Lá ngón là loại cây có độc tính cao, thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong. Việc xử trí cấp cứu đòi hỏi kịp thời, khẩn trương, tích cực, trong đó quan trọng là xử trí loạn nhịp tim, kiểm soát hô hấp tốt và cắt cơn co giật.
Lá ngón
Tên tiếng Việt: Lá ngón, Co ngón, Thuốc rút ruột, Đoạn trường thảo, Ngón vàng, Khau nguộn (Tày).
Tên khoa học: Gelsemium elegans (Gardn. et Champ.) Benth.
Họ: Loganiaceae
Mô tả cây
- Đoạn là đứt, trường là ruột, tên đoạn trường thảo vì người ta cho rằng uống vị này sẽ bị đứt ruột mà chết
- Đoạn trường thảo hay cây lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi khía dọc.
- Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hay hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hay hơi tù, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12cm, rộng 2,5-5,5cm.
- Hoa mọc thành xim ở đầu cành hay kẽ lá. cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6-8-10.
- Quả là một nang dài màu nâu hình thon dài 1cm, rộng 0,5cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận
Phân bố
- Cây lá ngón rất phổ biến ở vùng rừng núi Việt Nam. Người ta thường không dùng làm thuốc, mà chỉ dùng để tự tử hay với mục đích đầu độc.
Độc tính của Đoạn trường thảo
- Thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.
- Đặc biệt, alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Alkaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5-30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7,5h.
Công dụng và liều dùng
- Nhân dân Việt Nam KHÔNG dùng cây ngón làm thuốc; chỉ giới thiệu ở đây để chúng ta biết TRÁNH và có thể phát hiện khi bị ngộ độc.
- Lá ngón còn được sử dụng làm thuốc nhuộm tóc.Người ta sử dụng với liều lượng rất ít, vì có độc tính cao nên để thuốc nhuộm tóc xa khỏi tầm tay trẻ em.
Triệu chứng ngộ độc
– Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi; yếu mệt cơ tay-chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn.
– Giãn đồng tử dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng; chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được vào miệng.
– Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.
– Nạn nhân tử vong có nguyên nhân do liệt cơ, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.
LƯU Ý KHI SƠ CỨU NẠN NHÂN
- Khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. (gây nôn: uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất)
- Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới 1h. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu hiểu biết, các vụ tự tử hoặc đầu độc bằng lá ngón xảy ra khá nhiều, đặc biệt trên các tỉnh vùng núi.
- Không dùng thuốc gây nôn. Vì đến khi thuốc có tác dụng, thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.
- Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy.
Nguồn tham khảo:
Tra cứu dược liệu Viêt Nam – Cây Lá Ngón
Đừng quên ghé thăm Medplus hàng ngày để cập nhật những tin tức mới nhất về sức khỏe bạn nhé!