Theo Đông Y học, Mơ lông có tính bình, mát. Vị ngọt, đắng nhẹ. Dược liệu có tác dụng trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Mơ lông, Mơ tam thể, dây thối địt, lá mơ, dắm chó, Mẫu cẩu đằng, Ngũ hương đằng, Thanh phong đằng, Ngưu bì đống, Mao hồ lô.
- Tên khoa học: Paederia foetida L.
- Họ: Cà phê (Rubiaceae).
2. Đặc điểm dược liệu
- Cây dây leo bằng thân cuốn, sống nhiều năm. Thân non hơi dẹt, sau tròn, mầu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 5-10cm, rộng 2-4cm, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, hai mặt lá đều mầu lục, gân lá rõ ở mặt trên; cuống lá dài 1-3 cm; lá kèm rộng, thường xẻ đôi. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành xim, dài 10-30cm, phân nhánh nhiều và tỏa rộng; lá bắc rất nhỏ; hoa mầu trắng điểm tím nhạt, không cuống; đài hình chuông, 4-5 răng rất nhỏ, hình tam giác nhọn; tràng hình phễu, dài 1-1,2cm, 4-5 cánh loăn xoăn ở đầu; nhị 4-5; bầu 2 ô. Quả gần hình trứng, dẹt, nhẵn, mầu nâu bóng. Toàn cây có lông mềm, nhất là thân, cành và lá non. Lá vò nát có mùi khó ngửi. Mùa hoa quả: 8-10
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Do đặc điểm sinh trưởng, phát triển mạnh, cây lá mơ xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới nhưng phổ biến nhất là ở Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ. Riêng ở nước ta, cây có mặt ở mọi nơi, từ mọc hoang ở bụi rậm, bờ vườn đến được trồng làm hàng rào, trồng làm rau,…
Bộ phận dùng
- Lá mơ lông chính là bộ phận được ưu tiên sử dụng nhiều nhất. Nhưng đôi khi thân và rễ cũng được ứng dụng trong các bài thuốc chữa bệnh.
Thu hoạch và sơ chế
- Toàn cây thu hái vào mùa hè. Rễ vào mùa thu hay mùa đông. Lá thường dùng tươi
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Lá có chứa loại tinh dầu mùi của disulfua carbon, mùi thối là do methylmercaptan.
- Lá chứa protenin gồm các acid amin như argenin, histidin, lysin, tyrosin, tryptophan, phenylalanin, cystein, methionin, threonin và valin.
- Lá chứa nhiều caroten và vitamin C.
B. Tác dụng dược lý
Tác dụng chống co thắt hồi tràng
- Lá mơ lông có các tác dụng chống co thắt hồi tràng cô lập chuột lang và ức chế sự phát triển của mô ung thư biểu mô dạng biểu bì của mũi – hầu người được nuôi cấy.
Tác dụng ức chế vi khuẩn
- Lá mơ lông có tác dụng ức chế sự phát triển của Shigella flexneri. Hoạt chất toàn phần thô chiết xuất từ lá mơ lông có tác dụng ức chế Entamoeba histolytica với nồng độ ức chế tối thiểu 1/800.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Tính bình, mát. Vị ngọt, đắng nhẹ
Quy Kinh
- Chưa có tài liệu nghiên cứu
Công Năng
- Trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng
Công Dụng
- Loại lá này có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, thanh nhiệt, giải độc, trị ho gà, tiêu chảy, hoạt huyết, giảm ho, tiêu sưng, lợi thấp, khu phong, kích thích tiêu hóa,… Có công dụng chủ trị trong các chứng bao gồm:
- Ăn không tiêu, tiêu chảy.
- Đau nhức xương khớp, phong thấp.
- Suy dinh dưỡng, tiêu hóa kém đối với trẻ nhỏ.
- Ho gà.
- Kiết lỵ, lỵ amip.
- Viêm tai giữa.
- Nhiễm trùng, chấn thương ngoài da.
- Một số bệnh khác.
Kiêng Kỵ
- Chỉ sử dụng lá mơ lông sạch để làm thuốc. Ngâm trước với nước muối khoảng 20 phút để sát khuẩn lá mơ trước khi dùng uống hoặc đắp ngoài da.
- Dùng đúng theo liều lượng được khuyến cáo hoặc theo đúng chỉ định của thầy thuốc.
- Không sử dụng lá mơ nếu bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của
Liều dụng:
- Dùng khoảng 50g lá, rửa sạch, thái nhỏ, trộn với trứng gà, bọc vào lá chuối đem nướng hoặc đặt rán trên chảo (không có mỡ) cho thơm. Ngày ăn 2-3 lần, trong 5-8 ngày.
