A. Thông tin về Kim sương
Kim sương được người dân gọi với nhiều cái tên khác nhau, tiêu biểu là: Tiêu rừng, Ớt rừng, Vọt cày, Hang chang (tiếng Mường), Mán chỉ, Xoan đào, Cây méo, Chăm sao (tiếng Thái), Mác khèn, Mạy slam (tiếng Tày). Toàn thân cây nói chung đều có thể được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho điều chế các bài thuốc chữa bệnh.
Tên khoa học: Micromelum falcatum (Lour.) Tan
Họ: Rutaceae (Cam).
1. Mô tả cây
- Kim sương thuộc loài thực vật nhỏ hay nhỡ. Cành lúc non có lông mịn, sau nhẵn.
- Lá màu lục vàng nhạt, mọc so le, 7 – 9 lá chét, lệch ở phía cuống, phiến lá nhẵn trừ mật trên gân chính và gân lớn ở mặt dưới.
- Hoa trắng hay vàng nhạt, mọc thành cụm ngắn hơn lá. Cánh hoa chỉ hơi có lông hay không có lông.
- Quả hình trứng, khi chín có màu vàng hay màu vàng cam, nhẵn, trong có 2-3 ngăn. Mỗi ngăn chứa một hạt.
- Mùa hoa rơi vào những tháng cuối năm (12 – 1).
2. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố: Cây mọc hoang, rất phổ biến ở khắp miền miền rừng núi nước ta, tiêu biểu như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Hoà Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá,…
Thu hái: Thường thì người ta chỉ hay dùng lá tươi hái về sao vàng sắc uống, hoặc vò lá tươi vắt lấy nước. Có khi giã nát đắp lên nơi lở loét, vết thương.
Chế biến: Rễ hái về rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì khác.
3. Thành phần hoá học
Theo các nghiên cứu, người ta tìm thấy tinh dầu trong lá và quả; hoa thơm tiết mùi acid prussic.
B. Công dụng và liều dùng
1. Tính vị và công dụng
Rễ và lá cây kim sương có vị đắng, cay, tính ấm. Tác dụng chính là tán ứ hành khí, giảm đau, hoạt huyết.
Công dụng:
- Lá dùng trị cảm mạo, rắn độc cắn, các vết thương nhiễm trùng hay sâu bọ đốt.
- Lá sao vàng ngâm rượu xoa bóp chữa tê thấp, teo cơ.
- Rễ chữa ho hen, tức ngực, phong thấp tê bại, chân tay co quắp, đòn ngã tổn thương, vết đứt dao chém. Một số nơi dùng lá hay rễ sắc uống chữa sốt, tê thấp.
2. Liều dùng
Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc, hoặc ngâm rượu để xoa bóp.
Dùng ngoài: Người ta lấy lá tươi giã rồi đắp lên vị trí.
C. Bài thuốc có vị Kim sương
1. Chữa đau nhức, teo cơ
Thành phần: Rễ Kim sương sao vàng 50g, cồn 40 độ 500ml.
Ngâm trong vòng 1 tuần lễ. Dùng rượu này xoa bóp vào chỗ đau.
2. Chữa đau ngực, té ngã tổn thương
Thành phần: Rễ chùm hôi 12-20g. Sắc uống hỗn hợp trên.
3. Chữa cảm mạo, rắn độc cắn
Thành phần: Lá chùm hôi 8 – 16g. Sắc hỗn hợp trên để uống.
4. Chữa tê thấp, teo cơ, nhức mỏi, ho hen
Thành phần: Rễ chùm hôi, vỏ núc nác, thân bạch đồng nữ hoặc xích đồng nam, rễ cây vú bò, củ sả, mỗi vị 10g. Sắc uống.
5. Chữa cảm sốt, đau dạ dày, tiêu chảy
Thành phần: Rễ chùm hôi, rễ xuyên tiêu, rễ cúc áo hoa vàng, rễ chanh, quả màng tang, mỗi vị 8g. Sắc uống.
6. Chữa đau họng
Thành phần: Vỏ thân chùm hôi. Sắc đặc, ngậm nuốt dần từng ít một.
7. Chữa rắn độc cắn
Thành phần: Lá chùm hôi. Lấy lá giã nhuyễn, thêm nước gan uống, bã đắp lên vết cắn.
8. Chế rượu xoa bóp
Thành phần: Rễ chùm hôi sao vàng 50g, ngâm trong 500ml cồn 400, sau 1 tuần lễ, dùng rượu này xoa bóp vào chỗ đau nhức, teo cơ.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý:
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.