A. Thông tin về cây Lài trâu
Lài trâu còn được gọi là Bánh hỏi, Hoa ngọc bút
Tên khoa học: Ervatamia divaricate (L.) Burk., tên đồng nghĩa: Tabernaemontana divaricata (L.) R. Br. ex Roem. et Schult.; Nerium divaricatum L.
Họ: Apocynaceae (Trúc đào)
Công dụng: Đau răng (Vỏ rễ nhai ngậm không nuốt nước), đau mắt, bệnh ngoài da, sốt (Rễ). Còn dùng rễ cây làm thuốc tẩy giun.
1. Đặc điểm của cây
- Cây thân nhỏ, cao khoảng 1-2 m
- Lá mọc đối, hình bầu dục thuôn, gốc tròn, đầu thuôn thành mũi nhọn, mép nguyên lương song, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt gân nổi rõ
- Hoa màu trắng, thơm, mọc đơn độc hoặc thành đôi ở kẽ lá, dào có 5 răng, xẻ đến nửa chiều dài, tràng 5 cánh, có ống dài, hơi phình ở họng, nhị 5 đính ở chỗ phình của ống tràng, bầu có 2 lá nhẵn
- Quả đại, hạt có áo màu đỏ
- Mùa hoa quả vào các tháng 5 – 9.
2. Phân bố và thu hái
Phân bố:
- Có nguồn gốc ở vùng đông và bắc Ấn độ
- Ở Việt nam, lài trâu được trồng rải rác khắp địa phương, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh phụ cận.
- Cây ưa ẩm , sáng và có thể chịu bóng, thường được trồng ở đình chùa, công viên hay vườn các gia đình.
- Cây ra hoa nhiều hàng năm, những cây trồng ở miền bắc thường ít thấy quả.
3. Bộ phận dùng
Dùng rễ, lá, hoa và quả của cây.
4. Tính vị
Rễ, vỏ và lá lài trâu có vị cay, tính mát, có độc, có tác dụng thanh nhiệt, tán kết, giải độc, hạ huyết áp tiêu thũng, chỉ thống. Nhựa mủ làm giảm sưng tấy.
5. Thành phần hoá học
Chứa alkaloid, vỏ chứa triterpen. Trong lài trâu còn các chất các tác dụng dinh học khác như aparicin, ibogain, voacamin.
B. Công dụng và liều dùng
Nước sắc hoặc rượu ngâm với liều 6 – 9g rễ; vỏ thân lài trâu được dùng chữa cao huyết áp, sốt rét rừng, giun, tiêu chảy, đau bụng, ngộ độc, kiết lỵ, đau tại chỗ, đau mắt, đau răng.
Lá và hoa chữa ho và cao huyết áp.
Nhựa cây để tẩy giun và tẩm tên độc.
C. Các lưu ý khi sử dụng bài thuốc từ Lài trâu
1. Dược tính
Lài trâu có nhiều nhựa và phần nhựa này có tác dụng làm giảm sưng tấy (và vì có độc nên cũng được dùng để tẩm tên độc).
Lá cây có tác dụng làm mát, giải độc chó dại cắn và điều trị bệnh ngoài da (ghẻ lở, nhọt).
Rễ, lá và gỗ cây lài tây có tính mát, có thể làm tan uất kết, giúp giảm đau, hạ huyết áp và tiêu thũng.
Vỏ, rễ và nhựa của cây có tác dụng điều trị đau răng, đau mắt, tẩy giun.
Rễ cây còn được dùng để bó gãy xương.
Cao ethanol từ vỏ rễ và vỏ thân có tác dụng kháng khuẩn, diệt côn trùng.
2. Độc tính
Các bộ phận của cây lài trâu đều có độc. Qua các thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số hoạt tính sau đây:
- Cao chiết khô từ rễ, hạt và vỏ cây lài trâu đều gây ức chế hoạt động của tủy xương và làm giảm bạch cầu (trên cơ thể động vật thí nghiệm).
- Cao ethanol chiết xuất từ hoa, lá, rễ và thân cây lài trâu đều có thể gây ức chế hô hấp, có tác dụng an thần nhưng nếu dùng quá liều thì có thể gây ảo giác.
- Các chiết xuất từ cây khi dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch thì thấy có tác dụng làm chậm nhịp tim ở loài chuột lang.
- Dịch chiết của cây khi dùng quá liều có thể gây liệt hô hấp và gây chết ở động vật thí nghiệm.
Lưu ý: Mặc dù có tác dụng dược học nhưng vì những độc tính trên, hiện nay lài trâu chỉ được sử dụng trồng làm cảnh là chủ yếu.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cây Lài trâu cũng như một số công dụng hay và độc tính về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.