Bài thuốc sử dụng
1. Bài thuốc trị bệnh cảm lạnh
Sử dụng khoảng 25 chiếc lá mơ ăn sống, hấp chín để ăn hoặc ăn kèm với cơm vào các bữa ăn. Bài thuốc cực kỳ đơn giản nhưng giúp trị bệnh cảm lạnh rất hiệu quả.
2. Chữa tiêu chảy do nóng:
Nếu mắc chứng tiêu chảy do nhiệt với triệu chứng khát nhiều, phân khẳm, nước tiểu vàng, bụng đau quặn kèm theo đầy hơi, hậu môn nóng rát, có thể dùng lá mơ 16g, nụ sim 8g sắc cùng với 500ml nước còn 200ml, chia làm hai lần uống trong ngày.
3. Chữa sôi bụng, ăn khó tiêu:
Lấy một nắm lá mơ tươi ăn kèm trong bữa cơm hoặc giã nát vắt lấy nước uống, ăn như vậy trong khoảng 2-3 ngày là thấy kết quả.
4. Chữa tiêu chảy ra máu:
Mơ tam thể 6g; đọt cà ăn quả 16g; Rau sam, cây Cứt lợn, mỗi vị 6g; Xuyên tâm liên 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang,
5. Chữa ho gà:
Lá Mơ tam thể 150g; Bách bộ, cỏ Mần trầu, rễ Chanh, cỏ Nhọ nồi, rau Má, mỗi vị 250g; Cam thảo dây 150g; Trần bì 100g; Gừng 50g; đường kính 1500g. Cho vào 6 lít nước sắc còn 1 lít, cho đường kính vào trộn lẫn rồi đun sôi cho còn một lít. Liều dùng: Ngày uống 2-3 lần. Trẻ 6 tháng đến 1 năm tuổi, mỗi lần uống 2 thìa cà phê; trẻ 3-4 tuổi: 6 lần x 2 thìa cà phê; trẻ 5-7 tuổi: 7 lần x 2 thìa cà phê.
6. Chữa lỵ trực trùng Shiga:
Hái 30 – 50g lá mơ tam thể rửa sạch với nước muối, xắt sợi nhuyễn. Trộn dược liệu chung với 1 quả trứng gà đem nướng trên chảo cho thơm và chín đều hai mặt. Chia ăn 3 lần trong ngày. Thông thường sau liệu trình điều trị 7 ngày các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt.
7. Chữa ăn không tiêu dẫn đến đau tức ở vùng thượng vị:
Dùng 30 – 60g thân và rễ tươi mơ tam thể (tương đương 10-20g dược liệu khô). Sắc nước uống làm 3 lần. Dùng mỗi ngày 1 thang đến khi bệnh dứt hẳn.
8. Chữa đau dạ dày:
Tùy theo mức độ bệnh, rửa sạch 20 – 30g lá, giã lấy nước cốt uống hết 1 lần. Kiên trì áp dụng hàng ngày cho đến khi các triệu chứng của bệnh đau dạ dày bị dập tắt hoàn toàn.
9. Chữa bệnh Zona (giời leo):
Lấy dây mơ tam thể giã nát đắp vào khu vực bị tổn thương 3 – 4 lần mỗi ngày.
10. Chữa tiêu chảy ra phân lợn cợn, đại tiện bất thường:
Dùng 30g lá mơ tam thể thái nhuyễn trộn đều với một cái lòng đỏ trứng gà. Giói hỗn hợp vào lá chuối, dàn mỏng rồi đem nướng trên chảo cho chín. Chia làm 2 lần ăn trong ngày. Liệu trình điều trị trong 3 ngày liên tục.
11. Chữa lỵ amip:
Dùng khoảng 30g lá mơ tam thể, rửa sạch, để ráo nước, thái sợi nhỏ. Cho lá mơ tam thể đã thái nhuyễn vào tô, thêm 1 cái lòng trắng trứng gà và vài hạt muối ăn vào, trộn đều. Áp chảo hỗn hợp bằng chảo chống dính cho đến khi chín xém cả hai mặt. Chia hai lần ăn trong người.
Người bị bệnh kiết lỵ do amip nên ăn 5 – 8 ngày liên tục, sau đó tới bệnh viện xét nghiệm phân lại. Nếu không còn tìm thấy trứng amip thì ngưng, ngược lại hãy tiếp tục sử dụng thêm món ăn bài thuốc này thêm một liệu trình nữa.
12. Chữa viêm da thần kinh, chàm da, ngứa da toàn thân:
Hái ngọn và lá non mơ tam thể lượng đủ dùng. Rửa sạch, giã nát thoa vào khu vực cần điều trị, để 10 phút rồi rửa sạch. Lặp lại vài lần trong ngày.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam