A. Thông tin về Dương xuân sa
Cây dương xuân sa hay còn được gọi là Xuân sa, Sa nhân, Mé tré bà, tuỳ theo mục đích sử dụng của người dân. Đây là loài cây mọc chủ yếu ở miền Bắc, được sử dụng trong việc điều chế thuốc giúp chữa các bệnh về phong hàn, đặc biệt còn hiệu quả an thai cho phụ nữ.
Tên khoa học: Amomum villosum Lour.
Họ: Gừng – Zingiberaceae
1. Mô tả cây
- Đây là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, thân rễ phình to và mọc ngang.
- Lá hình mác rộng, đầu nhọn, phía gốc tròn, gần như không cuống, hai mặt nhẵn.
- Cụm hoa nhiều, nhưng mọc thưa từ thân gốc lên. Cán mang hoa gầy, lúc đầu nằm ngang, sau mọc thẳng đứng, có những bẹ mọc như lợp ngói. Hoa màu trắng nhạt, tràng hình ống, thùy hình trứng.
- Quả hình trứng trên có những gai nhỏ.
2. Phân bố
Dương xuân sa mọc phổ biến ở miền Bắc và các tỉnh miền Trung, thường được khai thác với tên “sa nhân”. Cây thường mọc hoang ở những miền rừng núi ẩm thấp, có khi được trồng.
3. Thành phần hoá học:
Một số thành phần như Saponin và tinh dầu 2 – 3% gồm: Camphor, Borneol Bomyl Acetate,…
Hạt chứa tinh dầu gồm D-camphor, D-borneol, D-bornylacetat,…
4. Tác dụng dược lý
Trong một thí nghiệm, nước sắc Sa nhân với nồng độ thấp có tác dụng hưng phấn đối với ruột cô lập chuột lang nhưng với nồng độ cao lại có tác dụng ức chế.
Qua kết quả thực nghiệm, thấy 3 loại Sa nhân tỉnh Phúc Kiến thường dùng (Súc sa, Xuân sa và Hoa sơn khương) đều có tác dụng làm giảm tính hưng phấn co thắt của ruột, cũng giải thích được tác dụng hành khí tiêu đầy, chống co thắt làm giảm đau của thuốc.
Tác dụng kháng khuẩn: Tinh dầu sa nhân có tác dụng diệt lỵ amip.
B. Công dụng và liều dùng
1. Tính vị
Dương xuân sa là quả chưa chín phơi hay sấy khô của cây dương xuân sa, nếu còn cả vỏ thì gọi là xác sa, loại bỏ vỏ là sa nhân.
Đây là vị thuốc có vị cay, tính ôn, có mùi thơm. Được quy vào kinh: Tỳ vị.
2. Công dụng
- Tỳ vị ứ trệ, thấp trớ, tỳ hàn tiết tả, thai động bất an, ác trớ ( nôn do thai nghén).
- Lý khí hóa thấp: Dương xuân sa dùng chữa đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, đi tả hoặc đại tiện ra máu hay ăn uống không tiêu. Phối hợp với vân mộc hương, nam mộc hương, hoắc hương.
- Chữa phong thấp, giảm đau: dùng trong trường hợp chân tay, mình mẩy đau nhức, đau xương hoặc đau cơ bắp, đau dây thần kinh liên sườn, đau gáy… dùng sa nhân với một số vị thuốc khác như thiên niên kiện, địa liền… Ngâm với rượu uống hoặc xoa bóp, còn dùng chữa đau răng, viêm lợi.
- An thai: dùng trong trường hợp thai động bất an, hoặc có xuất huyết, phối hợp với tang kí sinh, tục đoạn, ngải cứu (sao giấm) trư ma căn.
3. Liều dùng
- Dùng uống: Sắc liều từ 3 – 6g.
- Dùng thuốc sắc cho vào sau vì sắc lâu mất tác dụng của thuốc.
C. Đơn thuốc có chứa Dương xuân sa
1. Chữa bụng đầy đau do khí trệ
Hương sa nhị trần thang: Sa nhân 6g, Mộc hương 4g, Đảng sâm 10g, Trần bì 6g, Bán hạ, Phục linh đều 10g, Cam thảo 3g, Gừng tươi 6g. Sắc uống hỗn hợp trên.
Hương sa chỉ truật hoàn: Sa nhân 6g, Chỉ thực 8g, Mộc hương 4g, Bạch truật 10g. sắc uống hỗn hợp trên.
2. Chữa nấc nôn do tỳ vị hư hàn, ăn không tiêu
Hương sa lục quân tử thang: Sa nhân 6g, Mộc hương 4g, Đảng sâm, Bán hạ, Bạch truật, Bạch linh đều 10g, Trần bì 6g, Sinh khương 8g, Cam thảo 3g, sắc uống.
Súc sa tán: Sa nhân tán bột mịn, mỗi lần uống 2 – 4g, ngày 3 lần với nước gừng tươi. Trị nôn do vị hàn.
3. Chữa thai phụ nôn nặng, thai động
Dùng độc vị bột Sa nhân uống như trên, thai động gia Bạch truật, Tô nghạnh; nếu do thận yếu gia thêm Tang ký sinh, Đỗ trọng, Tục đoạn.
4. Chữa chứng tả lị mạn tính do tỳ vị hưh àn, viêm đại tràng mạn tính
Dùng bài thuốc Hương sa lục quân ( như trên).
Súc sa hoàn: Sa nhân 6g, Chế phụ tử 6g, Hoàng liên, Ngô thù du đều 4g, Can khương, Mộc hương đều 4g, Kha tử bì, Nhục đậu khấu đều 6g, sắc uống (dùng cho trường hợp hàn thấp nặng).
5. Chữa bằng Độc vị Sa nhân
Đau nhức răng: ngậm Sa nhân.
Nấc cụt: Trác ái Văn theo dõi 11 ca bệnh nhân cho uống Sa nhân nhai nuốt, mỗi lần 2g, ngày 3 lần, kết quả tốt, phần lớn dùng 2 lần hết. ( Theo Tạp chí Trung y Triết giang 1988, 3:100).
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.