Hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô khát táo bón, da mẩn ngứa không có mủ. MedPlus sẽ giới thiệu cho bạn vài bài thuốc hiệu quả của hà thủ ô đỏ trong bài viết sau đây nhé.
1/ Thông tin cơ bản | Hà thủ ô đỏ
Tên Việt Nam: Hà thủ ô đỏ, Dạ giao đằng, Má ỏn
Tên khoa học: Polygonum multiflorum
Họ khoa học: Polygonaceae ( Họ rau răm )
2/ Mô tả và phân bố Hà thủ ô đỏ
A. Mô tả và phân bố của Hà thủ ô đỏ
- Dây leo bằng thân quấn, sống lâu năm. Thân mềm, nhẵn, mọc xoắn vào nhau. Rễ phình thành củ, màu nâu đỏ, củ nguyên có hình giống củ khoai lang. Lá mọc so le, hình mũi tên, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn
- Hà thủ ô phân bố rộng rãi ở nhiều nước cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở Việt Nam, có 1 loài là cây hà thủ ô đỏ. Trên thế giới, hà thủ ô đỏ có ở Trung Quốc, Bắc Lào, Nhật Bản và Ấn Độ. Ở Việt Nam, hà thủ ô đỏ chỉ có ở một số tỉnh vùng núi cao phía bắc. Cây mọc nhiều ở Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La….
- Nguồn hà thủ ô ở nước ta trước đây khá dồi dào. Qua hàng chục năm khai thác và nạn phá rừng làm nương rẫy vùng phân bố tự nhiên của cây bị thu hẹp rất nhiều.
B. Cách chế biến
- Rễ củ, thi hái vào mùa thu, đào về rửa sạch đất, bỏ rễ con. Củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi hoặc bổ tư, phơi hay sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi khô thì tốt hơn.
- Dược điển đông y Trung Quốc 1963 lại quy định thái hà thủ ô đỏ trộn với nước đậu đen và rượu cho vào thùng, đậy kín. Đun cách thuỷ cho đến khi rễ củ hút hết nước tẩm. Phơi khô.
C. Bộ phận dùng
Rễ củ
3/ Thành phần hóa học
- Hà thủ ô đỏ chứa 1,7% antraglucosid trong đó có crysophanol, emodin, rhein, 1,1% protid, 42,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ, 26,4% chất tan trong nước…
- Theo y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ sống chứa tanin,dẫn chất antraquinon tự do, dẫn chất antaquinon toàn phần
- Ngoài ra còn có các chất vô cơ K, Ca, Mn, Ni, Cr.
4/ Tác dụng & Công dụng
a. Công năng
- Rễ củ hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ gan, thận, bổ máu, ích tinh tuỷ, hoà khí huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng.
b. Công dụng
- Rễ hà thủ ô có tác dụng bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô khát táo bón, da mẩn ngứa không có mủ. Uống lâu làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.
- Trong y học cổ truyền Trung Quốc, hà thủ ô sống tươi và khô có tác dụng thông tiểu, giải độc, tiêu ung thủng, chữa táo bón cho phụ nữ sau khi đẻ hoặc người già, mụn nhọt, ghẻ lở, eczema, tràng nhạc. Có thể phối hợp với hạ khô thảo, kim ngân hoa.
- Hà thủ ô chế có tác dụng bổ gan, thận, ích tinh huyết, dùng làm thuốc an thần, bổ và tăng lực trong các chứng đau thân thể suy yếu, hoa mắt, chóng mặt, tim hồi hộp, nhức đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh, còi xương, bệnh tạng rỉ dịch và để hồi phục sức khoẻ cho người già sau khi bị bệnh (phối hợp với sinh địa, bạch thược, cúc hoa), kích thích tạo hồng cầu và bạch cầu trong các bệnh về thiếu máu và máu.
- Ở Ấn Độ, rễ hà thủ ô đỏ được dùng làm thuốc bổ, chống bệnh scorbut và làm đen tóc. Nó còn có tác dụng đối với bệnh tăng đường máu. Một chế phẩm của hà thủ ô đỏ được dùng cho phụ nữ sau khi đẻ.
- Rễ hà thủ ô được dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản để điều trị viêm da mủ, bệnh lậu, bệnh nấm gavut ở chân, bệnh viêm và tăng lipid máu.
c. Tác dụng & dược lý
- Hà thủ ô đỏ có tác dụng dược lý như sau: làm tăng đường máu ở thỏ; do chứa lecithin, nên có thể dùng trong suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh, giúp sinh huyết dịch, bổ tim, giúp cải thiện chuyển hoá chung; do chứa antraglucosid nên kích thích co bóp ruột, kích thích tiêu hoá, cải thiện dinh dưỡng.
- Hà thủ ô đỏ có tác dụng nội tiết kiểu oestrogen, tác dụng kiểu progesteron nhẹ trên nội mạc tử cung, làm tăng trương lực cơ tử cung trong những thí nghiệm tử cung cô lập và ở nguyên vị trí, tăng tiết sữa và chống viêm.
- Một đơn thuốc trong đó có hà thủ ô và một số vị khác đã được dùng điều trị 136 bệnh nhân viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch đạt hiệu quả làm tăng thị lực tốt.
Sau khi tìm hiểu xong về công dụng. Medplus xin giới thiệu vài bài thuốc hiểu quả khi dùng hà thủ ô đỏ nhé !
5/ Các bài thuốc hiệu quả
1. Chữa phong lở ở đầu mặt, ngứa khắp mình (Hải Thượng Lãn Ông):
a. Bài thuốc ngâm rượu:
- Rễ gắm sao 120g, vỏ chân chim sao 100g, rễ rung rúc sao 80g, rễ cây bươm bướm sao 60g, rễ chiên chiến sao 60g, cây bấn đỏ sao 40g, cây bấn trắng sao 40g, quy bầu 40g, ô dược 40g, cỏ xước sao 40g, rễ bưởi bung sao 40g, rễ cỏ chỉ sao 80g, cỏ roi ngựa sao 24g, rễ cây chỉ thiên 24g, tang ký sinh 40g, hà thủ ô đỏ (9 lần đồ, 9 lần phơi) 60g.
- Cách chế: Tán nhỏ các vị thuốc, gói vào một túi vải và bỏ vào hủ rượu, trát đất kín miệng, nấu lên trong thời gian cháy hết 1 nén hương, rồi chôn xuống đất 3 ngày đêm. Uống dần ít một vào lúc đói.
b. Bài thuốc viên: (dùng kết hợp với bài thuốc trên)
- Hà thủ ô đỏ 320g, cẩu tích 240g (tẩm rượu, nấu với nước muối, phơi khô), cốt toái bổ 160g (cạo lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), quán chúng 100g (phơi trong râm, bỏ lông và vỏ), hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), lá ké đầu ngựa 40g (phơi râm), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa sạch với rượu), vỏ chân chim sao 160g, rễ gắm sao 160g.
- Cách chế: Các vị trên tán bột luyện mật làm viên, mỗi lần uống 8 – 12g với nước gừng hay rượu.
2. Chữa đái rắt buốt, đái ra máu (Hải Thượng Lãn Ông):
- Lá hà thủ ô đỏ tươi, giã vắt lấy nước, hoà với mật uống.
- Lá hà thủ ô đỏ, lá huyết dụ, lượng bằng nhau. Sắc rồi hoà thêm mật ong uống.
3. Chữa tóc rụng và bạc sớm, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau mỏi lưng khớp, táo bón:
Hà thủ ô chế, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g. Sắc uống.
4. Chữa xơ cứng mạch máu người già, tăng huyết áp, nam giới chậm có con:
Hà thủ ô đỏ 20g, tang ký sinh, kỷ tử, ngưu tất đều 16g. Sắc uống.
5. Chữa phong thấp đau lưng, viêm dây thần kinh hông, vận động khó khăn:
Hà thủ ô đỏ, ngưu tất 30g, cẩu tích 16g, huyết giác 12g, thiên niên kiện 12g, bạch chỉ 6g. Sắc uống.
6. Thuốc bổ dùng cho người già yếu, thần kinh suy nhược, tiêu hoá kém:
Hà thủ ô đỏ 10g, đại táo 5g, thanh bì 2g, trần bì 3g, sinh khương 3g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 – 4 lần uống trong ngày.
7. Thuốc bổ khí huyết, mạnh gân cốt:
Hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ với lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô, tán nhỏ, luyện với mật làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu và lúc đói.
Chú ý
Người có huyết áp thấp và đường huyết thấp không dùng hà thủ ô đỏ. Khi uống hà thủ ô đỏ, kiêng ăn hành, tỏi, cải củ
Lời kết
Xin lưu ý:
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng MedPlus
Nguồn: http://tracuuduoclieu.vn