làm. Ví dụ: khi không chịu mặc áo khoác, trẻ sẽ bị lạnh. Bố mẹ cứ để trẻ tự cảm nhận và tự hiểu, không cần phải nói rằng “Bố/mẹ đã bảo rồi!”, vì như thế sẽ khiến trẻ bực bội hơn.
- Hệ quả liên quan: Đây là kiểu hệ quả có liên quan đến hành vi chưa tốt của trẻ mà bố mẹ chủ động áp dụng. Từ đó, trẻ sẽ hiểu rằng mình không nên lặp lại những hành vi này. Ví dụ, trẻ nghịch và làm đổ nước ra bàn, thì bố mẹ sẽ yêu cầu trẻ lau sạch bàn.
- Các kiểu hệ quả khác: Đó là hình phạt “cách ly tạm thời” và “loại bỏ đặc quyền”. Những hình phạt này không nhất thiết liên quan đến hành vi của trẻ, nhưng sẽ khiến trẻ suy nghĩ về hành động của mình. “Cách ly” là việc bố mẹ yêu cầu trẻ dừng hoạt động yêu thích của mình, rời khỏi nơi đó, rồi tới một góc nhất định (phòng ngủ, một cái ghế…) trong khoảng thời gian ngắn. Cách này cũng giúp bố mẹ và trẻ bình tĩnh lại trong những tình huống mà cả hai bên đều nóng giận. “Loại bỏ đặc quyền” là khi bố mẹ cất đồ chơi hoặc yêu cầu trẻ ngừng hoạt động ưa thích vì trẻ cư xử chưa đúng mực. Nếu bố mẹ sử dụng 2 kiểu hệ quả này một cách hợp lý thì trẻ sẽ dần hiểu được những hậu quả đi kèm với hành vi không tốt. Từ đó, cách hành xử của trẻ sẽ được điều chỉnh dần dần.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily