Phenylalanine là gì?
Phenylalanin là một α-amino axit với công thức hóa học C₆H₅CH₂CHCOOH. Chúng là một axit amin thiết yếu không phân cực do nhánh benzyl có tính kị nước. Phân tử này tồn tại ở hai dạng hoặc sắp xếp: L-phenylalanine và D-phenylalanine. Chúng gần giống nhau nhưng có cấu trúc phân tử hơi khác nhau một chút.
Dạng L được tìm thấy trong thực phẩm và được sử dụng để sản xuất protein trong cơ thể bạn, trong khi dạng D có thể được tổng hợp để sử dụng trong một số ứng dụng y tế.
L-Phenylalanin là một axit amin trung hòa về điện, là một trong 20 axit amin sinh protein được mã hóa bởi ADN. Cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất loại axit amin này nên chúng được coi là một axit amin thiết yếu mà chỉ có thể bổ sung thông qua chế độ ăn uống
Phenylalanine được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm – cả từ nguồn thực vật và động vật. Ngoài vai trò sản xuất protein, chúng còn được sử dụng để tạo ra các phân tử quan trọng khác cơ thể như chất dẫn truyền thần kinh.
Chúng đã được nghiên cứu và sử dụng để điều trị một số tình trạng bao gồm rối loạn da, trầm cảm…. Tuy nhiên cũng có thể gây nguy hiểm cho những người mắc chứng rối loạn di truyền phenylketon niệu (PKU).
Vai trò và lợi ích đối với sức khỏe.
1. Vai trò quan trọng đối với các hoạt động bình thường của cơ thể.
Cơ thể chúng ta cần phenylalanine và các axit amin khác để tạo ra protein. Nhiều protein quan trọng được tìm thấy trong não, máu, cơ bắp, các cơ quan nội tạng… Hơn nữa, phenylalanine rất quan trọng cho việc sản xuất các phân tử khác, bao gồm:
- Tyrosine: Axit amin này được sản xuất trực tiếp từ phenylalanine. Tyrosine có thể được sử dụng để tạo ra protein mới hoặc chuyển đổi thành các phân tử quan trọng khác.
- Epinephrine và norepinephrine: chúng có tác động ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể và kích thích hệ thống thần kinh trung ương.
- Dopamine: nhiều người gọi dopamine là “hormone hạnh phúc” bởi chúng có nhiều tác dụng tốt đối với tinh thần và thể chất của con người.
Vì phenylalanine được sử dụng để tạo ra các phân tử này trong cơ thể, chúng đã được nghiên cứu như là một phương pháp điều trị tiềm năng cho một số tình trạng sức khỏe, bao gồm trầm cảm.
2. Hỗ trợ điều trị một số tình trạng bệnh.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phenylalanine có hiệu quả trong điều trị bệnh bạch biến, một chứng rối loạn da gây mất màu da và làm mờ vết nám. Các nghiên cứu khác đã báo cáo rằng chúng có thể cải thiện sắc tố da ở những người mắc bệnh này.
Phenylalanine còn được sử dụng để sản xuất phân tử dopamine. Rối loạn dopamine trong não có liên quan đến một số dạng trầm cảm. Một nghiên cứu nhỏ gồm 12 người cho thấy, hỗn hợp các dạng D và L của axit amin này có hiệu quả trong điều trị trầm cảm với kết quả 2/3 số bệnh nhân cho thấy sự cải thiện tâm trạng rõ rệt. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học có kết quả hỗn hợp. Cần thêm nhiều nghiên cứu về lợi ích sức khỏe này.
Ngoài bệnh bạch biến và trầm cảm, phenylalanine được cho là có tác dụng tiềm năng đối với các tình trạng sau:
- Các cơn đau: Dạng D của phenylalanine có khả năng góp phần làm giảm đau trong một số trường hợp, mặc dù kết quả nghiên cứu là hỗn hợp.
- Bỏ rượu: Một lượng nhỏ nghiên cứu chỉ ra rằng phenylalanine cùng với các axit amin khác, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu của việc cai rượu.
- Bệnh Parkinson: Bằng chứng rất hạn chế cho thấy loại axit amin này có lợi trong điều trị bệnh Parkinson. Cần nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này.
Thực phẩm giàu Phenylalanine.
Nhiều loại thực phẩm có chứa phenylalanine, bao gồm cả các sản phẩm có nguồn gốc từ cả thực vật và động vật. Các sản phẩm đậu nành là một trong những nguồn thực vật tốt nhất của axit amin này, cũng như một số loại hạt như hạt bí ngô và hạt bí.
Bổ sung protein đậu nành có thể cung cấp khoảng 2,5 gram phenylalanine cho mỗi khẩu phần 200 calo.
Đối với các sản phẩm động vật, trứng, hải sản và một số loại thịt là nguồn tốt, cung cấp tới 2 gram – 3 gram mỗi khẩu phần 200 calo.
Ăn nhiều loại thực phẩm giàu protein giúp cung cấp đầy đủ lượng phenylalanine cùng với các axit amin thiết yếu khác.
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/nutrition/phenylalanine#food-sources