Trong những loại cây ăn quả có công dụng chữa bệnh không thể không nhắt đến Măng Cụt. Cây có tên gọi khác là Sơn Trúc Tử. Có công dụng chữa lỵ, tiêu chảy, khí hư,… Cùng Medplus tìm hiểu sâu hơn về măng cụt nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Măng cụt, Sơn trúc tử
Tên khoa học: Garcinia mangostana L.
Họ: Clusiaceae (Bứa)
Đặc điểm cây
Măng cụt là một loại cây to, có thể cao tới 20m. Lá dày, dai, màu lục sẫm, hình thuôn dài 15-20cm, rộng 7-10cm.
Đặc điểm của cây này là người ta mới chỉ thấy cây cái. Người ta cho rằng trong số những nhị lép (staminode) bao quanh bầu có thể có bao phấn chứa phấn hoa.
Quả hình cầu, to bằng quả cam trung bình, vỏ ngoài màu đỏ sẫm, dầy cứng, phía dưới có lá đài, phía đỉnh có đầu nhụy. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt, quanh hạt có áo hạt ăn được.
Nơi sống, thu hái và chế biến
- Người ta cho rằng cây măng cụt nguồn gốc ở các đảo LaSôngđơ và Môluyc (Malayxia, Indonexya) sau được các nhà truyền giáo đạo gia tô di thực vào miền Nam Việt Nam. Hiện nay được trồng rộng rãi ở Nam Bộ. Còn thấy ở Philipin, Inđônêxya, Malaixia.
- Người ta trồng chủ yếu để lấy áo hạt ăn; vỏ quả phơi khô dùng chữa đi tiêu chảy hay đi lỵ.
Thành phần hoá học
- Vỏ quả chứa: Mangostin: Chất làm lên vị đắng của vỏ, Tanin 7 – 13%, Nhựa, Xanthones
- Vỏ thân: Vỏ thân cây măng cụt chứa thành phần chủ yếu là tanin.
- Thịt quả (hàm lượng dinh dưỡng): Năng lượng, Cacbonhydrat, chất xơ, chất béo, Photpho, Kali, Sắt, Mangan, Vitamin nhóm B, C, Natri cùng nhiều loại khoáng tố khác
- Lá măng cụt: Xanthones, tri – hydroxy methoxy
Công dụng và những bài thuốc
Công dụng
Tại nhiều nước Malaixia, Campuchia, Philipin, người ta dùng nước sắc vỏ măng cụt để làm thuốc chữa đau bụng tiêu chảy, chữa lỵ, có khi còn dùng chữa bệnh hoàng đản (vàng da).Cách dùng như sau:
- Cho chừng 10 vỏ quả măng cụt vào một nồi đất hay nồi đồng (tránh nồi sắt hay nồi tôn) thêm nước vào cho ngập rồi đun sôi kỹ trong vòng 15 phút. Ngày uống 3 đến 4 chén to nước này.
- Có thể dùng theo đơn sau đây: vỏ quả măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thìa là 5g, nước 1200ml. Đun sôi, sắc kỹ cho cạn còn chừng một nửa (600ml). Mỗi lần uống 120ml. Uống mỗi ngày 2 lần. Nếu đau bụng có thể thêm ít thuốc phiện. Trong trường hợp này không dùng cho trẻ con được.
Những bài thuốc về Măng Cụt
1. Chữa tiêu chảy
- Bài thuốc 1: Lấy 10 cái vỏ quả măng cụt, bẻ nhỏ, cho vào nồi đất, thêm 500ml nước vào, dùng tàu lá chuối đậy kín bên trên. Đem đun thuốc cho sôi rồi vặn nhỏ lửa cho đến khi nước chuyển sang màu đỏ sẫm của dược liệu. Mỗi ngày uống 3 – 4 chén cho đến khi cầm tiêu chảy.
- Bài thuốc 2: Lấy 24g vỏ quả khô đem sắc cùng 24g hạt thì là. Nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày để chữa tiêu chảy.
2. Chữa lỵ
- Bài thuốc 1: Kết hợp 6g vỏ quả măng cụt với 8g cây mã xỉ hiện (rau sam), 8g rau má, 8g bạch hoa thảo, 8g cỏ sữa, 6g trà xanh, 4g quốc lão (cam thảo), 4g vỏ quýt, 3 lát gừng tươi. Nấu nước gạn uống vài lần trong ngày.
- Bài thuốc 2: Dùng 8g vỏ quả măng cụt ( nướng thơm), 10g tích tuyết thảo, 8g rau dền tía, 8g dã hòe, 8g gương sen, 8g củ rối (sao đen), 4g quốc lão, 8g vỏ lựu, 6g hạt cau già và 4g trần bì ( nướng ). Sắc thuốc uống ngày 1 thang.
3. Trị mụn trứng cá
- Nạo phần bên trong của vỏ quả măng cụt, phơi khô, tán bột mịn. Để sử dụng, trộn lượng bột thuốc vừa đủ chung với dầu ô liu tạo thành hỗn hợp đặc sệt.
- Thoa một lớp mỏng lên khu vực bị mụn 30 phút. Lặp lại mỗi tuần 3 lần để nốt mụn nhanh xẹp.
4. Giảm cân, chữa béo phì
Thái nhỏ vỏ quả măng cụt, đem phơi khô. Hàng ngày lấy 1 nắm nhỏ cho vào ấm hãm với nước sôi. Ủ khoảng 15 phút cho các hoạt chất trong dược liệu tiết hết ra nước. Gạn uống nhiều lần cho hết.
5.Trị nóng trong, giải nhiệt cho cơ thể
Ép măng cụt lấy nước. Thêm vào 1 thìa nước cốt chanh và đường, quậy đều lên rồi thưởng thức. Có thể thêm đá hoặc cho vào tủ lạnh để làm mát trước khi uống.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam