Mận hay gọi là mận Bắc là một cây ăn quả thuộc họ nhà Hoa hồng. Ngoài là cây ăn quả, cây còn được xem là một dược liệu. Giúp lợi tiểu, nhuận tràng,… Cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Lý tử, Mác măn (Tày)
Tên khoa học: Prunus salicina Lindl. var. salicina
Họ: Rosaceae (Hoa hồng)
Đặc điểm cây
Cây nhỏ, cành nhẵn, màu nâu đỏ.
- Lá mọc so le, hình mũi mác, dài 6 – 8cm, rộng 2 – 3cm, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn, mép có răng cưa nhỏ, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân và gân nổi rõ; cuống lá nhẵn hoặc hơi có lông, đồi khi có hai tuyến nhỏ ở phần dưới; lá kèm rất mảnh, sớm rụng.
- Hoa màu trắng, tụ họp 3 – 5 cái ở kẽ lá; đài nhẵn, 5 răng hình mũi mác; tràng 5 cánh hình trứng nhẵn; nhị 25 – 30, xếp thành 2 vòng, các nhị ở ngoài dài bằng cánh hoa, các -nhị ở trong ngắn hơn, chỉ nhị mảnh và hơi phình ở gốc; bầu thượng, lô.
- Quả hạch, hình cầu, nhẵn bóng, màu tím đỏ thẫm hoặc vàng lục, có một rãnh bên; hạt cứng.
- Mùa hoa: tháng 3-4; mùa quả: tháng 7-8.
Nhiều giống mận ngon như mận Hậu, mận Tam Hoa, mận Lạng Sơn, mận Vân Nam, mận Đà Lạt,… cũng được dùng.
Phân bố, đặc điểm sinh thái
Chi Prunus L. có khoảng 200 loài, phân bố ở vùng ấm Bắc bán cầu. Việt Nam có 9 loài, trong đó mận là loại cây trồng.
Ở Việt Nam, mận là cây ăn quả được trồng từ lâu đời tại các tỉnh miền núi phía bắc, sau đến các tỉnh vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Từ tỉnh Quảng Nam trở vào, hầu như không thấy trồng.
Mận là cây rụng lá về mùa đông, chịu dược sương mù và băng giá. Cây ra hoa vào trước hay sau tết âm lịch. Hoa nở trước khi ra lá; thụ phấn nhờ côn trùng. Thời gian có quả trên cây kéo dài 4-6 tháng tuỳ theo từng loại mận. Cây có khả năng mọc chồi từ gốc hay rễ. Loại chồi rễ thường được dùng làm cây giống để bảo đảm sự nguyên chủng.
Bộ phận dùng
Hạt, lấy ở quả chín, phơi hoặc sấy khô. Còn dùng các bộ phận khác như rễ, lá, quả.
Thành phần hoá học, tính vị
Thành phần hoá học
Chứa 82% nước; 3,9% gluxit; 1,3g axit hữu cơ; 28mg canxi; 20mg% phosphor; 0,3mg caroten… đều là dưỡng chất cần thiết có lợi cho sức khỏe.
Nhân hạt mận chứa amygdalin.
Tác dụng dược lý
Chất amygdalin qua đường tiêu hoá bị acid chlohydric hoặc men amygdalinase phân hủy thành acid cyanhydric có tác dụng ức chế men cytochrome oxydase; do đó, dùng nhân hạt mận quá liều sẽ gây rối loạn về hô hấp.
Theo tài liệu nước ngoài, lớp vỏ trắng của rễ cây mận có tác dụng hạ sốt, giải khát.
Tính vị, công năng
- Quả mận có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng thanh can, điều nhiệt, sinh tân, lợi thủy.
- Nhân hạt mận có vị đắng, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, lợi thủy, nhuận tràng.
- Rễ có vị đắng, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
- Vỏ có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí.
- Hoa có vị đắng, mùi thơm.
- Lá có vị chua, ngọt, tính bình.
Công dụng và những bài thuốc về Mận
Công dụng
Mận là một loại quả ngon, được ăn với muối để kích thích tiêu hoá, giải khát. Ngoài ra, còn chữa đau nhức khớp xương.
Ở Trung Quốc, quả mận được dùng chữa hư lao cót chưng (triệu chứng bệnh lao), đái đường. Chú ý không được ăn nhiều, gây nóng âm ỉ trong bụng. Nhân hạt chữa ho có đờm, vết thương sưng đau, bụng đầy nước.
- Rễ chữa bệnh phụ khoa, khí hư, bạch đới, kiết lỵ, đau răng; trẻ em sốt cao.
- Hoa chữa tàn nhang, rám đen, làm cho da trắng ra.
- Lá chữa sốt cao, co giật ở trẻ em.
Sách cổ phương có ghi ăn nhiều mận quá sinh nóng bụng, hại răng, sinh đờm, mỗi lần dùng 50-60g. Nếu quả có vị đắng chát hoặc nổi trên mặt nước thì không nên dùng.
Bài thuốc có Mận
1. Chữa sốt cao đột ngột ở trẻ em
Rễ mận, quế tâm, mang tiêu, mỗi vị 9g; cam thảo, mạch môn, mỗi vị 3g. sắc với 600ml còn 200ml, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
2. Điều trị nhức răng, bạch đới (khí hư)
Liều dùng thông thường là từ 20 – 30 g rễ cây, sắc lấy nước uống
3. Chữa chứng khô miệng
Mận tươi 5-10 quả ép nước cho thêm ít đường, uống ít một.
4. Chữa bệnh lỵ
Lấy vỏ thân cây một nắm khoảng 30-50g sắc uống.
5. Chữa táo bón
Nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g, sắc uống ngày 3 lần.
6. Chữa đái tháo đường
Quả tươi bỏ hạt ép nước uống ngày vài lần, mỗi lần 2-3 thìa.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam