Là một loài hoa mang vẻ đẹp tinh khôi có mùi thơm dịu nhẹ. Hoa Nhài còn là dược liệu quý giúp trị nhiều bệnh. Cùng đi với Medplus khám phá những tác dụng trị bệnh của hoa nhé!
Thông tin cơ bản
Đặc điểm cây
- Cây hoa nhài là một cây nhỏ, nhiều cành mọc xòe ra. Lá hình trái xoan nhọn ở đầu và ở phía cuống, dài 3-7 cm, rộng 20-35mm, 2 mặt đều bóng, khe các gân phụ ở mặt dưới có lông.
- Cụm hoa mọc ở đầu cành ít hoa. Quả có 2 ngăn, hình cầu, đường kính 6mm màu đen, quanh có đài phủ lên.
Nơi sống, thu hái và chế biến
- Được trồng khắp nơi ở Việt Nam để lấy hoa dùng ướp chè hay để làm thơm thức ăn.
- Muốn dùng rễ, đào lên rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô mà dùng. Có thể đào rễ quanh năm nhưng tốt nhất vào thu đông. Người ta còn dùng hoa và lá.
Bộ phận dùng: rễ, lá và hoa
Cách trồng
- Nhài được trồng khắp mọi nơi để tạo cảnh, lấy hoa cúng, ướp chè, lá làm thuốc.
- Cây được nhân giống dễ dàng bằng giâm cành. Vào mùa xuân, chọn cành bánh tẻ cắm xuống đất hoặc cắt thành đoạn 25-30cm đem giâm.
- Đất nào cũng trồng được nhài, miễn là không bị úng. Có thể trồng thành ruộng, thành vườn, trong bồn hoặc trong chậu. Tuy nhiên, cần thường xuyên làm cỏ, tưới đủ ẩm và bón thúc nhất là thời kì ra hoa. Hiện nay, nhài được trồng chủ yếu để lấy hoa tươi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Thành phần hoá học, tác dụng dược lý và tính vị
Thành phần hoá học
- Trong hoa có một chất béo thơm chừng 0.08%. Thành phần chủ yếu của chất béo thơm đó là chất parafin, este formic axeticbenzoic- linalyl, este anthranili metyl và indol.
- Hoa chứa một chất màu vàng thường thay thế cho saffron.
Tác dụng dược lý
- Chế phẩm từ toàn cây nhài có tác dụng hạ huyết áp và ức chế thần kinh trung ương ở chuột nhắt trắng.
- Rễ nhài có tác dụng an thần mạnh, gây mê và có tác dụng làm giảm đau trong trường hợp bị trấn thương.
Tính vị, công năng
- Hoa nhài có vị cay, ngọt, tính ôn, có tác dụng lý khí, khai uất, hòa trung, trừ uế.
- Rễ nhài có vị đắng,tính ôn, có tác dụng giảm đau, gây mê
Công dụng và những bài thuốc
Công dụng, liều lượng
- Hoa nhài được dùng để ướp trà hoặc làm thơm thức ăn. Một số địa phương dùng nước sắc hoa nhài rửa mắt chữa mắt đỏ, sung đau, sắc hay pha như trà uống chữa đau bụng, kiết lỵ. Liều dùng mỗi ngaỳ 1,5-3g hoa khô.
- Rễ nhài là thuốc giảm đau trong trường hợp tổn thương gân xương, đau đầu, sâu răng mất ngủ. Liều dùng mỗi ngày 0,9-1,5g, mài lấy nước. Dùng ngoài giã đắp tại chỗ.
- Chú ý khi uống phải cẩn thận, không được dùng quá liều và không được dùng dạng rượu thuốc.
Bài thuốc về Hoa Nhài
- Chữa đau bụng, tiêu chảy: Hoa nhài 6g tươi hoặc 3g khô, hậu phác 6g, mộc hương 9g, sơn tra 30g, sắc nước uống.
- Chữa gãy xương, đau nhức: Rễ nhài, rễ sòi đầu lấy vỏ rửa sạch, lá cà độc dược, mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, chế với giấm xào nóng, bó rịt chỗ gãy.
- Chữa sâu răng: Rễ nhài nghiền thành bột, trộn với lòng đỏ trứng gà nhét vào chỗ răng sâu.
- Rôm sẩy: Lá Nhài vò vào nước để tắm, có thể phối hợp với lá Ngải cứu.
- Chữa mất ngủ:
- Rễ Nhài 1-1,5g, nghiền trong nước, lấy hỗn dịch uống.
- Hoa nhài 10g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 10g, sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần. Uống liên tục trong 7 ngày. Hoặc hoa nhài 6g, tâm sen 8g.
- Hoa nhài và tâm sen hãm với nước sôi uống nhiều lần trong ngày. Uống liên tục từ 7 – 10 ngày sẽ thấy kết quả rõ rệt.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn