Theo Đông Y học, Lạc tiên có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng an thần, thanh tâm, dưỡng can, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chỉ thống. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !

Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Lạc tiên, Chùm bao, nhãn lồng, dây lưới, mắn nêm
- Tên khoa học: Passiflora foetida L.
- Họ: Passifloraceae (Lạc tiên)
2. Mô tả Cây
- Lạc tiên là một loại dây mọc leo, thân mềm, trên có rất nhiều lông mềm.
- Lá mềm, mọc so le, hình tim, dài 6-10cm, rộng 5-8cm, mép lượn sóng và xẻ hơi sâu thành 3 thuỳ, đáy lá hình tim, mép lá có lông mịn, cuống lá dài 7-8cm. Đầu tua cuống thành lò xo. Hoa đơn độc, 5 cánh màu trắng hay hơi tím nhạt, đường kính 5,5cm lá đài màu trắng phía dưới có gân xanh, dưới lá đài có 3 gân chính với những gân phụ trông như lá mà không có phiến chỉ có gân lá không thôi. Một đĩa có 2 tầng tua, mặt tua trên có màu tím trong vàng, trong cùng có lông mịn. Trụ cao có đầu tim đỏ, 5 nhị có bao phấn màu vàng gục xuống dưới.
- Quả hình trứng dài 2-3cm. Mùa hoa 4- 5, mùa quả 5-7 .
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Cây Lạc tiên được biết có nguồn gốc Mexico, Trung Mỹ, Nam Mỹ và cả khu vực Caribe. Có thể thấy, loại cây này khá dễ sống và phân bổ ở nhiều khu vực.
- Ở Việt Nam, có thể dễ dàng tìm kiếm thảo dược này mọc rải rác ven đường hoặc trong rừng hay các vùng núi cao từ 100m trở lên. Khác với nhiều giống cây khác chỉ phân bổ ở một vài tỉnh thành, cây thuốc này xuất hiện ở khắp ba miền.
Thu hoạch
- Thu hoạch vào mùa xuân, hạ. Cắt lấy dây, lá, hoa Lạc tiên, thái ngắn, phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận dùng
- Phần trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây Lạc tiên
Chế biến
- Sau khi thu hái, việc bào chế cây lạc tiên được thực hiện theo các cách sau đây:
- Rửa sạch các bộ phận rồi dùng tươi.
- Làm sạch dược liệu, cắt thành từng khúc ngắn, sau đó phơi, sấy khô hoặc sao vàng để dùng dần.
- Ngoài ra, sau khi phơi, sấy hay sao vàng, người bệnh có thể tán thành bột để tiện sử dụng hơn.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Alcaloid, flavonoid, saponin.
- Các thành phần hóa học chính: hoạt chất passiflorin, sapomarin, harmalol, hermalin, chất xơ, saponaretin, vitexin,…
B. Tác dụng dược lý
- Alcaloid toàn phần chiết từ cây lạc tiên đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm hoạt động của chuột nhắt trắng được kích thích do dùng cafein và kéo dài thời gian gây ngủ của hexobarbital (Vũ Ngọc Lộ, Hoàng Tích Huyền).
- Theo tài liệu Ấn Độ, quả lạc tiên chín có thể ăn được nhưng lúc còn xanh thì độc vì có chứa glycosid cyanogenetic.
- Ở các nước châu Âu, người ta dùng cây Passiflora coerulea và Passiflora incarnata. Passiflora coerulca được coi là có tác dụng an thần, chống co thắt, Passiflora incarnata đã được ghi trong dược điển Pháp cũng là thuốc an thần và chống co thắt. H. Leclerc còn cho rằng Passiflora incarnata có tác dụng hạ huyết áp, giảm co bóp cơ trơn ruột.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Toàn cây lạc tiên có vị ngọt, hơi đắng, tính mát
- Quả có vị ngọt, chua, tính bình, mùi thơm
Quy Kinh
- Vào 2 kinh Tâm, Can
Công Năng
- An thần, thanh tâm, dưỡng can, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chỉ thống.
Công Dụng
- Suy nhược thần kinh, tim hồi hộp, mất ngủ, hay nằm mơ, phụ nữ hành kinh sớm, đau bụng do nhiệt táo, ho do phế nhiệt, phù thũng, bạch trọc.
Kiêng kỵ:
- Phụ nữ có thai, cho con bú hay trẻ nhỏ cần phải có sự kê đơn của người có chuyên môn.
- Không được tự ý kết hợp dược liệu với các loại thuốc Tây y.
Liều dụng:
- Ngày dùng 20 – 40 g, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc sử dụng

1. Chữa suy nhược, mất ngủ, hồi hộp:
Lạc tiên 150g, lá vông 130g, tâm sen 2.2g, lá dâu 10g, đường 90g. tất cả nấu thành cao lỏng vừa đủ 100ml. Ngày dùng 2 – 4 thìa to, uống trước khi ngủ.
Chế biến thành món ăn:
Người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng cây lạc tiên và chế biến thành món ăn trong các bữa ăn hàng ngày. Có thể dùng ngọn lạc tiên để luộc hoặc nấu canh. Thông thường, dùng trong những bữa ăn buổi tối sẽ mang lại tác dụng tốt hơn.
2. Chữa viêm da, ghẻ ngứa:
Dây lá Lạc tiên với lượng vừa đủ, nấu nước tắm và rửa.
3. Bài thuốc an thần, có tác dụng trợ tim, ngủ được êm, dịu thần kinh:
Hạt sen 12g, lá Tre 10g. Cỏ mọc 15g, Lá dâu 10g, Lạc tiên 20g, Vông nem 12g, Cam thảo 6g, Xương bồ 6g, Táo nhân sao 10g. Ðổ 600ml nước sắc còn 200ml nước, uống ngày 1 tháng (An Giang).
4. Làm nước giải khát có tác dụng mát và bổ:
Cách làm như sau: Quả chín (càng chín càng thơm 0,5kg), bổ đôi, nạo hết ruột, ép và lọc lấy dịch quả. Đường trắng 250g hòa với một lít nước đun sôi để nguội. Đổ dịch quả vào nước đường, trộn đều. Nước quả lạc tiên trứng có mùi thơm đặc biệt, vị hơi chua, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin B2.
5. Giảm đau nhức, mất ngủ ở người cao tuổi:
500g lạc tiên, có thể sử dụng tất cả bộ phận của cây, 100g lá mướp đắng non, 300g hoa thiên lý. Sao vàng, phơi hoặc sấy khô các dược liệu rồi tán thành bột. Người bệnh có thể trộn cùng 50gr đậu xanh tán nhuyễn để không bị đắng khi dùng. Mỗi lần sử dụng, pha cùng 100ml nước ấm, uống thay trà mỗi ngày. Người bệnh cần phải dùng liên tục từ 2 đến 4 tháng để thấy được kết quả lâu dài.
6. Chữa ho, viêm phế quản:
Việc sử dụng kháng sinh chữa viêm phế quản khiến dạ dày bị tổn thương nhanh chóng. Sử dụng dược liệu điều trị là biện pháp đơn giản, không hại dạ dày mà mang lại kết quả rất tốt. Chuẩn bị: 3-15g lá Lạc tiên. Có thể sử dụng lá tươi, rửa sạch và để ráo nước. Đun cùng khoảng 500ml nước, đun sôi rồi để nhỏ lửa cho tới khi chỉ còn khoảng 150ml nước thì tắt bếp. Uống liên tục cho tới khi tình trạng ho chấm dứt.
7. Thuốc chữa hồi hộp, bồn chồn, mất ngủ: Cao lạc tiên:
Cây lạc tiên 50g, lá vông 30g, lá dâu tằm l0g, liên tâm 2,2g, đường 90g, nước vừa đủ 100ml, axit benzoic để bảo quản và cồn vừa đủ để hoà tan axit benzoic. Ngày dùng 2-4 thìa to, trẻ em 1-2 thìa cà phê. Uống trước khi đi ngủ làm thuốc an thần, gây ngủ, chữa hồi hộp bồn chồn.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam