Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hoá chức năng đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi đại tiện mà không tìm thấy tổn thương thực thể nào ở hệ tiêu hóa với tần suất xuất hiện ít nhất một ngày mỗi tuần kéo dài trong ba tháng qua. Vậy nguyên nhân và triệu chứng hội chứng ruột kích thích là gì? Cách điều trị bệnh như thế nào? Cùng Medplus tìm hiểu qua bài viết bên dưới đây nhé.

Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích là gì?
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích vẫn không xác định rõ, nhưng các chuyên gia sức khỏe tin rằng sự tương tác sai lệch giữa não và đường tiêu hóa là nguyên nhân gây ra triệu chứng co cơ bất thường gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, nhiều người mắc HCRKT do có ruột non nhạy cảm một cách bất thường.
Nhìn chung, các triệu chứng gây ra do một trong những yếu tố sau:
- Thực phẩm: Mặc dù sự liên quan giữa dị ứng thực phẩm hoặc chứng không dung nạp lactose và hội chứng ruột kích thích chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng ở một số người, khi ăn một số thực phẩm nhât định có thể gây ra những triệu chứng ruột kích thích nghiêm trọng.
- Căng thẳng hoặc vấn đề tâm lý như ức chế tinh thần.
- Thay đổi hormone, chẳng hạn như do chu kỳ kinh nguyệt.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như khuẩn salmonella.
- Tác dụng phụ từ thuốc kháng sinh.
- Di truyền.

Triệu chứng, biểu hiện hội chứng ruột kích thích
HCRKT tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Tiêu chuẩn xác định của HCRKT là khó chịu hoặc đau ở bụng.
Những triệu chứng sau cũng thường hay gặp:
– Đau và quặn bụng và giảm đi sau mỗi nhu động ruột.
– Thay đổi chu kỳ tiêu chảy và táo bón.
– Thay đổi số lần đi đại tiện.
– Đầy hơi.
– Chảy dịch nhầy ra khỏi trực tràng.
– Chướng bụng.
– Đầy bụng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến từng người theo những cách khác nhau. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy liên hệ với bác sĩ để sắp xếp một cuộc hẹn khám bệnh.
Nếu người bệnh có những dấu hiệu và triệu chứng của HCRKT hoặc bệnh nhân bị HCRKT kèm theo những dấu hiệu bất thường, nên hỏi ý kiến bác sĩ. Hãy đến phòng cấp cứu bệnh viện nếu như triệu chứng trở nên nặng hoặc xuất hiện một cách đột ngột.
Những triệu chứng trái ngược với HCRKT bao gồm: có máu trong phân hoặc trong nước tiểu, nôn ói, phân đen hoặc giống như hắc ín, đau hoặc tiêu chảy nặng đủ để đánh thức người bệnh dậy giữa chừng và sụt cân. Nếu gặp những triệu chứng này, hãy đi khám bệnh ngay lập tức.
Yếu tố nguy cơ gây hội chứng ruột kích thích
Nhiều người rất hiếm có các dấu hiệu và triệu chứng của HCRKT nhưng vẫn có nhiều khả năng bị HCRKT nếu bạn:
- Trẻ tuổi: HCRKT có xu hướng xảy ra ở những người dưới 45 tuổi;
- Là phụ nữ: nhìn chung, phụ nữ bị tình trạng này cao hơn nam giới gấp hai lần;
- Có tiền sử gia đình bị HCRKT: các nghiên cứu cho thấy những người có thành viên gia đình bị HCRKT có thể tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Có vấn đề về sức khỏe tinh thần: lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách và tiền sử lạm dụng tình dục ở thời kỳ trẻ em đều là các yếu tố nguy cơ. Đối với phụ nữ, bạo hành gia đình cũng có thể là yếu tố nguy cơ.
Ảnh hưởng của tiền sử gia đình đối với nguy cơ HCRKT có thể liên quan đến gen, các yếu tố chia sẻ trong môi trường gia đình hoặc cả hai yếu tố trên.
Phòng ngừa bệnh hội chứng ruột kích thích
Vì nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ ràng nên chưa có nguyên tắc chuẩn mực nào để phòng tránh. Tuy nhiên, có thể thực hiện các phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ:
- Có chế độ ăn uống khoa học: Cố gắng ăn vào thời gian cố định trong ngày và không bỏ bữa.
- Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả.
- Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay.
- Uống nhiều nước.
- Tránh các đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
- Không ăn thức ăn để lâu hoặc điều kiện bảo quản không tốt.
- Không ăn thức ăn khó tiêu, dễ gây đầy hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường như cam, quýt, xoài, mít.
- Sử dụng thuốc tiêu chảy và thuốc nhuận tràng theo kê toa của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Luyện tập thư giãn, không để bị trầm cảm, lo lắng quá mức.
Nguồn tham khảo: