Hồ Đào luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Hồ đào, Óc chó, Lạc tây
Tên khoa học: Juglans regia L
Họ: Juglandaceae (Óc chó)
1. Đặc điểm dược liệu
Cây to, có thể cao tới 30m; vỏ nhẵn và màu tro. Lá dài tới 40cm, kép lông chim lẻ với 5-9 lá chét hình trái xoan nguyên, dài 6-15cm, rộng 3-6, có gân giữa lồi ở mặt dưới. Hoa đơn tính, màu lục nhạt; hoa đực xếp thành đuôi sóc thõng xuống; hoa cái xếp 2-5 cái ở cuối các nhánh. Quả hạch to có vỏ ngoài màu lục và nạc, dễ hoá đen khi chà xát, vỏ quả trong hay vỏ của hạch rất cứng, có 2 van bao lấy hạt với 2 lá mầm to, chia thuỳ và nhăn nheo như nếp của óc động vật.
Hoa tháng 5, quả tháng 9-10.
2. Phân bố
Cây có nguồn gốc ở Á, Tiểu Á và thuần hoá từ lâu ở các vùng ôn đới ở Âu châu. Ở nước ta cũng có trồng ở Lao Cai (Sapa), Hà Giang (Phó Bảng, Đồng Văn) và Cao Bằng. Có thể thu hái lá quanh năm, còn quả thu hái vào tháng 9-10, đập vỏ hạch lấy nhân.
3. Bộ phận dùng
Hạt – Semen Juglandis, thường gọi là Hồ đào nhân. Người ta cũng dùng lá.
4. Thu hái
Có thể thu hái lá quanh năm, còn quả thu hái vào tháng 9-10, đập vỏ hạch lấy nhân.
Công dụng và Liều dùng
1. Thành phần hóa học
Trong nhân có nước 17,59%, protid 11,05%, lipid 41,98%, chất dẫn xuất 26,50%, cellulose 1,30%, tro 1,60%. Nhân hạt chứa dầu mau khô gồm phần lớn là các glycerid của acid linoleic và linolenic. Hạch rất giàu hydroxy-5-tryptamin. Nó cũng giàu đồng và kẽm; còn có K, Mg, S, Fe, Ca và các vitaminA, B, C, P. Dầu hạt óc chó có mùi đặc biệt dễ chịu nhưng dễ bị hôi.
2. Tính vị, tác dụng
Nhân hạt óc chó có vị ngọt, tính ấm; có tác dụng làm mạnh sức, béo người, đen tóc, trơn da. Ở Trung Quốc, nó được xem như có tác dụng ôn bổ phế thận, định suyễn nhuận tràng. Người ta cho là nhân hạt rất bổ dưỡng vì có nhiều protid, có thể chống tràng nhạc, nhuận tràng, trị ỉa chảy, trị giun, dẫn lưu hệ da và bạch huyết.
3. Công dụng
Bổ khí, dưỡng huyết, nhuận táo, ôn phế, hóa đờm, định suyễn, ích mệnh môn, lợi tam tiêu.
Lá hồ đào sắc uống làm thuốc bổ, lọc máu; dùng nhiều có tính sáp trường (trị tiêu chảy). Ngậm trong miệng để trị lở miệng, hôi miệng. Vôi ngoài da trị mụn nhọt, rưả vết thương, rửa âm đạo do tính kháng khuẩn và kháng nấm. Phụ nữ cho con bú tránh dùng (vì tắt sữa).
4. Liều dùng
Ngày dùng 4-12g, phối hợp với các vị thuốc khác.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
Bài 1: Bổ thận làm đen râu tóc
Bổ cốt chỉ, đỗ trọng mỗi vị 160g đem tẩm rượu sao, tỏi to 160g trộn nước gừng sao qua, hồ đào 30 quả cả vỏ , thanh diêm 40g. Tất cả nghiền nhỏ rồi nhào thành cao cho ít mật viên như quả táo ta. Ngày uống 1 viên vào lúc đói với nước muối nhạt.
Bài 2: Bổ huyết, tủy, mạnh gân cốt, sống lâu, sáng mắt, nhuận cơ thể
hồ đào nhục 160g, bột bổ cốt chỉ 160g, đỗ trọng 160g, tỳ giải 160g. Tán nhỏ viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 50 viên lúc đói với nước muối nhạt.
Bài 3: Làm chắc răng, đen tóc
Hồ đào nhân sao qua, xuyên bối mẫu mỗi vị 160g. Tán nhỏ dùng hằng ngày 10 – 15g với nước ấm.
Bài 4: Trị đái buốt, đái có sỏi
Hồ đào nhục 100g, gạo 100g nấu cháo ăn, ăn liên tục từ 5-7 ngày.
Bài 5: Trị cảm phong hàn người nóng không mồ hôi, đau đầu
Hồ đào nhục, trà búp, hành, gừng sống, mỗi vị 15g giã dập. Sắc nước uống, đắp chăn ra mồ hôi là khỏi.
Bài 6: Trị người già ho, ngủ không yên
Hồ đào nhục bỏ vỏ 40g, gừng sống 40g, hạnh nhân (bỏ vỏ, đầu nhọn) 40g. Nấu cô thành cao cho mật ong hoàn viên như quả táo ta. Mỗi lần nhai 1 viên, uống với nước gừng.
Bài 7: Chữa bị thương đau nhức
Dùng hạt óc chó giã nhỏ hoà với rượu uống, và giã lá tươi hay vỏ quả đắp rịt ngoài.
Bài 8: Chữa thận lạnh, đau buốt ngang lưng, rũ mỏi, liệt dương, đái són, tiết tinh
Hạt óc chó 12g, Ba kích 10g, Nhân quả Ré (Ích trí nhân), Ô dược, Cẩu tích đều 8g, sắc uống.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Không dùng trong các trường hợp âm hư hỏa vượng, ho do đàm nhiệt hoặc tiêu chảy.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam