Trẻ không thể “muốn gì được nấy”, nên có những khi, bố mẹ phải từ chối những yêu cầu của trẻ. Việc này với bố mẹ cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng trẻ cũng cần học cách chấp nhận việc bị chối từ, vì đó là một kỹ năng xã hội và cảm xúc quan trọng. Từ đó, trẻ cũng tập điều chỉnh bản thân và vượt qua nỗi thất vọng của mình. Việc bố mẹ từ chối còn cho trẻ thấy cách thể hiện thái độ kiên quyết trong những hoàn cảnh phù hợp.
Điều bố mẹ cần làm khi phải từ chối những yêu cầu của trẻ
Để lời từ chối có hiệu quả mà không khiến trẻ cảm thấy quá hụt hẫng, bố mẹ nên:
- Nêu lý do trước: Nếu bố mẹ quyết định từ chối, hãy nói rõ lý do. Như vậy, trẻ sẽ hiểu được quyết định của bố mẹ. Bởi nếu trẻ phải nghe lời từ chối rồi và cảm thấy thất vọng, thì trẻ có thể sẽ không muốn nghe hoặc chấp nhận lý do mà bố mẹ sẽ nêu ra sau đó.
- Kiên định với quyết định của mình: Nếu bố mẹ dễ dàng đổi ý, trẻ sẽ nghĩ rằng lời từ chối cũng chưa phải là quyết định cuối cùng. Do đó, trẻ sẽ muốn kèo nhèo hoặc tranh cãi. Đặc biệt, nếu bố mẹ nhượng bộ khi trẻ mè nheo, trẻ sẽ biết sử dụng “chiêu” này vào các lần tiếp theo.
- Cho trẻ một phương án thay thế, nếu có thể: Ví dụ: “Bố mẹ không thể mua món đồ chơi này cho con được vì nó đắt quá. Mình về nhà, xong bố mẹ sẽ làm cho con món bánh cam con thích nhé!”.
- Nhận xét tích cực về trẻ: Nếu trẻ chấp nhận lời từ chối của bố mẹ, bố mẹ hãy khen ngợi con thật nhiều. Ví dụ: “Bố mẹ rất vui vì con nói “Vâng ạ”, dù chúng ta không mua món đồ chơi đó”.
Làm thế nào để ít phải từ chối trẻ?
Một trong những cách tốt nhất để trẻ chấp nhận lời từ chối là bố mẹ hãy hạn chế từ chối. Khi bố mẹ chỉ nói “không” với những vấn đề thật sự quan trọng, thì trẻ biết rằng lời từ chối là một chuyện nghiêm túc.
Để giảm số lần phải nói “không” với trẻ, bố mẹ nên:
- Đặt những quy tắc cơ bản. Ví dụ, trước khi cho trẻ đi siêu thị, bố mẹ nên giải thích lý do tại sao mình lại tới nơi đó. Đồng thời, bố mẹ hãy dặn trẻ về cách cư xử cũng như một số nguyên tắc về việc không đòi mua đồ. Chẳng hạn, bố mẹ có thể nói: “Khi nào đi siêu thị về thì mẹ con mình sẽ ăn kem nhé!”. Bằng cách này, bố mẹ có thể hạn chế được số lần phải từ chối trẻ.
- Đồng ý nếu mong muốn của trẻ là hợp lý. Ví dụ: “Mẹ đồng ý là con có thể mời bạn Hiền tới chơi, nếu bố mẹ bạn ấy cũng cho phép nhé!”.
- Hãy “thương lượng” để có giải pháp khác thay vì từ chối thẳng thừng, nhưng chỉ khi trẻ có thái độ hợp tác. Ví dụ: “Hôm nay nhà mình không đi công viên được, nhưng ngày mai thì chúng ta có thể đi, con thấy thế nào?”.
Hi vọng rằng qua bài viết này, bố mẹ sẽ tìm ra được cách nói lời từ chối trước những yêu cầu của trẻ, mà không làm trẻ tổn thương nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily