Theo tài liệu Đông Y: Hành có vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm, có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi) lợi tiểu, tiêu viêm.… Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Hành, Thông bạch, Hành hương, Hành hoa
- Tên khoa học: Allium fistulosum L.
- Họ: Hành (Liliaceae).
2. Mô tả cây
- Cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 0,5m. Thân hành nhỡ, chỉ hơi phồng, rộng 0,7 – 1 cm, đẻ nhiều nhánh. Lá hình trụ rỗng, nhẵn, mọc thành túm từ thân hành, đầu thuôn nhọn, dài 30 – 50cm, Cụm hoa hình đầu tròn hoặc tán giả mọc trên một cán rỗng (trục của cụm hoa), cao bằng lá; hoa nhiều có cuống ngắn; bao hoa gồm 6 mảnh bằng nhau hình trái xoan nhọn, mà u trắng có sọc xanh xếp thành hai vòng; nhị 6 dài hơn bao hoa, mọc thò ra ngoài, chỉ nhị phình ở gốc. Quả nang hình tròn; hạt hình 3 cạnh, màu đen.
- Toàn cây có mùi hăng, cay đặc biệt.
- Mùa hoa quả: tháng 4-11.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Hành hoa (Allium fistulosum L.) có nguồn gốc chưa chắc chắn, nhưng cây được trồng đầu tiên ở vùng Tây Bắc Trung Quốc vào khoảng 200 năm trước Công nguyên và ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, về sau, cây được trồng rộng rãi ở vùng Đông và Đông Bắc Á. Ở Việt Nam, hành hoa cũng là cây trồng từ lâu và chỉ có ở các tỉnh phía bắc, vào cuối mùa đông hay đầu mùa xuân, thu hoạch trong suốt mùa hè-thu, khi mà hành ta chưa đến thời vụ thu hoạch, ở các tỉnh phía nam, ít thấy trồng loại hành này. Song thay vào đó, vẫn có những giống hành củ nhiệt đới được trồng trong cả mùa khô.
Thu hoạch
- Thu hái quanh năm
Bộ phận dùng
- Củ (dò) hoặc toàn cây (Bulbus seu Herba Allii) thường có tên là Thông; có khi dùng cả hạt, Thông tử.
Chế biến
- Khi dùng củ hành, bóc lớp vỏ ngoài, nhặt hết rễ; rửa sạch. Thường dùng tươi.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Củ hành chứa tinh dầu có sulfur mà thành phần chủ yếu là chất kháng sinh alliin. Còn có acid malic và các acid khác, galantin và chất allisulfit. Hạt chứa S-propenyl-L-ein sulfoxid.
B. Tác dụng dược lý
Tác dụng kích thích
- Kích thích tiêu hoá, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, yên thai, làm sáng mắt, kéo dài tuổi thọ
Đối với hệ tiêu hoá
- tác dụng làm tăng sự bài tiết các dịch tiêu hoá, thúc đẩy quá trình chuyển hoá của protid, lipid và hydrat carbon, giúp ăn ngon miệng, chống lại các trường hợp bụng đầy hơi khó tiêu
Tác dụng kìm hãm quá trình lên men thối ở ruột
- Đã từ lâu, nhân dân Việt Nam có tập quán ăn dưa hành nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, vì dưa hành có nhiều loại men và acid lactic có tác dụng kìm hãm quá trình lên men thối ở ruột, giúp cơ thể tránh được bụng chướng đầy và ngộ độc
Tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn, nấm
- Thành phần bay hơi của hành là hoạt chất allicin có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như Bacillus diphtheriae, B. tuberculosis, Salmonella dysenteriae, Staphylococcus aureus, Streptococcus hemolyticus. Nước chiết từ hành (1:1) thí nghiệm trên ống kính, có tác dụng ức chế nhiều loài nấm gây bệnh ngoài da
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Cây hành có vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm.
Qui Kinh
- Được quy vào các kinh: Phế, Vị
Công năng
- Phát hãn (làm ra mồ hôi) lợi tiểu, tiêu viêm.
Công Dụng
- Làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, chữa tê thấp, chữa cảm mạo, nhức đầu…
Lưu Ý
- Sử dụng đúng liều
Liều dùng
- Mỗi lần có thể dùng 30-60g dùng dạng nước sắc hay ép lấy nước uống.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa cảm mạo, nhức đầu, nghẹt mũi:
Củ Hành tươi 30g, Gừng 10g sắc uống. Có thể thêm Chè hương 10g nấu nước uống khi còn đang nóng. Đắp chân cho ra mồ hôi. Có thể kết hợp dùng Hành sống 3 củ, Gừng 3 lát với Tía tô 10g thêm ít muối hoặc có thể thêm một quả trứng gà gia vào bát cháo nóng để ăn giải cảm.
2. Giảm niệu:
Giã Hành đắp vào rốn.
3. Chữa nghẽn ruột do giun đũa:
Hành củ 30g nghiền ra với 30g dầu vừng và uống, mỗi ngày 2 lần.
4. Chữa eczema, phát ban, loét ở chân:
Hành tươi giã nát, cho nước đun sôi để rửa các phần đau, tuỳ theo kích thước của phần nhiễm bệnh mà dùng lượng hành nhiều hay ít.
5. Chữa viêm mũi, nghẹt mũi:
Dầm vài ba củ Hành để vào ly, chế nước sôi vào, trùm hoa giấy lên, hít vào mũi. Hoặc dùng nước Hành pha loãng nhỏ mũi.
6. Chữa bệnh tê thấp:
Cho muối vào hành, thêm ít tương đậu nành, xào với dầu thực vật để ăn.
7. Chữa mụn nhọt:
dùng một vài cũ hành tươi bỏ vào nồi đun sôi, nấu lấy nước để tắm, rồi uống thêm một vài chén nước đậu sị là có thể sẽ khỏi bệnh. Ngoài ra, dùng củ hành nướng lên, bóc hết vỏ rồi đắp vào chỗ mụn nhọt cũng có tác dụng khá tốt giúp nhanh lành bệnh.
8. Chữa ho và viêm họng, hen suyễn:
Chuẩn bị một ít củ hành, một vài củ gừng và 30g rau khúc khô, tất cả được sắc lên, nấu nước cho người bệnh uống kiên trì trong một vài ngày, tình trạng sẽ bệnh sẽ thuyên giảm.
9. Chữa trĩ ngoại:
chuẩn bị 1 kg hành củ, giã nát, sắc với nước thành một tô lớn rồi đổ vào một cái bô. Dùng giấy bóng hoặc bạt dày (loại không bị hơi nóng làm chảy nhựa) bịt kín miệng bô, chín giữa có khoét thành một lỗ nhỏ. Cho người bệnh ngồi xổm trên bô, sao cho hậu môn đặt đúng lỗ nhỏ đã khoét sẵn để xông hơi nóng từ nước củ hành bốc lên. Ngồi khoảng một thời gian, khi đã cảm thấy hậu môn ấm lên và đã thụt vào, có thể dùng tay ấn nhẹ đẩy vào là được.
10. Chữa nhức đầu:
Dùng 1 lon gạo nếp nấu chín trộn với lá hành đã thái nhỏ, thêm một ít lá lốt thái nhỏ, buộc vào khăn mỏng đắp lên đầu cho người bệnh (khi nào cảm thấy quá nóng thì lấy ra, rồi đắp lại). Mỗi ngày đắp 3 lần ở cả vùng đầu và thái dương cho đến khi cơm nếp đã nguội là được.
11. Chữa da bị vết thương hở:
lấy 1 củ hành giã nát với mật ong rừng, đắp lên và băng bó lại cũng có tác dụng làm lành vết thương.
12. Chữa phụ nữ bị sưng vú
Lấy một vài củ hành hấp nóng để chườm và đắp cũng có tác dụng giảm sưng.
13. Phụ nữ động thai:
Hành tươi 60g, thêm một bát nước, sắc kỹ, lọc bỏ bã cho uống.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam