Nếu bạn nhận thấy những thay đổi về kinh nguyệt, tâm trạng hoặc đời sống tình dục của mình, bạn có thể đang gặp phải các triệu chứng của estrogen thấp. Đó là bởi vì estrogen có tác động đến toàn bộ cơ thể của bạn. Nó là một loại hormone có trách nhiệm duy trì lưu lượng máu và bôi trơn âm đạo, làm dày lớp niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt và bảo tồn mật độ xương.
Estrogen thấp có thể xảy ra trong các giai đoạn của cuộc đời. Nếu bạn nghi ngờ mình có mức độ estrogen thấp, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu và giải quyết nguyên nhân gây ra nó.
1. Các triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng của estrogen thấp bao gồm:
- Nóng bừng và đổ mồ hôi ban đêm
- Mất ngủ
- Mất kinh
- Đau đầu hoặc đau nửa đầu trầm trọng
- Trầm cảm
- Khó tập trung
- Mệt mỏi
- Tăng cân
- Khô âm đạo
- Giảm ham muốn tình dục
- Ảnh hưởng xấu đến sự phát triển giới tính đối với những người qua tuổi dậy thì
- Da và tóc mỏng
2. Các biến chứng
Phụ nữ có mức estrogen thấp có thể không có các triệu chứng đáng chú ý. Điều này có thể làm tăng khả năng không phát hiện sớm vấn đề và gặp phải các biến chứng.
Các biến chứng tiềm ẩn của estrogen thấp không được điều trị bao gồm:
- Bệnh tim: Estrogen có tác dụng bảo vệ thành động mạch và giúp giữ cho mạch máu linh hoạt, đồng thời làm tăng lượng cholesterol có lợi (HDL) và giảm lượng cholesterol không có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, khi mức độ estrogen suy giảm, điều ngược lại sẽ xảy ra. Nó có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo và cholesterol trong động mạch, góp phần gây ra nguy cơ đau tim và đột quỵ.
- Rối loạn tâm trạng và trầm cảm: Rối loạn tâm trạng và trầm cảm có liên quan đến mức độ estrogen dao động, đặc biệt là trong thời kỳ tiền mãn kinh, khoảng thời gian ngay trước khi mãn kinh có liên quan đến sự gia tăng trầm cảm mới khởi phát và tái phát.
- Thay đổi da: Da của bạn có các thụ thể đối với estrogen, giúp duy trì độ ẩm. Da thiếu hụt estrogen có liên quan đến quá trình lão hóa. Nó có các nếp nhăn nhỏ và độ đàn hồi kém, cũng như bị khô và chữa lành vết thương kém.
- Loãng xương: Nồng độ estrogen thấp có liên quan đến chứng loãng xương, làm suy yếu xương và dễ bị gãy xương, đồng thời giảm khả năng xây dựng lại xương và bảo tồn mật độ xương. Việc mất estrogen và androgen ở nam giới cao tuổi cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh loãng xương.
3. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng của estrogen thấp, bạn nên liên hệ với bác sĩ để thảo luận về những gì đang xảy ra. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ nếu có khuyến nghị xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Nên gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu sau:
- Bị mất một kỳ kinh trở lên: Đây có thể là dấu hiệu của việc mang thai hoặc kết quả của một số loại thuốc, bệnh lý có từ trước hoặc tiền mãn kinh.
- Không có kinh trong một năm và bắt đầu ra máu lại: Ở phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh, tình trạng ra máu lấm tấm hoặc ra máu nhẹ có thể do ung thư nội mạc tử cung hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Chưa bắt đầu hành kinh từ 16 tuổi trở lên: Đây có thể là dấu hiệu dậy thì muộn do mất cân bằng nội tiết tố.
- Rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống có thể tàn phá sức khỏe thể chất và tinh thần. Chúng có thể gây ra sự thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất estrogen.
- Cảm thấy buồn bã hoặc có ý định tự tử: Hãy liên hệ với chuyên gia sức khỏe tâm lý để nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ xứng đáng, đồng thời trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị khả thi.
Tổng kết
Mức độ estrogen thấp ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của bạn. Mặc dù chúng có thể là một phần bình thường của cuộc sống, đặc biệt là trong tuổi dậy thì và tiền mãn kinh, chúng cũng có thể là kết quả của một số loại thuốc hoặc tình trạng bệnh. Nếu bạn có các triệu chứng của estrogen thấp, hãy kiểm tra với bác sĩ để đảm bảo không có điều gì nghiêm trọng hơn đang xảy ra.
Xem thêm: Nhiễm trùng âm đạo và 5 thông tin liên quan
Nguồn: Symptoms of Low Estrogen