Không chỉ là cây hoa làm cảnh hay để ướp trà. Hoa Sói còn được xem là một dược liệu quý, sử dụng để chữa trị khá nhiều trong Y học. Hãy cùng với Medplus tìm hiểu về những công dụng chữa trị của loài hoa này đem đến nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng việt: Hoa sói, Sói gié
Tên khoa học: Chloranthus spicatus (Thunb.) Makino
Tên đồng nghĩa: Nigrina spicatus Thunb.
Họ: Chloranthaceae (Hoa sói)
Đặc điểm cây
- Cây nhỏ dạng bụi, sống lâu năm, cao 0,5-1m. Thân cành hơi tròn, nhẵn.
- Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 4-10cm, rộng 2-5cm, gốc thuôn tròn, đầu nhọn, mép khía răng nhọn, hai mặt nhẵn gần như cùng màu, có gân nổi rõ; cuống lá dài 1-2cm; lá kèm nhỏ và mỏng.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thành bông phân nhánh; hoa màu vàng, rất thơm, được bao bọc bởi một lá băc nhỏ; Hoa nhị 3, bao phấn của nhị ở giữa có 4 túi phấn, bao phấn của nhị ở bên chỉ có 2 túi phấn; bầu hình trứng, 1 ô.
- Quả hình trứng; hạt hình trái xoan, đính ở gần đầu quả.
- Mùa hoa: tháng 5-7
Nơi sống và bộ phận dùng
- Chi Chloranthus Sw có 3 loài ở Việt Nam, trong đó Hoa sói là cây trồng, còn 2 loài kia mọc tự nhiên.
- Hoa sói là cây rất quen thuộc trong nhân dân, được trồng lâu đời trong vườn các gia đình để vừa làm cảnh, vừa lấy hoa ướp trà. Ở Trung Quốc cũng trồng.
- Hoa sói là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, thường được trồng trong chậu hoặc gần nơi có bể nước sinh hoạt để cây trồng luôn có môi trường ẩm. Hoa sói ra hoa hằng năm trên các nhánh thân mọc từ vụ chồi của năm trước.
Bộ phận dùng: Toàn cây
Thành phần hóa học, tính vị
Thành phần hoá học
- Rễ hoa sói có 11monoterpen, 11 sesquiterpen, 7 hợp chất có oxy.
- Hoa và rễ có tinh dầu, có thành phần là cis-methyljasmonat.
Tính vị, công năng
Toàn cây hoa sói có vị cay ngọt, hơi chát, tính ẩm, có độc (độc nhất ở gốc và rễ).
Công năng: Có tác dụng khu phong, tiếp gân, hoạt huyết, tán ứ, sát trùng, trừ ngứa, kích thích.
Công dụng của Hoa sói
- Toàn thân hoa sói được dùng trị sốt, cảm mạo,thiên đầu thống, động kinh. Ngày 10-20g, sắc uống. Dùng liều cao dễ bị ngộ độc.
- Dùng ngoài, cây tươi giã đắp hoặc ngâm rượu xoa bóp chữa phong thấp, đau nhức xương, đòn ngã tổn thương, gãy xương. Rễ nghiền nát làm thuốc đắp chữa mụn nhọt, lở ngứa.
- Hoa tươi dùng để ướp chè (ở Trung Quốc người ta gọi chè ướp hoa sói là “Châu lan trà”), ướp thuốc lá và hãm chữa ho.
- Gốc và rễ cây sói: Gốc và rễ cây sói có chứa tinh dầu thơm và là nơi chứa nhiều chất độc. Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, chúng vẫn được tận dụng để điều trị mụn nhọt, đinh độc chưa làm mủ bằng cách giã nát rồi đắp ngoài da.
- Bên cạnh đó, gốc rễ cây sói cũng được dùng ngâm rượu xoa bóp khi bị phong tê thấp, đau buốt gân xương hay đòn ngã tổn thương (nếu không ngâm rượu thì có thể lấy toàn cây tươi, giã nát và đắp lên).
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn