Khẩu trang y tế (hay khẩu trang dùng một lần) là vật dụng thiết yếu của mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khôn lường hiện nay. Tuy sử dụng hằng ngày nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu cấu tạo của khẩu trang y tế ra sao mà lại có thể ngăn ngừa được các tác nhân gây hại cho sức khỏe qua đường hô hấp.
Các loại khẩu trang y tế trên thị trường thường được phân loại dựa trên số lớp cấu tạo. Ngoại trừ loại 2 lớp (chỉ lọc được bụi thô) hoàn toàn không có tác dụng trong phòng chống dịch thì các loại khẩu trang y tế thường dùng sẽ có từ 3, 4 hoặc thậm chí 5 hoặc 6 lớp. Chúng khác nhau thế nào về cấu tạo và công dụng?
Tìm hiểu cấu tạo của khẩu trang y tế gồm có những phần nào?
Thực tế, việc nắm được sơ bộ cấu tạo của khẩu trang y tế sẽ giúp bạn biết cách sử dụng sao cho hiệu quả, phát huy tác dụng phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn, virus tối đa.
Khẩu trang y tế 3 lớp
Đây có lẽ là loại khẩu trang được sử dụng khá phổ biến ở cộng đồng bởi giá thành rẻ, dễ tìm và không gây khó chịu cho người đeo.
Theo đó, một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp đạt chuẩn sẽ có lớp ngoài cùng được làm từ vải không dệt với tính năng chống thấm nước, ngăn nước và hạt bụi lớn xâm nhập. Kế đến là lớp vải lọc kháng khuẩn chất liệu polymer chỉ cho không khí đi qua nhưng giữ lại bụi bẩn hoặc vi khuẩn có kích thước nhỏ hơn 10 micromet. Sau cùng là lớp vải không dệt hút ẩm cực tốt nhằm ngăn các hạt dịch tiết hô hấp văng ra khi người dùng ho, hắt hơi hoặc thở mạnh.
Cấu tạo của khẩu trang y tế 3 lớp ngoài những phần trên thì còn có dây đeo và thanh nẹp để giúp khẩu trang ôm sát gương mặt, tăng hiệu quả sử dụng.
Cách phân biệt lớp ngoài và lớp sau cùng sẽ dựa vào màu sắc. Cụ thể, mặt ngoài sẽ có màu xanh, hồng, đen, xám, trắng… (tùy vào nhà sản xuất); trong khi lớp trong cùng là màu trắng (ngoại trừ khẩu trang chứa thành phần than hoạt tính sẽ có mặt trong cùng màu đen với mặt ngoài).
Vì lớp trong cùng sẽ tiếp xúc trực tiếp với da mặt nên phải đạt chỉ tiêu về độ tinh khiết và mịn màng, không gây kích ứng da.
Cấu tạo của khẩu trang y tế 4 lớp
Loại này sở hữu những ưu điểm tương tự như khẩu trang y tế 3 lớp nhưng cho hiệu quả lọc bụi bẩn, vi khuẩn tốt hơn hẳn so với “người anh em” tiền nhiệm. Sở dĩ như vậy là vì ngoài thiết kế 3 lớp tương tự như trên, khẩu trang 4 dạng này còn được thêm vào một lớp than hoạt nằm giữa lớp lọc và lớp vải hút ẩm ở mặt trong.
Than hoạt vốn dĩ được sử dụng trong xử lý các tạp chất trong nước, không khí nên được bổ sung vào nhằm tăng cường khả năng lọc bụi, đồng thời bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ hít phải một số hóa chất, khí độc như SO2, CO2, H2S.
Khẩu trang N95
Đây là loại khẩu trang cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng. Con số “95” trong tên gọi thể hiện khả năng phòng ngừa virus, hạt bụi kích thước nhỏ 0.3 micromet lên đến 95%. Điều này có được nhờ vào màng lọc dày dặn, không thấm dịch trong cấu tạo của khẩu trang y tế N95. Cũng vì hiệu quả như vậy mà loại khẩu trang này được ưu tiên sử dụng cho nhân viên y tế phụ trách khám, chữa bệnh cho người bị nhiễm COVID-19 và kỹ thuật viên xét nghiệm.
Nhược điểm của khẩu trang N95 là đắt tiền, dễ gây khó thở cho người dùng (nhất là đeo sai cách) đặc biệt là tình trạng sản xuất khẩu trang N95 tràn lan hiện nay rất khó kiểm soát.
Cấu tạo của khẩu trang y tế và những lưu ý khi sử dụng
Như đã đề cập, việc hiểu cấu trúc của chiếc khẩu trang y tế sẽ giúp bạn sử dụng vật dụng này một cách hiệu quả, hạn chế lây lan dịch bệnh. Một số điều mà bạn cần chú ý như sau:
- Khẩu trang nên đeo mặt có màu đậm hơn ra ngoài vì đây là lớp vải không dệt chống thấm nước; trong khi mặt màu trắng với tính hút ẩm cao cần hướng vào trong.
- Trước khi đeo khẩu trang, cần sát khuẩn tay bằng cồn cao độ hoặc rửa tay sạch với xà phòng và nước.
- Khẩu trang phải che kín mũi, miệng và cằm không được có khe hở. Nếu đeo nhiều lớp thì phải chú ý các cạnh, mép của khẩu trang phải ôm sát vào nhau. Trường hợp nếu cảm thấy khó thở hoặc bị che khuất tầm nhìn thì không nên đeo nhiều lớp. Khi đeo người dùng phải lưu ý bóp dải kim loại để che kín vùng mũi để ngăn chặn vi trùng xâm nhập.
- Tuyệt đối không dùng tay chạm vào phía mặt ngoài của khẩu trang. Nếu lỡ chạm vào thì phải vệ sinh tay ngay lập tức.
- Vì khẩu trang y tế thường là loại dùng một lần nên bạn không tái sử dụng lại. Trong trường hợp khẩu trang bị vấy bẩn hoặc thấm nước thì phải chuyển sang dùng khẩu trang mới.
Vừa rồi là những thông tin về cấu tạo của khẩu trang y tế các loại và những lưu ý để sử dụng đúng cách. Hy vọng bài viết này sẽ có ích cho bạn trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Face Masks in the New COVID-19 Normal: Materials, Testing, and Perspectives