Bệnh suy thận là gì?
Thận có vai trò chủ yếu là lọc máu và các chất thải, giúp đào thải các chất độc và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể con người. Tình trạng suy giảm chức năng của thận được gọi là suy thận (tổn thương thận).

Suy thận được chia thành hai nhóm bệnh:
- Suy thận cấp (tổn thương thận cấp)
- Suy thận mạn (bệnh thận mạn)
Câu hỏi thường gặp về bệnh này là “Bệnh suy thận có nguy hiểm không?”
Suy thận cấp
Suy thận cấp diễn ra trong một khoản thời gian ngắn, có thể trong vài giờ hoặc sau vài ngày. Suy thận cấp có thể được chữa khỏi hoàn toàn trong vòng vài tuần, chức năng thận sẽ phục hồi lại như bình thường. Ngược lại khi không được chẩn đoán và điều trị sớm, người mắc suy thận cấp có nguy cơ tử vong.
Suy thận mạn
Suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng của thận. Khi đó chức năng của thận suy giảm theo thời gian và mất hoàn toàn chức năng. Không có biện pháp nào có thể chữa khỏi suy thận mạn tính hoàn toàn. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm tiến trình của bệnh và các triệu chứng được giảm nhẹ.
Chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) hoặc ghép thận là những biện pháp được áp dụng vào giai đoạn cuối của suy thận mạn để duy trì sự sống cho bệnh nhân.
Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh suy thận
Ngứa
Khi thận bị tổn thương, chức năng loại bỏ cặn bã ra khỏi máu giảm đi. Những chất thải tồn đọng trong máu sẽ tích tụ và gây ngứa ở da.
Buồn nôn, nôn và hơi thở có mùi kèm theo chứng chán ăn
Sự tích tụ của các chất thải trong máu (được gọi là chứng urê huyết) khiến hơi thở có mùi, đồng thời làm ảnh hưởng đến vị giác khiến bạn chán ăn, không thích ăn thịt nữa. Chứng urê huyết còn gây buồn nôn và tình trạng nôn mửa.

Phù nề ở chân, tay, mặt và cổ
Suy thận khiến thận không loại bỏ được các chất lỏng dư thừa. Do vậy mà các chất lỏng tích tụ lại khiến cơ thể xuất hiện triệu chứng phù, đặc biệt là ở chân và cổ chân và một số nơi khác.
Những thay đổi khi đi tiểu
Tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu xuất hiện bọt, sự thay đổi của nước tiểu như về lượng (nhiều hơn hoặc ít đi), màu (nhạt hoặc đậm hơn bình thường), trong nước tiểu có kèm máu, khi đi tiểu cảm thấy căng tức hoặc khó khăn,… tất cả đều có thể là dấu hiệu của bệnh suy thận.
Mệt mỏi, chóng mặt và mất tập trung
Khi thận khỏe mạnh, hormon erythoropoietin được tạo ra. Hormon này thông báo cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu để vận chuyển oxi. Do đó khi thận hỏng, đầu óc bạn sẽ mệt đi nhanh chóng do thiếu hồng cầu vận chuyển oxi. Tình trạng này gọi là thiếu máu do suy thận.
Khó thở
Cơ thể bị tích tụ nước trong hai lá phổi kèm theo thiếu máu vì thiếu hụt hồng cầu vận chuyển oxi. Từ đó gây ra chứng khó thở hay thở nông.
Chuột rút
Hiện tượng chuột rút cũng có thể là biểu hiện của sự suy giảm chức năng ở thận do cơ bị thiếu oxi.

Biện pháp phòng tránh bệnh suy thận
Bệnh tiểu đường và chứng huyết áp cao là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy thận. Vì thế, liên hệ với bác sĩ để biết cách kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp là cách tốt nhất để ngăn ngừa suy thận.
Lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát và phòng ngừa suy thận. Một số lưu ý nhỏ giúp giảm nguy cơ và các vấn đề gây ra bệnh:
- Ăn uống theo chế độ giảm đường, giảm chất béo
- Hoạt đông thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Không hút thuốc và hạn chế thức uống có cồn như rượu, bia,…

Các triệu chứng bệnh không đáng kể khiến người bệnh chủ quan và bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh đúng lúc. Để kịp thời phát hiện và chữa trị một cách tốt nhất, đừng quên khám định kì tối thiểu 6 tháng/lần nhé.
Xem thêm bài viết: 6 dấu hiệu cho thấy bạn mắc bệnh tim mạch
Nguồn tham khảo: American Kidney Fund
Đừng quên ghé MedPlus mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều tin tức tổng hợp nhé!