Bạn có đang ngủ quá nhiều?
Thời gian ngủ cần thiết của mỗi người là khác nhau và thay đổi theo từng độ tuổi. Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Hoa Kỳ (National Sleep Foundation) đã đưa ra khuyến nghị thời gian ngủ lý tưởng của một người khoẻ mạnh trong một ngày như sau:
Theo đó, những người ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn số giờ chấp nhận được trong một thời gian dài đều sẽ gây những tổn hại nghiêm trọng cho sức khoẻ. Ngoài ra, đây còn là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm khác. Cảm thấy bản thân đang ngủ quá nhiều? Đừng chần chừ nữa và đến gặp bác sĩ ngay!
Ngủ quá nhiều là bệnh gì?
Rối loạn ngủ nhiều (Hypersomnia) là một loại rối loạn thần kinh liên quan đến giấc ngủ. Theo đó, người bệnh thường có các triệu chứng như:
- Thời gian ngủ trong ngày kéo dài quá mức. Người bệnh thường cần phải ngủ từ 10-12 tiếng mỗi đêm để có thể tỉnh táo vào sáng hôm sau.
- Cảm thấy quá buồn ngủ vào ban ngày, không đủ tỉnh táo để hoạt động một cách bình thường. Có thể thay đổi tâm trạng, mất tập trung, thiếu năng lượng,…
- Dễ dàng đi vào giấc ngủ nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc thức dậy hơn những người bình thường
Những người mắc rối loạn ngủ nhiều có thể vô thức rơi vào các giấc ngủ ngắn vào ban ngày, kể cả khi đang trong những hoàn cảnh đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ như lái xe, vận hành máy,…
Nguyên nhân gây ra Rối loạn ngủ nhiều
Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association – APA), tuỳ thuộc vào triệu chứng của bệnh mà có những nguyên nhân khác nhau như:
- Hệ thống thần kinh tự chủ điều khiển các chức năng vô thức như thở, nhịp tim, tiêu hóa,… của bạn gặp vấn đề
- Chấn thương đầu, khối u hoặc chấn thương hệ thống thần kinh trung ương
- Lạm dụng ma túy hoặc rượu
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Các vấn đề về sức khoẻ như trầm cảm, đa xơ cứng, viêm não, động kinh, béo phì, bệnh về tuyến giáp, tim mạch,…
- Có khoảng 10% người mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV, hội chứng Guillain-barre,…) bị rối loạn ngủ nhiều vài tháng sau khi nhiễm bệnh.
Ngoài ra, rối loạn ngủ nhiều có thể liên quan đến một số loại rối loạn giấc ngủ khác như Chứng ngủ rũ (Narcolepsy) hoặc Chứng Ngưng thở khi ngủ (Sleep apnea),…
Biến chứng và ảnh hưởng
Người bị Rối loạn ngủ nhiều thường gặp phải những vấn đề sau:
- Mệt mỏi
- Giảm trí nhớ, giảm tập trung
- Không có năng lượng, thiếu sức sống
Nếu Rối loạn ngủ nhiều diễn ra quá lâu mà không có sự can thiệp y tế, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng:
- Đau đầu, đau lưng và đau các cơ
- Tiểu đường
- Khủng hoảng, căng thẳng và các vấn đề tâm lí khác
- Bệnh tim mạch
Những người mắc Rối loạn ngủ nhiều thường xuyên ở trong trạng thái buồn ngủ, ngủ quá nhiều và dễ dàng rơi vào giấc ngủ vô thức. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống của họ, thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu để họ lái xe hoặc hoặc điều khiên máy móc, chăm sóc sức khoẻ,…
Người bệnh nên làm gì?
Khi bạn tự cảm thấy bản thân ngủ nhiều quá mức trong thời gian dài, hãy chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sức khoẻ.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý những việc sau đây để giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn:
- Đánh giá cơn buồn ngủ của bạn theo Thang đo giấc ngủ Epworth: giúp bác sĩ hiểu được mức độ ảnh hưởng của cơn buồn ngủ đến cuộc sống của bạn.
- Viết nhật kí ngủ: ghi lại những thói quen, giờ đi ngủ, số lần thức dậy,… ít nhất trong vòng một tuần trước khi gặp bác sĩ.
- Đo Đa ký giấc ngủ (Polysomnogram-PSG): đến các trung tâm y tế có dịch vụ Đo đa ký giấc ngủ để được kiểm tra các hoạt động của cơ thể khi ngủ, bác sĩ sẽ nhận biết được bạn đang mắc dạng rối loạn giấc ngủ nào, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn.
5 tips giúp bạn có giấc ngủ tốt hơn
1. Soạn ra cho bản thân một thời gian biểu cụ thể
Hãy đặt ra giờ đi ngủ và giờ thức dậy mỗi ngày cho bản thân. Cố gắng tuân thủ theo thời gian biểu này kể cả vào ngày cuối tuần. Cơ thể bạn sẽ dần quen với nhịp sinh học mới.
2. Chuẩn bị một chỗ ngủ lý tưởng
Phòng ngủ của bạn cần phải đủ tối, mát mẻ và yên tĩnh. Hãy tặng cho bản thân một chiếc nệm êm ái và một cái gối đầu tốt để cơ thể thoải mái nhất. Nếu có thể, hãy để trẻ em và thú cưng ngủ ở phòng khác. Đồ bịt tai hoặc máy tạo âm thanh trắng cũng là những gợi ý hay để cải thiện giấc ngủ của bạn.
3. Tắt các thiết bị điện tử
Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như TV hay điện thoại di động có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta. Hãy ngừng sử dụng những thiết bị này trước khi đi ngủ từ 2-3 tiếng để có thể ngủ một cách dễ dàng.
4. Quan tâm đến những thói quen hằng ngày
Caffeine có thể làm bạn mất ngủ. Rượu có thể làm bạn buồn ngủ, nhưng thật ra nó làm cho chất lượng giấc ngủ của bạn tệ hơn, gây đau đầu khi thức dậy. Thay vào đó, hãy sử dụng trà thảo dược hoặc sữa ấm để có một giấc ngủ ngon hơn. Tập thể dục rất tốt cho sức khoẻ, nhưng bạn sẽ khó đi vào giấc ngủ nếu trước đó vừa tập thể dục đấy!
5. Duy trì viết nhật kí ngủ
Kể cả khi không bị Rối loạn giấc ngủ, bạn vẫn nên chú ý đến giờ giấc sinh hoạt của bản thân. Hãy ghi lại dù là bất cứ vấn đề khác biệt nào xảy ra đối với cơ thể để có thể phát hiện bệnh kịp thời nhé!
Tuy rối loạn giấc ngủ là vấn đề vô cùng phổ biến trong cuộc sống ngày nay nhưng mọi người vẫn chưa đặt nhiều sự quan tâm đến nó. Mong rằng những thông tin trên có thể giúp ích cho bạn và nhớ ghé thăm Medplus mỗi ngày để có thêm nhiều kiến thức bổ ích về sức khoẻ nhé!
Bài viết liên quan: Rối loạn giấc ngủ và những điều cần biết