Cùng Medplus tìm hiểu hở van tim là gì bạn đọc nhé!
1. Hở van tim là gì?
Hở van tim là bệnh lý ở tim, xảy ra khi các van tim đóng lại không kín dẫn đến dòng máu trào ngược lại trong thời kỳ đóng van. Vì vậy, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lại khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược. Tim làm việc “quá tải” là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như phù, rối loạn nhịp tim, suy tim.
2. Nguyên nhân hở van tim là gì ?
Có 2 nguyên nhân gây nên bệnh hở van tim:
- Một là bị bệnh tim bẩm sinh, tức ngay từ khi sinh ra đã có dị tật bẩm sinh ở tim;
- Thứ hai là do người bệnh có những bệnh lý mắc phải.
Trong bệnh lý hở van tim do mắc phải được chia làm 2 dạng bệnh thường gặp:
- Bệnh lý van tim do hậu thấp (hở van tim sau khi bị thấp khớp, thấp tim);
- Bệnh lý van tim do thoái hóa (hở van tim do thoái hóa của tuổi già, hoặc bệnh lý nào đó khiến tim thoái hóa nhanh hơn).
Bên cạnh hở van tim do thoái hóa còn có những bệnh lý khác khiến van tim bị tổn thương như: hồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim…
Khi van tim bị hư, các dây chằng và phần cơ giữ van tim bên trong bị đứt dẫn đến bệnh hở van tim.
Ngoài ra một số bệnh lý khác hiếm gặp nhưng cũng có thể là nguyên nhân khiến van tim bị hở như bệnh nhân bị phình động mạch chủ, cơ tim giãn nở, bệnh viêm nội tâm mạc…
3. Triệu chứng hở van tim là gì ?
Khi bệnh ở mức độ nhẹ thường không có biểu hiện gì rõ rệt. Chỉ đến lúc bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Khó thở, ho khan (thường gặp ở hở van tim 2 lá và hở van động mạch chủ)
- Nặng ngực, phù chi (triệu chứng điển hình của hở van 3 lá)
- Mệt mỏi
- Ngất xỉu
- Tim đập nhanh.
Trong giai đoạn đầu các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi hoạt động gắng sức, nhưng ở những giai đoạn nặng chúng có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi hay làm việc nhẹ nhàng. Các triệu chứng thường tăng nặng hơn về đêm khi người bệnh nằm ngủ, do lúc này máu bị dồn ứ tại phổi nhiều hơn.
4.Chẩn đoán và điều trị hở van tim như thế nào ?
Bệnh hở van tim gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Chẩn đoán
Khám lâm sàng:
- Ống nghe tim: Hở van tim thường tạo ra âm thanh là tiếng thổi do dòng chảy bất thường của máu.
- Các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải.
- Tiền sử gia đình, bệnh lý.
Khám cận lâm sàng:
- Điện tâm đồ.
- Chụp X-quang ngực.
- Siêu âm Doppler tim.
- Thông tim.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng khác: Chụp cộng hưởng từ, chụp CT scanner ngực, xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu, chụp cắt lớp đa dãy…
Cách điều trị bệnh hở van tim
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
Hở van tim ở giai đoạn nhẹ:
- Dùng thuốc: Thuốc lợi tiểu (furosemide, hydroclorothiazide, spironolactone), Digitalis, thuốc làm giảm hậu gánh, thuốc giãn mạch nhóm nitrate, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta giao cảm…
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp như ăn uống giảm muối, giảm mỡ, hạn chế bia rượu, thuốc lá và không lao động quá sức để sống hòa bình với bệnh.
Khi sử dụng thuốc, cần tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Tránh ngưng sử dụng hoặc sử dụng loại thuốc khác vì có thể ảnh hưởng đến phác đồ điều trị. Nếu xảy ra bất kỳ dấu hiệu khác thường, cần tái khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ sớm.
Hở van tim nặng:
Trường hợp van tim bị tổn thương nặng, có nguy cơ suy tim, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị can thiệp:
- Phẫu thuật sửa van tim: Bác sĩ dựa vào tình trạng hở van tim mà có cách can thiệp như cắt hoặc khâu để các lá van khép kín với nhau.
- Phẫu thuật thay van tim: Áp dụng khi phẫu thuật sửa van tim không có hiệu quả. Bác sĩ cắt bỏ van tim và thay thế bằng van tim nhân tạo (van tim cơ học hoặc van tim sinh học).
Tìm hiểu từ nguồn: Wikipedia
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin về hở van tim, hy vọng bài viết có thể hỗ trợ nhiều cho bạn trong cuộc sống
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp đến bạn đọc một số thông tin liên quan: