Trí nhớ ngắn hạn là một trong những chức năng điều hành của não. Nó giúp chúng ta nhớ và sử dụng thông tin mới mà không ảnh hưởng tới việc chúng ta đang làm. Cải thiện trí nhớ ngắn hạn của trẻ rất cần thiết để trẻ có thể học tốt ở trường.
Ví dụ, với câu hỏi tìm kết quả phép tính 21 cộng 13 trừ 6, trí nhớ ngắn hạn sẽ giúp trẻ ghi nhớ và mường tượng các con số trong đầu. Nó còn giúp trẻ nhớ được tổng của của 21 và 13, từ đó trừ 6 để ra kết quả. Trẻ có thể sẽ quên sạch những con số này ngay vào tiết học tiếp theo, hoặc thậm chí chỉ sau 10 phút. Chẳng sao cả, bởi trí nhớ ngắn hạn đã làm xong công việc ngắn hạn của nó và giúp trẻ giải quyết được việc trước mắt.
Trí nhớ ngắn hạn hoạt động thế nào?
Trí nhớ ngắn hạn như một tờ giấy nhớ tạm thời trong não. Nó giữ thông tin mới để não xử lý nhanh và có thể kết nối với những thông tin khác nữa. (Khả năng tập trung đóng vai trò rất lớn trong quá trình này). Ví dụ, trong giờ toán, trí nhớ ngắn hạn giúp trẻ “nhìn thấy” trong đầu mình những con số mà giáo viên đang nhắc đến.
Trí nhớ ngắn hạn không chỉ được tận dụng cho những việc ngắn hạn, mà còn giúp não sắp xếp lại thông tin mới để ghi nhớ lâu dài.
Sẽ thế nào nếu trí nhớ ngắn hạn của trẻ không tốt?
Trí nhớ ngắn hạn kém khiến trẻ khó sử dụng thông tin, nhất là khi đi học. Ví dụ, ở môn Toán, trẻ có thể nhớ con số mà giáo viên đọc: cộng 21 và 13. Tuy nhiên, trẻ không nhớ phải làm gì với chúng. Rồi có khi, trẻ cũng không nhớ được tổng số là 34 để mà từ đó trừ đi 6..
Ngoài ra, trẻ cũng khó làm theo các hướng dẫn. Ví dụ, giáo viên yêu cầu bỏ giày ở ngoài nhưng treo áo khoác lên trước đã. Trẻ có thể sẽ chỉ nhớ làm một việc hoặc quên thứ tự hành động phải làm.
Trẻ cũng thấy những thông tin mà mình đã nhớ thật mơ hồ, khó hiểu. Đó là bởi ngay từ đầu, não không “đóng gói” thông tin đúng cách. Vì thế, trẻ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng thông tin sau này.
Nên làm gì để giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn ở trẻ
Nếu bố mẹ cảm thấy con có vấn đề với trí nhớ ngắn hạn, hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Đôi khi, việc nắm bắt thông tin kém không phải do trí nhớ ngắn hạn mà do khả năng tập trung kém.
Còn nếu trí nhớ ngắn hạn của trẻ thực sự có vấn đề, thì có một vài cách để bố mẹ giúp con.
Bố mẹ cần tìm hiểu xem con có bị vấn đề khác như tăng động giảm chú ý không. Nếu có, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Các loại thuốc dành điều trị tăng động giảm chú ý cũng sẽ giúp trẻ cải thiện trí nhớ ngắn hạn. Bố mẹ cũng nên thảo luận với giáo viên để có những biện pháp phù hợp với trẻ. Ví dụ, viết tóm tắt những thông tin khó nhớ ra giấy cho trẻ, hoặc chia một việc ra thành nhiều bước nhỏ.
Vậy bố mẹ hãy lưu tâm đến trí nhớ ngắn hạn của con và những khó khăn mà con có thể gặp phải, để giúp con tiến bộ nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily