Theo Đông Y học, Mã đề tác dụng phế nhiệt, đàm nhiệt, ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện đau rít ra máu hoặc ra sỏi, phù thũng, mắt đau nhặm sưng đỏ. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Mã đề, Xa tiền, Bông mã đề
- Tên khoa học: Plantago major L.
- Họ: Mã đề (Plantaginaceae).
2. Đặc điểm dược liệu
- Cây thuộc thảo, sống dai, thân rất ngắn. Lá mọc ở gốc thành hoa thị, có cuống dài và rộng. phiến lá nguyên hình trứng dài 12 cm rộng 8cm, có 5-7 gân chính hình cung chạy dọc theo phiến rồi đồng quy ở gốc và ngọn phiến lá. Hoa mọc thành bông có cán dài, hướng thẳng đứng. Hoa đều luỡng tính, 4 lá đài xếp chéo hơi dính nhau ở gốc. Tràng màu nâu, khô xác, tồn tại, 4 thùy xen kẽ với các lá đài. Bốn nhị thò ra ngoài, chỉ nhị mảnh dài gấp tràng 2 lần. Bầu trên, 2 ô. Quả hộp, có 8-13 hạt.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Trên thế giới, mã đề phân bố ở tất cả các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới của các châu lục. Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia, Ấn Độ và một số tỉnh phía nam Trung Quốc… là những nơi có nhiều mã đề trong các quần thể mọc hoang cũng như trồng trọt, ở Việt Nam, mã đề mọc hoang dại ở vùng núi. Độ cao phân bố có thể hơn 1600 m (ở Đồng Văn và Mèo Vạc – Hà Giang). Cây còn gặp ở một số đảo lớn như Hòn Mê (Thanh Hóa); Cát Bà (Hải Phòng); Cô Tô (Quảng Ninh)…
Bộ phận dùng
- Toàn cây
Thu hoạch và sơ chế
- Nếu lấy lá thì thu hoạch từ tháng 5-7, nếu lấy hạt thì từ tháng 6-8, cắt những bông thật già phơi khô, vò sát trên sàng rồi sẩy sạch, sau đó tiếp tục phơi khô cho đến khi độ ẩm còn 10%.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Thành phần hóa học chính của toàn cây là chất nhầy, hàm lượng trong lá có thể đến 20%, trong hạt có thể đến 40%. Dược diển Việt Nam quy định hạt mã đề phải có chỉ số nở ít nhất là 5 .
B. Tác dụng dược lý
- Lợi tiểu, làm tăng lượng nước tiểu, urê, acid uric và muối trong nước tiểu (nước sắc).
- Trừ đờm, chữa ho (nước sắc).
- Làm tăng tiết niêm dịch phế quản và ống tiêu hóa, ức chế trung khu hô hấp, làm thở sâu và chậm (hoạt chất plantagin).
- Kháng khuẩn đối vói một số chủng vi khuẩn gây bệnh ở da (nước sắc).
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Tính mát, vị ngọt
Quy Kinh
- Thận, Can và bàng quang
Công Năng
- Lá: Thanh nhiệt, lợi tiểu, khử đàm, lương huyết, lợi phế, tiêu thũng, thông lâm.
- Hạt: Lợi thủy, thông lâm, thanh nhiệt, làm sáng mắt.
Công Dụng
- Lá: Phế nhiệt, đàm nhiệt, ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện đau rít ra máu hoặc ra sỏi, phù thũng, mắt đau nhặm sưng đỏ (sung huyết), thử thấp ỉa chảy, nôn ra máu, chảy máu cam, sang độc.
- Hạt: Tiểu tiện bế tắc, ỉa chảy, kiết lỵ do thử thấp, đau mắt đỏ có màng sưng.
Kiêng Kỵ
- Lá: Phụ nữ có thai dùng phải thận trọng. Người già thận kém, đái đêm nhiều không nên dùng. Người có chứng tiểu nhiều, người thận hư, không có thấp nhiệt, dương khí hạ giáng không nên dùng.
- Hạt: Không phải thấp nhiệt dùng thận trọng.
- Ngoài ra, canh mã đề nấu với tôm, thịt, có tác dụng giải nhiệt, tiểu tiện dễ dàng. Chú ý, khi ăn uống vị mã đề cần kiêng kị những chất kích thích đưa vào cơ thể gây nóng như rượu, cà phê, gia vị…
Liều dụng:
- Ngày dùng 10-20g lá hoặc 6-12g hạt dưới dạng thuốc sắc. Lá tươi giã nhỏ đắp lên mụn nhọt, toàn cây nấu thành cao đặc chữa bỏng.
Bài thuốc sử dụng
1. Bài thuốc lợi tiểu:
hạt Mã đề 10 g, Cam thảo 2g, nước 600ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
2. Chữa ho tiêu đờm:
Mã đề 10g, Cam thảo 2g, Cát cánh 2g, nước 400ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
3. Chữa sỏi đường tiết niệu:
Mã đề 20 g, Kim tiền thảo 30 g, rễ cỏ Tranh 20 g. Ba thứ trên sắc uống ngày một thang hoặc hãm chè uống nhiều lần trong ngày.
4. Chữa sốt xuất huyết:
Mã đề tươi 50 g, củ sắn dây 30 g. Hai thứ trên rửa sạch đun trong 1 lít nước, sắc kỹ còn một nửa, chia làm 2 lần uống lúc đói trong ngày. Có thể cho thêm đường, uống liền trong 3 ngày.
5. Chữa viêm gan siêu vi trùng:
Mã đề 20 g, Nhân trần 40 g, Chi tử 20g, lá Mơ 20 g. Tất cả thái nhỏ sấy khô, hãm như chè để uống, ngày uống 100-150 ml.
6. Chữa viêm cầu thận cấp tính:
26 g mã đề kết hợp vớ 20 g thạch cao làm thuốc, 6 g quế chi, 12 g bạch truật, 6 g cam thảo, 12 g ma hoàng, 6 g gừng, 8 g mộc thông, 12 g đại táo. Sắc thuốc uống.
7. Điều trị viêm cầu thận mãn tính:
16 g mã đề, 12 g rễ cỏ tranh, 8 g trư linh, 12 g hoàng bá, 8 g hoạt thạch, 12 g hoàng liên, 12 g phục linh. Sắc uống. Mỗi ngày 1 thang.
8. Chữa chứng viêm đường tiết niệu cấp:
Dùng 20 g mã đề, 30 g ích mẫu, 15 g bồ công anh, 30 g rễ cỏ tranh, 15 g chi tử, 6 g cam thảo cùng với cỏ nhọ nồi và kim tiền thảo mỗi vị 20 gram. Mỗi ngày 1 thang. Sắc uống liên tục trong 10 ngày.
9. Chữa sỏi bàng quang:
30 g mã đề, 30 g kim tiền thảo và 30 g diếp cá. Sắc thuốc, chia uống 2 lần/ ngày. Dùng liên tục 5 ngày
10. Chữa đi tiểu ra máu:
Dùng một lượng lá mã đề và ích mẫu bằng nhau (12 g), rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt uống.
11. Điều trị sỏi đường tiết niệu:
Rễ cỏ tranh, mã đề, mỗi vị 20 g kết hợp với kim tiền thảo 30 g. Sắc thuốc và uống nhiều lần trong ngày.
12. Lợi tiểu, chữa khó tiểu:
Dùng 10 gram hạt mã đề cùng với 2 g cam thảo, sắc với 600 ml nước. Khi thuốc cạn còn 200 ml, chia thành 3 uống trong ngày.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam