Các hoạt động vui chơi, giải trí rất quan trọng đối với sự phát triển tư duy và nhận thức của trẻ nhỏ. Vậy làm thế nào để giúp trẻ phát triển tư duy bằng vui chơi hiệu quả?
Tầm quan trọng của việc vui chơi đối với trẻ nhỏ
Vui chơi đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển nhận thức của trẻ nhỏ, bao gồm khả năng hiểu, tư duy, ghi nhớ, giao tiếp, tưởng tượng và suy đoán.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ ở giai đoạn 3-6 tuổi, luôn thích tìm tòi, khám phá và học hỏi về thế giới xung quanh mình. Vui chơi chính là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để giúp trẻ làm điều đó. Trong quá trình vui chơi, trẻ có cơ hội luyện tập các kỹ năng như giải quyết vấn đề, tư duy, thử nghiệm và sáng tạo.
Đặc biệt, việc bố mẹ dành thời gian vui chơi cũng trẻ cũng đem lại rất nhiều lợi ích đối với sự phát triển trí não và nhận thức của con. Những giờ vui chơi có thể là cơ hội vàng để bố mẹ gần gũi hơn với trẻ, phát triển mối quan hệ tốt với con, đồng thời cho trẻ hiểu một thông điệp quan trọng, rằng con là người quan trọng đối với bố mẹ. Thông điệp này giúp trẻ tự tin hơn và kích thích trẻ khám phá thế giới xung quanh mình.
Mối quan hệ thân thiết giữa bố mẹ và trẻ cũng là tiền đề quan trọng cho quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Các cột mốc trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ
Theo thời gian, thông qua các trải nghiệm và cơ hội luyện tập, trẻ 3-6 tuổi sẽ có thể đạt được các kỹ năng như:
- Bắt đầu tổ chức trò chơi và kết bạn tốt hơn.
- Hiểu các khái niệm như “lớn hơn” hay “cao hơn”.
- Thường xuyên đặt ra các câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi “tại sao”.
- Bắt đầu có khiếu hài hước, biết thêm nhiều câu nói đùa, đố vui.
- Hiều nhiều hơn các khái niệm về thời gian.
- Biết thương lượng với bố mẹ khi có điều mong muốn.
- Bắt đầu biết suy đoán về những điều sắp xảy ra, ví dụ như trong một câu chuyện mà bố mẹ kể cho con nghe.
Khi lên 4 tuổi, trẻ vẫn chưa thể tập trung trong khoảng thời gian dài. Do vậy, nếu bố mẹ cho con tham gia vào một trò chơi quá lâu, trẻ sẽ có thể tỏ ra chán nản. Đến giai đoạn 5 tuổi, trẻ đã có thể ngồi ngoan để tham gia vào toàn bộ trò chơi. Đây là cơ hội để trẻ học cách chơi công bằng và không quá tiêu cực khi thua cuộc.
Giúp trẻ phát triển tư duy bằng vui chơi
Để hỗ trợ sự phát triển tư duy và nhận thức của trẻ, bố mẹ có thể tham khảo một vài hoạt động thú vị dưới đây:
- Cùng trẻ chơi những trò chơi gia đình như “Rắn leo thang”, “Đi câu cá”…
- Đọc sách, kể chuyện cười, đố vui cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ sáng tạo bằng cách tham gia vào các trò chơi xếp hình hay chơi với thùng các-tông.
- Chơi các trò luyện trí nhớ hoặc xếp hình đơn giản.
- Tham gia vào các trò chơi có hoạt động ca hát và vận động.
- Khi đang trên ô tô hoặc trên các phương tiện giao thông khác, bố mẹ có thể cùng trẻ chơi trò tìm đồ vật có màu. Chẳng hạn, bố mẹ hỏi: “Có thứ gì màu xanh lá ở đây nhỉ?” và trẻ sẽ liệt kê những thứ có màu xanh lá ở bên đường như cây, cỏ…
- Cùng trẻ nấu ăn.
- Tích cực cho trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài trời.
Trong quá trình vui chơi với trẻ, bố mẹ hãy để cho con tự do khám phá và sáng tạo. Trẻ sẽ học hỏi hiệu quả hơn khi con cảm thấy thích thú với trò chơi mà mình đang tham gia. Hãy chỉ can thiệp và giúp đỡ trẻ khi cần thiết.
Hơn nữa, bố mẹ cũng có thể thường xuyên yêu cầu trẻ mô tả về những điều đang diễn ra khi tham gia trò chơi. Đây là cách rất hữu hiệu để kích thích sự phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.
Có nên cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử để giải trí và học tập hay không?
Bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng các sản phẩm công nghệ ở mức độ phù hợp. Ở giai đoạn 3-6 tuổi, trẻ có thể phát triển tư duy, học hỏi và khám phá thông qua các thiết bị điện tử nếu được sử dụng một cách hợp lý.
Bố mẹ nên hỗ trợ trẻ bằng cách:
- Chọn các ứng dụng, trò chơi điện tử an toàn cho trẻ nhỏ.
- Theo dõi quá trình sử dụng của trẻ.
- Quản lý sát sao thời gian sử dụng thiết bị di động của con.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily