Theo Đông y, Mè Đen có Vị ngọt, béo, tính bình và không có độc. Công năng: Tư bổ can thận, ích tinh huyết, nhuận tràng, thông sữa. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản

1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Hạt vừng đen, Mè Đen, Vừng Đen,…
- Tên khoa học: Sesamum indicum L.
- Họ: họ Vừng (Pedaliaceae).
2. Mô tả Cây
- Cây thảo có lông mềm, cao 60-100cm. Lá mọc đối, đơn, nguyên, có cuống, hình bầu dục, thon hẹp ở hai đầu. Hoa trắng, mọc đơn độc ở nách, có cuống ngắn. Quả nang kép dài, có lông mềm, có 4 ô mở từ gốc lên. Hạt nhiều, thuôn, vàng nâu hay đen, hơi bị ép dẹp, hầu như nhẵn, có nội nhũ. Hoa tháng 5-9, quả tháng 7-9.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Vừng là cây trồng từ cổ xưa ở vùng nhiệt đới châu Á. Tại các tỉnh phía nam Trung Quốc (cả đảo Hải Nam), Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào và Viêt Nam…
Thu hoạch
- Thu hái cây vào tháng 6-8.
Bộ phận dùng
- Hạt già phơi khô của cây
Chế biến
- Cắt toàn cây, phơi khô, đập lấy hạt rồi lại phơi khô. Khi dùng, đồ thật kỹ, phơi khô sao vàng. Ngoài ra còn ép lấy dầu vừng.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Hạt vừng chứa 40-55% dầu béo màu vàng, 5-8% nước, 20-22% protein, 5% tro (trong đó có 1,7 mg đồng) 1% calci oxalat, 6,3-8,8% chất không có nitơ có các chất: sesamin, sesamolin, sesamol, pedaliin planteose, sesamose. Dầu Vừng chứa khoảng 12-16% acid đặc và 75-80% acid loãng, 0,9-1,7% phần không xà phòng hóa; khoảng 1% lexitin. Trong dầu có chất sesamin với tỷ lệ chừng 0,25-1% và chất sesamol là một phenol, chừng 0,1%.
B. Tác dụng dược lý
- Dầu Mè bôi lên niêm mạc có tác dụng làm giảm kích thích, chống viêm.
- Có tác dụng giảm lượng cholesterol máu, phòng trị xơ cứng động mạch.
- Dầu mè đen có tác dụng nhuận trường.
- Là thức ăn nhiều chất dinh dưỡng đối với cơ thể.
- Hoạt chất sesamin trọng dầu vừng có tác dụng chống tăng huyết áp trong mô hình gây tăng huyết áp do bọc ép thận và chống sợ giãn nở to của tim.
- Mè có tác dụng giảm cholesterol trong máu và phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch.
- Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể và có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón,…
- Tác dụng hạ huyết áp: Các nghiên cứu cho thấy, hàm lượng vitamin E, magie và chất chống oxy hóa trong vừng có tác dụng làm sạch mạch máu và duy trì huyết áp ở mức ổn định.
- Tác dụng bảo vệ sức khỏe xương khớp: Hàm lượng canxi, kẽm, mangan và magie trong mè có tác dụng nuôi dưỡng xương khớp.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Theo Đông y, Mè Đen có Vị ngọt, béo, tính bình và không có độc.
- Quy Kinh: Thận và Can.
Công Dụng
- Công năng: Tư bổ can thận, ích tinh huyết, nhuận tràng, thông sữa.
- Công dụng: Chữa can thận yếu, váng đầu hoa mắt, tê bại chân tay, đại tiện táo kết, sữa xuống không đều.
Lưu Ý
- Kiêng kỵ: Âm hư, thiếu máu hoặc vị có hoả uất không dùng.
Liều dùng
- Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc, hoàn, tán.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa đạm niệu:
- dùng 500g Mè đen, Hạch đào nhân 500g, tán bột mịn, mỗi lần uống 20g với nước ấm và ăn 7 quả táo, ngày 3 lần, uống hết thuốc là 1 liệu trình.
2. Chữa cao huyết áp, xơ cứng động mạch, suy nhược thần kinh:
- Có triệu chứng can thận âm hư như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, huyết hư, chân tay tê dại, âm hư hiếp thống, tiện táo
- Dùng bài: Tang chi ma: Tang diệp 1 cân ( tán bột mịn), Mè đen 4 lạng (chưng chín giã nát), dùng nước làm hoàn, mỗi lần uống 6 – 12g.
3. Chữa táo bón do khí hư:
- Mè đen sao tán bột 1 – 2 muỗng canh, trứng gà 1 quả, trộn đều, đỏ nước sôi thành hồ, thêm ít đường mật trộn vào uống. Trị chứng thận hư.
4. Chữa chứng táo bón và khó khăn khi đại tiện
- 4.1: Hà thủ ô đỏ, long nhãn, bá tử nhân, kỷ tử, quả dâu tằm mỗi vị 100g, 1 ít mật ong và vừng đen 200g. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó luyện với mật ong làm thành viên. Ngày dùng từ 10-20 viên hoặc có thể sắc thuốc uống.
- 4.2. Bá tử nhân, đại táo, xuyên khung, vừng đen và bá tử nhân mỗi vị 8, bạch thược và thục địa mỗi vị 12g. Đem các dược liệu cho vào ấm và sắc uống ngày 1 thang.
5. Chữa cao huyết áp:
- Mè đen, Hà thủ ô, Ngưu tất lượng bằng nhau, tán nhỏ, dùng mật viên, ngày uống 10g x 3 lần.
6. Chữa trẻ con Xích bạch lỵ:
- Dầu mè 5 – 10g tùy theo tuổi, hòa với mật ong uống.
7. Giúp đẹp da và ngăn ngừa tóc rụng, bạc:
- Vừng đen 500g. Đem phơi khô, sao cho chín, tác thành bột mịn và bảo quản trong lọ. Mỗi lần dùng 1-2 thìa cho vào bát, thêm đường phèn và đổ nước sôi vào khuấy thành chè.
8. Chữa đầy chướng bụng và ăn không tiêu:
- Một ít vừng đen. Giã nát và đem nấu với cháo, thêm 1 vỏ quýt khô (trần bì). Khi ăn, nêm nếm cho vừa miệng, dùng 2-3 lần là khỏi.
9. Chữa viêm mũi mãn tính:
- Một ít dầu vừng. Đem dầu vừng đun sôi nhẹ trong vòng 10-15 phút. Sau đó để nguội và đổ dầu vào lọ sạch có nắp. Mỗi lần dùng 2-3 giọt nhỏ vào mũi (có thể tăng lên 4-5 giọt), thực hiện ngày 3 lần trong 14 ngày.
- Lưu ý: Sau khi nhỏ nên hạn chế vận động trong 3-5 phút nhằm giúp dầu có thời gian đi sâu vào các niêm mạc bên trong mũi.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam